Tại hội thảo do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức ngày 8/5, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế trong cuộc chiến với sản phẩm gây nghiện này. Theo bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ – việc tăng thuế thuốc lá là một chiến lược mang lại hiệu quả toàn diện, đồng thời giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng và tài chính quốc gia.
Tăng thuế – giảm hút thuốc và giảm bệnh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định tăng thuế thuốc lá là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Ước tính, việc điều chỉnh thuế để giá thuốc lá tăng 10% sẽ khiến mức tiêu dùng giảm từ 4% đến 5%, trong đó tác động rõ rệt hơn ở nhóm thanh thiếu niên và người thu nhập thấp – những đối tượng nhạy cảm với giá cả.
Ảnh minh họa.
Tác động không chỉ dừng ở hành vi tiêu dùng. WHO cho biết tăng thuế là một trong những yếu tố góp phần cắt giảm khoảng 60% tỷ lệ sử dụng thuốc lá toàn cầu. Ngân hàng Thế giới bổ sung rằng, nếu thuế tăng 10%, ngân sách thu được từ thuốc lá có thể tăng thêm 7%.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới. Thống kê cho thấy năm 2021, 20,8% dân số Việt Nam hút thuốc – trong đó nam giới chiếm hơn 41%, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động từ 15 đến 55 tuổi.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, với ít nhất 69 chất có khả năng gây ung thư. Trẻ em và phụ nữ mang thai tiếp xúc với khói thuốc bị đẩy vào nguy cơ sảy thai, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và các rối loạn về phát triển trí não, hô hấp.
Theo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, mỗi năm quốc gia phải chi khoảng 108.000 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD) để điều trị bệnh và bù đắp tổn thất lao động do hậu quả của thuốc lá – chiếm tới 1,14% GDP.
Mức thuế thuốc lá hiện còn thấp, chưa đủ sức răn đe
Tuy nhiên, theo đánh giá của WHO, mức thuế thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn thấp so với chuẩn khuyến nghị. Cụ thể, cơ quan này khuyến nghị thuế thuốc lá nên chiếm tối thiểu 75% giá bán lẻ để đảm bảo hiệu quả kiểm soát tiêu dùng. Trong khi đó, tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ vào năm 2022 – cách khá xa ngưỡng đề xuất và thấp hơn mức trung bình 59% của các quốc gia thu nhập trung bình.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang áp dụng mức thuế thấp hơn hầu hết các nước: Thái Lan thu 78,6%, Philippines 71,3% và Singapore 67,5%. Mức thuế thấp khiến giá bán thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất khu vực. Hiện có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá đang bán dưới 10.000 đồng/bao, trong đó nhiều sản phẩm chỉ có giá 7.000–8.000 đồng. Với chi phí thấp như vậy, thuốc lá dễ dàng tiếp cận với người nghèo và thanh thiếu niên – nhóm đối tượng cần được bảo vệ nhất.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế thuốc lá là một chính sách thành công. Tại Philippines, sau lần tăng thuế năm 2012, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% xuống còn 19,5% trong vòng một thập kỷ, đồng thời nguồn thu thuế tăng từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD. Tương tự, Thái Lan sau 11 lần tăng thuế thuốc lá từ năm 1993 đến 2017 đã giảm được tỷ lệ hút từ 32% xuống còn 19,1%, và thu ngân sách tăng hơn 4 lần.
Lợi ích kép cho quốc gia và cộng đồng
Trong bối cảnh Việt Nam đang cần thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc tăng thuế thuốc lá được nhìn nhận như một chính sách tài khóa mang tính nhân đạo và hiệu quả cao.
Mức giá cao hơn sẽ thúc đẩy người nghèo và giới trẻ bỏ thuốc – nhóm dễ bị tổn thương bởi chi phí y tế và khả năng tiếp cận dịch vụ. Khi dừng hút thuốc, họ không chỉ giảm nguy cơ bệnh tật, tử vong sớm, mà còn tiết kiệm chi tiêu, cải thiện điều kiện sống và dành nhiều nguồn lực hơn cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe gia đình.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo đề xuất áp dụng song song hai hình thức: tăng mạnh thuế suất tỷ lệ và bổ sung thuế tuyệt đối (thuế tính trên mỗi đơn vị sản phẩm). Cách làm này vừa giúp kiểm soát giá hiệu quả, vừa đảm bảo nguồn thu ổn định, giảm khả năng lách luật hay bán phá giá từ doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh thuế thuốc lá không chỉ là một động thái về tài chính. Đây là hành động thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, và giảm bớt gánh nặng y tế trong dài hạn.
Bích Ngọc