Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, yếu tố thiết kế của chai không chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ để thu hút người tiêu dùng, mà còn là kết quả của những tính toán vật lý tinh vi nhằm tối ưu hóa độ bền và khả năng chịu áp lực của vật liệu. Các đường gấp khúc hoặc vết lồi lõm ở phần đáy chai giúp tăng độ cứng và độ chắc chắn. Có thể hình dung, nếu bạn cầm một tờ giấy và gấp lại, sẽ rất dễ. Nhưng nếu cuộn tròn nó lại trước khi gấp, việc này sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều đó cho thấy việc uốn cong vật liệu sẽ giúp tăng mômen quán tính quanh trục uốn, qua đó nâng cao khả năng chịu lực của vật thể.
Đối với nước có ga, việc giữ lạnh sản phẩm là cần thiết để duy trì chất lượng và lượng khí carbonic bên trong. Tuy nhiên, khi nhiệt độ giảm, thể tích chất lỏng có ga thay đổi, làm tăng áp suất nội tại bên trong chai. Nếu đáy chai phẳng, khả năng vỡ hoặc rò rỉ là rất cao. Chính vì vậy, các nhà sản xuất đã thiết kế phần đáy chai lõm vào trong và có dạng nhiều chân giống hình bông hoa 5 cánh. Cấu trúc này cho phép chai nhựa co giãn linh hoạt theo sự thay đổi nhiệt độ, đồng thời chịu được áp lực từ chất lỏng bên trong mà không bị biến dạng.
Không chỉ vậy, thiết kế đáy chai này còn giúp hấp thụ lực tác động khi chai bị rơi hoặc va chạm. Nếu bạn thử dùng chân giẫm lên một chai nước ngọt, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy phần thân chai có thể bị bóp méo, trong khi phần đáy vẫn giữ nguyên hình dạng, rất khó bị phá vỡ.
Ngoài ra, một đặc điểm khác thường thấy ở chai nước giải khát là phần miệng chai nhỏ hơn thân chai. Điều này giúp hạ thấp trọng tâm, kết hợp cùng đáy chai không phẳng để gia tăng độ ổn định khi đặt đứng. Ngay cả lon nước ngọt cũng được thiết kế với phần đáy cong lõm vào trong nhằm tăng khả năng chịu áp lực và giảm thiểu rủi ro khi vận chuyển hoặc bảo quản.
Có thể thấy, thiết kế của các loại chai nước không hề đơn giản, mà là sự kết hợp giữa thẩm mỹ, kỹ thuật và khoa học nhằm đảm bảo an toàn, độ bền cũng như trải nghiệm người dùng.
Bảo Ngọc (t/h)