Vì sao châu Âu e ngại tự lực quốc phòng?

Vì sao châu Âu e ngại tự lực quốc phòng?
4 giờ trướcBài gốc
Xe quân sự Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Orzysz, Ba Lan ngày 22/4/2024. Ảnh: PAP/TTXVN
Nhận định với kênh truyền thông Project Syndicate mới đây, Zaki Laïdi, Giáo sư tại Sciences Po, từng là cố vấn đặc biệt cho Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, câu hỏi về khả năng tự vệ của châu Âu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mặc dù các quốc gia châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng họ vẫn phụ thuộc chiến lược vào Mỹ. Điều đáng nói là, ngay cả khi Mỹ cảnh báo rút lui, các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu vẫn từ chối đối mặt với câu hỏi cốt lõi: Liệu châu Âu có thể tự mình đảm bảo an ninh hay không?
Sự phụ thuộc này được thể hiện rõ nét qua những diễn biến gần đây. Chỉ vài ngày sau khi Tổng Thư ký NATO Mark Rutte ca ngợi hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Hague (Hà Lan) là một thành công, Mỹ đã tạm dừng một chuyến hàng thiết bị quân sự theo kế hoạch đến Ukraine và nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga. Mặc dù sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã đảo ngược quyết định này, nhưng sự khó đoán định trong chính sách của Mỹ vẫn là nỗi lo lớn đối với châu Âu. Điều này cho thấy, các cam kết an ninh của Mỹ không còn gắn liền một cách chắc chắn với nỗ lực tăng cường quốc phòng của châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, các thành viên đã nhất trí tăng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh từ 2% lên 5% GDP vào năm 2035. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã nhấn mạnh nhu cầu đầu tư, nhưng chính thái độ "xem nhẹ" EU của Tổng thống Trump mới là yếu tố cuối cùng thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu hành động. Tuy nhiên, cam kết chi tiêu này, dù có vẻ thông qua dễ dàng, lại đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng thực hiện. Đức có dư địa tài khóa, nhưng các cường quốc khác như Pháp, Anh và Italy đang đối mặt với những hạn chế ngân sách nghiêm trọng.
Ngoài thách thức về ngân sách, cam kết quốc phòng mới của NATO còn đặt ra những vấn đề chiến lược sâu sắc hơn. Việc châu Âu cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng mà không có cam kết tương ứng từ Mỹ tạo ra một tình huống tiến thoái lưỡng nan kinh điển. Nếu châu Âu không đạt được mục tiêu, Mỹ có cớ để giảm hỗ trợ; nếu đạt được, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể lập luận rằng châu Âu không còn cần sự hỗ trợ quân sự của Mỹ nữa. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Elbridge Colby đã lập luận rằng Washington nên giảm bớt nghĩa vụ quân sự, ngay cả với các đồng minh chủ chốt. Điều này cho thấy, việc trở thành đồng minh của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang trở thành một vấn đề lớn.
Hơn nữa, quan niệm rằng chỉ riêng việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giải quyết được các vấn đề chiến lược của EU là hoàn toàn sai lầm. Việc điều hòa ngân sách quốc phòng trên khắp châu Âu để giảm thiểu sự trùng lặp và lãng phí sẽ rất khó khăn. Vẫn chưa có sự đồng thuận về việc liệu ngân sách quốc phòng của châu Âu có nên được phân bổ riêng cho các công ty châu Âu hay không, phần lớn là do nhiều người ở châu Âu vẫn tin rằng việc duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ sẽ đảm bảo thiện chí và sự ủng hộ quân sự liên tục.
Ví dụ, chương trình máy bay chung tham vọng nhất của châu Âu – Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) – đang đối mặt với những căng thẳng gia tăng giữa Dassault của Pháp và Airbus. Dassault kiên quyết dẫn đầu chương trình và tuyên bố có thể tiến hành độc lập nếu cần thiết, làm nổi bật những cạnh tranh dai dẳng trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Thực tế, phần lớn chi tiêu ban đầu có thể sẽ được chuyển cho các công ty Mỹ, những đơn vị có vị thế tốt hơn để cung cấp thiết bị quân sự quan trọng một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, đơn đặt hàng gần đây của Đan Mạch mua thêm bốn chiếc F-35 từ Mỹ, diễn ra ngay sau khi Tổng thống Trump cảnh báo lại rằng sẽ kiểm soát Greenland, được coi là một cách để xoa dịu Washington.
Việc phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Mỹ thực chất trao cho Washington quyền kiểm soát việc sử dụng chúng. Ví dụ, việc chặn cập nhật phần mềm hàng tuần sẽ đủ để làm giảm hiệu suất của F-35, và tất cả máy bay do Mỹ sản xuất đều phải nộp kế hoạch bay cho các nhà sản xuất Mỹ, nghĩa là không một hoạt động quân sự nào của châu Âu liên quan đến những máy bay này có thể diễn ra mà không có sự cho phép của Mỹ.
Tuy nhiên, quan niệm rằng một ngày nào đó Mỹ có thể theo đuổi những mục tiêu trái ngược với lợi ích của châu Âu hầu như không được hầu hết các nhà hoạch định chính sách EU chấp nhận. Ngay cả khi điều đó xảy ra, ý tưởng này vẫn gây bất an đến mức nhanh chóng bị bác bỏ. Điều này nhấn mạnh điểm yếu và nỗi lo sợ chính trị của châu Âu.
Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Kaja Kallas là điển hình cho quan điểm phổ biến rằng Mỹ không bao giờ nên bị chỉ trích công khai. Ngược lại, Ủy viên Quốc phòng EU Andrius Kubilius là một trong số ít người sẵn sàng thừa nhận sự cần thiết của việc châu Âu chuẩn bị tự vệ mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng ngay cả ông cũng tránh né việc xem xét những tác động chính trị và chiến lược sâu rộng của sự thay đổi này.
Tóm lại, Giáo sư Zaki Laïdi lưu ý trong khi giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine đã nâng cao uy tín của EU, thì tình trạng bế tắc hiện tại và cảnh báo rút lui của Mỹ đã bộc lộ một thực tế khó chịu: Châu Âu không sợ gì hơn là sự độc lập thực sự.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/vi-sao-chau-au-e-ngai-tu-luc-quoc-phong-20250727195441952.htm