Vì sao Chứng khoán DSC khuyến nghị thận trọng với chất lượng tài sản của Ngân hàng SHB?

Vì sao Chứng khoán DSC khuyến nghị thận trọng với chất lượng tài sản của Ngân hàng SHB?
3 giờ trướcBài gốc
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng SHB trong quý 2/2024 đã giảm 29% so với quý 1/2024.
Kết thúc quý 2/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu SHB - sàn HoSE) ghi nhận 4.383 tỷ tổng thu nhập hoạt động và 2.858 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 25% và 29% so với quý 1/2024.
Trong đó, thu nhập lãi thuần trong quý giảm 15%, còn 4.412 tỷ đồng, chủ yếu do biên lãi thuần (NIM) giảm sâu, chỉ còn 2,95% - mức thấp nhất rong số các ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE, do lợi suất tài sản sinh lãi giảm nhanh hơn chi phí vốn.
Đồng thời, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này trong quý 2/2024 cũng kém khả quan với mức lỗ 29 tỷ đồng, do hai khoản lỗ lớn đến từ hoạt động chứng khoán đầu tư (trích lập cho trái phiếu) và hoạt động khác, lần lượt lỗ 103 tỷ đồng và lỗ 171 tỷ đồng.
Từ cuối tháng 3/2024, Ngân hàng SHB đã tung ra loạt chương trình giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh loạt ngân hàng giảm lãi suất. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong quý 2/2024 đã đạt mức tăng 5% so với hồi đầu năm, so với mức âm nhẹ 0,3% trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng SHB phải đánh đổi với lợi suất tài sản sinh lãi giảm, khi lợi suất sinh lãi của ngân hàng đã giảm mạnh 1,47 điểm phần trăm mà chi phí vốn chỉ giảm 0,91 điểm phần trăm.
Đồng thời, Ngân hàng SHB không sở hữu lợi thế huy động vốn khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chỉ đạt 9%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng có cùng quy mô. Những yếu tố trên đã khiến NIM của Ngân hàng SHB bị thu hẹp đáng kể trong quý 2/2024.
Với việc các gói giảm lãi suất cho vay còn kéo dài đến hết năm 2024, trong khi dư địa giảm chi phí vốn không còn nhiều, NIM của Ngân hàng SHB có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, theo đánh giá mới đây của Chứng khoán DSC.
Xét về các khoản chi phí, Ngân hàng SHB đã nỗ lực tiết giảm chi phí khi chi phí hoạt động trong quý 2/2024 chỉ ở mức 1.197 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ CIR chỉ là 27,3% - mức thấp so trung bình ngành.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của Ngân hàng SHB qua các quý. (Nguồn: Ngân hàng SHB, Chứng khoán DSC)
Chi phí dự phòng cũng chỉ còn 328 tỷ, giảm 54% so với quý 1/2024. Tuy nhiên, Chứng khoán DSC nhận định việc giảm trích lập trong bối cảnh chất lượng tài sản của ngân hàng suy giảm sẽ "gia tăng thêm rủi ro trong tương lai".
Mặc dù có quy mô lớn trong nhóm các ngân hàng tư nhân, nhưng chất lượng tài sản của Ngân hàng SHB lại kém hơn so với các ngân hàng khác. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trong quý 2/2024 đi ngang so với quý 1/2024, quanh mức 3,02%. Trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 69% xuống còn 63%.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu SHB của Ngân hàng SHB từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Theo đó, Chứng khoán DSC đưa ra quan điểm thận trọng đối với chất lượng tài sản của Ngân hàng SHB trong thời gian tới do khẩu vị rủi ro của ngân hàng này tương đối cao với tỷ trọng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản & xây dựng chiếm hơn 30% dư nợ tín dụng.
Tỷ lệ lãi, phí phải thu của ngân hàng này tính đến cuối quý 2/2024 tương đương 4,3% dư nợ cho vay khách hàng, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết trên HoSE và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Đồng thời, tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ chú ý) trong quý 2/2024 tăng mạnh hơn 30% trong khi xu hướng chung toàn ngành là nợ nhóm 2 giảm mạnh so với quý trước. Bên cạnh đó, việc kết quả kinh doanh suy giảm cũng sẽ hạn chế khả năng trích lập và xử lý nợ xấu của Ngân hàng SHB, Chứng khoán DSC đánh giá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, thị giá cổ phiếu SHB đạt 10.850 đồng/cổ phiếu.
Duy Quang
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/vi-sao-chung-khoan-dsc-khuyen-nghi-than-trong-voi-chat-luong-tai-san-cua-ngan-hang-shb-127759.htm