Vì sao chuyên gia làm việc luôn có kế hoạch?

Vì sao chuyên gia làm việc luôn có kế hoạch?
4 giờ trướcBài gốc
Các chuyên gia luôn có kế hoạch
Chương trình truyền hình mà tôi yêu thích khi còn nhỏ là The A-Team (Biệt đội A). Nếu bạn chưa xem, tôi có thể tóm tắt cô đọng nhất cho bạn 99% nội dung của tất cả các phần:
1. Nhóm kẻ xấu quấy rối và dọa nạt người vô tội.
2. Những người vô tội đó liên lạc và xin A-Team giúp đỡ.
3. A-Team (nhóm những người lính đã giải ngũ) chiến đấu, khiến những kẻ xấu bẽ mặt và buộc phải rời đi.
Lúc nào cũng vậy, các tập phim sẽ kết thúc với Hannibal (bộ não của A-Team) nhai điếu xì-gà trong chiến thắng và nói: “Tôi thích cách tất cả mọi người cùng thực hiện theo kế hoạch.”
Hãy nhìn bất kỳ chuyên gia nào có dòng tiền lớn, bạn sẽ thấy bản kế hoạch chi tiết luôn được thực hiện.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.
Những chuyên gia không bao giờ làm mà không có kế hoạch.
Bác sĩ làm theo phác đồ điều trị.
Phi công làm theo kế hoạch bay.
Những người lính buộc phải tuân thủ kế hoạch của tổ chức.
Bạn cảm thấy thế nào về việc tham gia vào một trong số những lĩnh vực kể trên nếu những chuyên gia của lĩnh vực đó nói với bạn rằng: “Hãy dẹp các kế hoạch đi, tôi sẽ tự làm nó.” Ấy vậy mà đó lại là cách đa số những người chủ doanh nghiệp thực hiện.
Thông thường, khi một người tạo ra mớ lộn xộn trong công việc, rõ ràng họ không có kế hoạch nào cả. Đừng để bạn và doanh nghiệp của mình rơi vào tình trạng đó. Khi không ai có thể đảm bảo cho bạn và doanh nghiệp của bạn, việc xây dựng một kế hoạch rõ ràng giúp tăng khả năng thành công.
Giống như việc bạn không muốn ngồi lên chiếc máy bay mà người phi công không có kế hoạch bay, bạn sẽ không muốn mình và gia đình phụ thuộc vào một doanh nghiệp hoạt động mà không có kế hoạch cụ thể. Rủi ro thường rất lớn. Hôn nhân, đối tác, công việc và hơn thế nữa là những tổn thất của một doanh nghiệp thất bại.
Những rủi ro quá lớn luôn chực chờ, vì vậy đã tới lúc “trở thành chuyên gia” và vạch ra một kế hoạch cho mình.
Kế hoạch sai
Ngay từ doanh nghiệp đầu tiên của mình, tôi đủ thông minh để nhận ra mình cần một kế hoạch để có thể thành công. Nhưng thật không may, trí thông minh của tôi chỉ dừng lại ở đó.
Nhờ sự giúp đỡ của một chuyên viên kinh doanh (thường không bao giờ thật sự xây dựng được một doanh nghiệp thành công cho riêng mình), tôi đã bỏ ra hàng nghìn đô-la để có một bản kế hoạch kinh doanh mà hầu hết các chủ doanh nghiệp không bao giờ tự làm.
Kế hoạch kinh doanh của tôi dài hàng trăm trang giấy. Nó gồm nhiều loại biểu đồ, dự thảo và vô số thứ khác. Mỗi lần nhìn vào tập giấy đó, tôi cảm thấy thật tuyệt vời, nhưng thực ra, đó chỉ là danh sách những điều vô nghĩa.
Sau khi có được bản kế hoạch, tôi đã cất nó trên tầng cao của giá sách và chưa từng nhìn lại cho tới ngày chúng tôi chuyển văn phòng và tôi phải dọn dẹp chỗ của mình.
Tôi phủi bụi cho nó, gõ nhẹ và tống vào thùng rác, tức giận với bản thân vì đã lãng phí tiền vào người tư vấn vô dụng kia.
Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ càng hơn, tôi nhận ra quá trình làm việc với người tư vấn đó rất giá trị, vì nó giúp tôi thấy rõ được một số yếu tố quan trọng trong việc kinh doanh của mình, đặc biệt là “kế hoạch marketing”.
Thực tế, những sự chuẩn bị để có kế hoạch marketing đã góp phần hình thành doanh nghiệp và tạo ra nhiều thành công cho tương lai.
Allan Dib/Alpha Books-NXB Lao động-Xã hội
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-chuyen-gia-lam-viec-luon-co-ke-hoach-post1529189.html