Vì sao công trái Mỹ được coi là tài sản đáng tin cậy bậc nhất?

Vì sao công trái Mỹ được coi là tài sản đáng tin cậy bậc nhất?
7 giờ trướcBài gốc
Do Chính phủ Mỹ không có quyền phát hành tiền tệ mà chỉ có quyền phát hành công trái, sau đó đem công trái nộp cho Cục Dự trữ Liên bang làm vật thế chấp để phát hành tiền tệ thông qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và hệ thống ngân hàng thương mại mà ngọn nguồn của đồng đô-la Mỹ nằm ở công trái.
Bước thứ nhất, Quốc hội phê chuẩn quy mô phát hành công trái, Bộ Tài chính sẽ thiết kế công trái thành nhiều loại khác nhau, trong đó loại có kỳ hạn 1 năm được gọi là T-Bills (Treasury Bills); loại có kỳ hạn từ 2-10 năm gọi là T-Notes, còn loại có kỳ hạn 30 năm gọi là T-Bonds.
Những công trái này có mức lãi suất và thời hạn khác nhau, được tiến hành phát mãi công khai trên thị trường. Cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ đem toàn bộ số công trái không phát mãi được trong giao dịch chuyển qua Cục Dự trữ Liên bang. Trên sổ sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, những công trái này sẽ được ghi vào mục “Tài sản chứng khoán” (Securities Asset).
USD là đồng tiền có vị thế lớn trên thế giới. Ảnh: USA Today.
Do Chính phủ Mỹ dùng tiền thu thuế trong tương lai làm thế chấp nên công trái của nước này được coi là “tài sản đáng tin cậy nhất” trên thế giới. Ngay sau khi thu được khoản tài sản này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sử dụng nó để tạo ra một dạng tiền nợ (Liability) gọi là “Chi phiếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ”.
Đây là bước đi quan trọng trong quá trình “biến không thành có”. Tuy nhiên, loại chi phiếu Cục Dự trữ Liên bang này chẳng có bất cứ loại tiền nào có thể đảm bảo. Một bước thiết kế hết sức tinh vi dưới sự ngụy trang khéo léo. Sự tồn tại của loại chi phiếu này khiến Chính phủ càng dễ khống chế cán cân cung cầu khi phát mãi công trái.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thu lãi từ khoản tiền cho Chính phủ vay, còn Chính phủ thì nhận tiền một cách hợp pháp mà không để lộ ra dấu vết trong việc ấn hành một lượng lớn tiền giấy. Rõ ràng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tay không mà bắt được giặc, mọi con số trong sổ sách kế toán hoàn toàn cân đối, tài sản công trái cân bằng với số nợ. Cả hệ thống ngân hàng được bao bọc khéo léo trong lớp vỏ ngụy trang này.
Chính bước đi đơn giản mà tối quan trọng này đã tạo nên sự mất công bằng lớn nhất trên thế giới. Số tiền đóng thuế trong tương lai của người dân được Chính phủ thế chấp cho ngân hàng tư nhân với mục đích vay đô-la. Và cũng bởi phải vay của ngân hàng tư nhân, nên Chính phủ phải chịu một mức lãi suất lớn. Sự bất công ấy thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất: Không nên đem khoản tiền đóng thuế trong tương lai của người dân đi thế chấp, bởi khoản tiền đó vẫn còn chưa được kiếm ra trên thực tế. Điều đó cũng có nghĩa là việc thế chấp cả tương lai tất yếu sẽ khiến sức mua của tiền tệ giảm xuống, từ đó phương hại đến vấn đề tích lũy của người dân.
Thứ hai: Thuế thu được trong tương lai của người dân càng không nên thế chấp cho ngân hàng trung ương tư hữu. Các nhà tài phiệt ngân hàng hầu như không phải bỏ tiền ra mà bỗng dưng lại được hứa hẹn bảo đảm bằng tiền nộp thuế trong tương lai, quả là một chiến thuật “tay không bắt giặc” điển hình.
Thứ ba: Vì mắc nợ ngân hàng với khoản lợi tức khổng lồ nên Chính phủ buộc phải dựa vào nguồn đóng thuế của người dân. Như vậy, điều này cuối cùng lại trở thành gánh nặng của người dân. Người dân không chỉ bị thế chấp tương lai của mình mà còn phải đóng thuế thật nhanh để Chính phủ có tiền trả lãi cho ngân hàng trung ương tư hữu. Lượng phát hành đồng đô-la Mỹ càng lớn thì đủ loại thuế má càng đè nặng lên vai người dân, và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tồn tại đời đời kiếp kiếp.
Bước thứ hai, ngay khi Chính phủ nhận được Chi phiếu Cục Dự trữ Liên bang cùng với chữ ký và con dấu phía sau, tấm chi phiếu thần kỳ này lại được gửi vào ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang và biến thành khoản “tiết kiệm Chính phủ” (Government Deposits) và hiện diện trên tài khoản của Chính phủ ở Cục Dự trữ Liên bang.
Bước thứ ba, ngay khi Chính phủ bắt đầu tiêu tiền, các chi phiếu Chính phủ sẽ tạo nên đợt sóng tiền tệ thứ nhất vỗ vào nền kinh tế. Các công ty và cá nhân nhận những chi phiếu này sẽ đua nhau đem gửi chúng vào tài khoản của họ tại ngân hàng thương mại và số phiếu đó sẽ trở thành khoản “tiết kiệm ngân hàng thương mại” (Commercial Bank Deposits). Lúc này, chúng thể hiện vai trò kép của mình.
Một mặt, chúng là tiền ký gửi vào ngân hàng, và bởi vì những khoản tiền này thuộc quyền sở hữu của người gửi nên sớm muộn cũng phải trả lại cho họ. Nhưng mặt khác, những chi phiếu này lại cấu thành “vốn” của ngân hàng nên ngân hàng có thể sử dụng để cho vay. Tất cả mọi thứ trên sổ sách kế toán vẫn cân bằng. Thế nhưng, ngân hàng thương mại lại dựa vào công cụ hữu hiệu là nguồn dự trữ cục bộ để bắt đầu công việc “sáng tạo” ra tiền tệ.
Bước thứ tư, trên sổ sách, tiền tiết kiệm tại ngân hàng thương mại được tái phân loại thành “dự trữ ngân hàng” (Bank Reserves). Tại đây, từ tài sản thông thường của ngân hàng, loại tiết kiệm này trở thành nguồn tiền dự trữ có khả năng tạo ra đồng tiền mới.
Theo hệ thống dự trữ cục bộ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho phép ngân hàng thương mại được trích 10% tiền ký gửi làm Quỹ dự trữ (thông thường, ngân hàng Mỹ chỉ giữ lại một khoản tiền mặt tương đương 1 - 2% tổng số tiền ký gửi, một khoản ngân phiếu tương đương 8 - 9% tổng kim ngạch tiết kiệm trong kho tiền tệ của mình để làm Quỹ dự trữ và cho vay 90% khoản tiết kiệm còn lại). Như vậy, 90% khoản tiết kiệm này sẽ được các ngân hàng sử dụng để phát hành tín dụng.
Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-cong-trai-my-duoc-coi-la-tai-san-dang-tin-cay-bac-nhat-post1549742.html