Vì sao Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp đứng đầu toàn quốc trong xếp hạng DTI?

Vì sao Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp đứng đầu toàn quốc trong xếp hạng DTI?
3 giờ trướcBài gốc
Bảng xếp hạng 10 địa phương đứng đầu cả nước về DTI năm 2023. Nguồn: UBND thành phố Đà Nẵng
Ngày 6-2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bảng xếp hạng DTI năm 2023. Theo đó, thành phố Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị 0,8340. Về xếp hạng các chỉ số chính, thành phố Đà Nẵng cũng xếp thứ nhất tại 5/8 chỉ số chính gồm: Nhận thức số, Thể chế số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng và Hoạt động Chính quyền số. Về xếp hạng 3 trụ cột, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu cả về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Từ năm 2020 đến nay, thành phố Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số nói chung và dịch vụ công trực tuyến nói riêng. Hiện tại, Đà Nẵng đã triển khai cung cấp 96% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến toàn trình; xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình cao với tỷ lệ 66% tổng hồ sơ, gấp gần 4 lần tỷ lệ trung bình của khối địa phương.
Mọi thông tin giải quyết hồ sơ trực tuyến tại Đà Nẵng đều được công khai. Ảnh chụp màn hình
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, để đạt được thành tích nêu trên, thành phố đã thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ trên nhiều nội dung, với nhiều cách làm.
Trước hết, thành phố đã triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng; mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua các bưu cục; mô hình Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử... Hiện, hơn 2.300 Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động tích cực tại 100% đơn vị cấp xã, giúp người dân hiểu và tiếp cận dễ dàng với các tiện ích số, bao gồm cả làm thủ tục trực tuyến.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích số. Ảnh: N.Dương
Bạn Dương Vân Trang, một thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng quận Hải Châu, chia sẻ: "Dưới sự tập hợp của tổ chức, đoàn thể, nhóm tình nguyện gồm những người thông thạo công nghệ số đi từng nhà để giúp đỡ, hướng dẫn người dân thực hiện các tiện ích số và dịch vụ công trực tuyến. Qua vài lần được hướng dẫn, giờ các cô chú lớn tuổi cũng tự mình thực hiện được các thủ tục".
Hiện, thành phố dùng ngân sách hỗ trợ hoạt động cho Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 với mức tối đa là 3 triệu đồng/tổ/năm, tối đa là 50.000 đồng/ngày/người...
Tiếp theo, thành phố giao chỉ tiêu hằng năm về dịch vụ công trực tuyến gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương. Yêu cầu các cơ quan, cán bộ, công chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước khác; khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo ngành, lĩnh vực.
Từ năm 2019, Đà Nẵng đã ban hành chính sách giảm thời gian xử lý đến 50% đối với hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp; hỗ trợ chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện; có chính sách miễn, giảm mức thu lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các tính năng cơ bản trong nền tảng Công dân số Đà Nẵng: Nguồn: UBND thành phố Đà Nẵng
Cổng Dịch vụ công của thành phố cũng hoạt động từ năm 2019, có thể thiết lập nhanh dịch vụ công trực tuyến (thực hiện ngay trong ngày), đáp ứng hầu hết dịch vụ công trực tuyến ở mức toàn trình.
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng và triển khai kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức trên nền tảng Công dân số My Portal tại địa chỉ congdanso.danang.gov.vn. Hiện hơn 50% người trưởng thành tại Đà Nẵng có tài khoản công dân số; khoảng 20% người trưởng thành có chữ ký số.
Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh Đà Nẵng. Ảnh: N.Dương
Thành phố cũng đã triển khai kết quả thủ tục hành chính số gắn mã QR cho phép cung cấp “dịch vụ công nâng cao”. Đối với các thủ tục hành chính cần kiểm tra, giám sát được gắn mã QR, người dân chỉ cần dùng điện thoại để xuất trình thuận tiện (không cần công chứng, giữ và trình bản giấy); cán bộ kiểm tra chỉ cần dùng ứng dụng Danang Smart city trên điện thoại để quét xác thực, kiểm tra.
Thành phố cũng triển khai giám sát dịch vụ công thông minh thông qua Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh; trong đó có các dịch vụ giám sát, thống kê tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan; cảnh báo các cơ quan xử lý hồ sơ gần tới hạn, chưa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong vòng 4 giờ. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn hiện chỉ còn 0,1%, chủ yếu là hồ sơ lý lịch tư pháp do cần phải xác minh tại các địa phương khác).
Với phương châm "Người dân là trung tâm của chuyển đổi số", từ ngày 10-8-2024 đến hết năm 2025, thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tối đa mỗi hộ 2 triệu đồng/thiết bị, nếu thành viên trong hộ đều chưa có điện thoại thông minh. Dự kiến thành phố sẽ hỗ trợ 1.800 hộ gia đình thuộc diện này.
Tài liệu của UBND thành phố Đà Nẵng tuyên truyền về đẩy mạnh chuyển đổi số. Nguồn: UBDN thành phố Đà Nẵng
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số với chủ đề “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội” với 48 chỉ tiêu, trong đó: 6 chỉ tiêu do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao và 42 chỉ tiêu riêng của thành phố.
"Kế hoạch trên nhằm thực hiện mục tiêu trong giai đoạn tới là: Chuyển hầu hết thủ tục hành chính lên “toàn trình”; 15% tỷ lệ thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; 70% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; có 30 bộ dữ liệu mở tạo ra giá trị, sản phẩm mới; hỗ trợ để 100% hộ dân có điện thoại thông minh...", ông Nguyễn Quang Thanh cho biết.
Ngọc Anh - Khắc Trung
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/vi-sao-da-nang-lan-thu-4-lien-tiep-dung-dau-toan-quoc-trong-xep-hang-dti-692581.html