Vì sao đã qua mùa mưa mà miền Trung vẫn liên tiếp mưa lớn?

Vì sao đã qua mùa mưa mà miền Trung vẫn liên tiếp mưa lớn?
4 giờ trướcBài gốc
Vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Theo tin bão/áp thấp mới nhất của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines, vào hồi 20h ngày 20/12, áp thấp 12b ở vào khoảng 4,3 độ vĩ bắc, 111,0 độ kinh đông, cách Tây Mindanao của Philippines 1.575 km về phía tây. Vào hồi 2h ngày 21/12, áp thấp 12b nằm bên ngoài khu vực dự báo của Philippines (PAR) và có khả năng trở thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới ở mức trung bình.
Miền Trung liên tiếp hứng mưa lớn.
Áp thấp sẽ chuyển hướng tây bắc vào đầu tuần tới khi nó tương tác và hấp thụ 96W, và đến ngày 24 hoặc 25/12, gió tầng cao có khả năng sẽ trở nên cực kỳ bất lợi cho sự phát triển hơn nữa.
Hệ thống này có khả năng sẽ gây ra lượng mưa lớn trên diện rộng ở một số khu vực của Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei trong vài ngày tới. Khả năng áp thấp mạnh lên trong 7 ngày ở mức 50%.
Trong khi đó, theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, ngày 21/12, rãnh áp thấp ở phía nam có trục ở khoảng 4-7 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp lúc 1h sáng nay có vị trí ở khoảng 3.9-4.9 độ vĩ bắc, 110.8-111.8 độ kinh đông.
Ở trạm Huyền Trân đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 7-8; trạm đảo Trường Sa đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Dự báo ngày và đêm 21/12, ở bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng 3-5m. Từ Bình Định đến Cà Mau, giữa Biển Đông và vùng biển phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm phía tây quần đảo Trường Sa) gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng cao từ 3-5 m. Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, gió cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng cao từ 2-4 m.
Chiều tối và đêm 21/12, Vịnh Bắc Bộ có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng cao 1-2,5 m. Ngày và đêm 21/12, khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Vùng áp thấp hoạt động và không khí lạnh tràn xuống gây hình thế mưa lớn cho Trung Bộ. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết tâm mưa trong ngày 23-26/12 là Trung và Nam Trung Bộ với lượng phổ biến 100-300 mm, có nơi trên 500 mm. Ngày 24-25/12, mưa mở rộng sang đông Tây Nguyên với lượng 60-120 mm, có nơi trên 200 mm. Mưa lớn có thể gây ngập úng tại vùng trũng thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trước khi chuyển mưa lớn, hôm nay và ngày mai, các tỉnh miền Trung có mưa rải rác, riêng Thanh Hóa đến Huế trời rét, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi trời lạnh về đêm và sáng. Từ ngày 24/12 đến ngày 25/12, khu vực phía Đông Tây Nguyên cũng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ xảy ra mưa trên 200mm.
Vì sao mùa mưa đã kết thúc mà mưa lũ vẫn bất thường?
Tình hình mưa lũ ở miền Trung và Tây nguyên diễn biến khá bất thường. Trong nửa đầu tháng 12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia liên tục phát các bản tin cảnh báo mưa to, lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh, thành.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, cơ quan khí tượng phải liên tục phát các bản tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều địa phương trong khu vực.
Dù mưa xuất hiện khắp nơi nhưng nguyên nhân lại khác nhau. Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích, ở Nam bộ đang là mùa khô nhưng những ngày qua trời âm u, mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên khiến chúng ta có cảm giác như đang trong mùa mưa. Nguyên nhân là do rãnh áp thấp xích đạo vắt qua khu vực Nam bộ hoạt động mạnh, tạo ra các nhiễu động gió đông đẩy mây dông từ biển vào đất liền liên tục gây mưa và dông lốc.
Trong khi đó, đối với khu vực miền Trung, mùa mưa cũng đã kết thúc nhưng giai đoạn này lại mưa lũ thất thường là do không khí lạnh từ phía bắc liên tục tăng cường xuống phía nam. Không khí lạnh gặp địa hình đồi núi chắn lại, kết hợp với gió đông bắc từ biển thổi vào tạo thành mây dông gây mưa.
"Các đợt không khí lạnh cường độ mạnh tiếp tục tăng cường nên từ nay đến Noel và Tết dương lịch có khả năng còn rét hơn. Ở những vùng núi cao từ 1.500 - 2.000 m trở lên có thể có tuyết, nhiều nơi xuất hiện băng giá; còn miền Trung tiếp tục có mưa rét", bà Lan dự báo.
Trong tháng 1 - 2/2025, không khí lạnh hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc. Từ tháng 3.2025, không khí lạnh hoạt động yếu hơn và tương đương với trung bình nhiều năm.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên khu vực miền Trung và Nam bộ tiếp tục có mưa trái mùa với lượng xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt trong tháng 1 - 2/2025, mưa sẽ nhiều hơn và giảm dần vào tháng 3. Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh.
Trong công điện tối 20/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo để kịp thời thông báo đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, có phương án sản xuất và bảo vệ cây trồng vụ đông xuân.
Trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, nhiều nơi trên cả nước có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 50 - 90%. Cụ thể, tổng lượng mưa từ ngày 18 - 27/11, có nơi cao hơn trên 600 mm như Trà My (Quảng Nam) 1.270 mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 670 mm, nhiều nơi ở Thừa Thiên-Huế phổ biến từ 400 -1.000 mm. Đợt mưa từ ngày 6.12 đến nay có tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, riêng Cam Ranh (Khánh Hòa) 224 mm, Đà Nẵng 213 mm... Trên cả nước đã quan trắc được một số trạm khí tượng ghi nhận giá trị lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-da-qua-mua-mua-ma-mien-trung-van-lien-tiep-mua-lon-169241221101817382.htm