Vì sao đàm phán ở Ukraine chậm lại?

Vì sao đàm phán ở Ukraine chậm lại?
7 giờ trướcBài gốc
Sau khi xúc tiến các cuộc họp song phương giữa Mỹ - Nga, Mỹ - Ukraine tại Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, các bên đã đạt được sự đồng ý về việc ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ bản đồng ý sẽ dừng sử dụng vũ lực trên biển Đen. Trong đó, việc dừng sử dụng vũ lực trên biển Đen mới chỉ là sự đồng ý ban đầu, lệnh ngừng bắn còn phải đàm phán để đi đến thỏa thuận đầy đủ hơn.
Cuối tháng 3/2025, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin ông Trump nói rằng ông "bực mình" với Tổng thống Putin về cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Nga đối với lệnh ngừng bắn ở Ukraine theo đề xuất của Mỹ, và cho rằng đây là một sự thay đổi đáng chú ý về giọng điệu của ông Trump so với trước đây, vốn luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin. Tuy nhiên, sau khi Điện Kremlin lên tiếng về cách truyền thông diễn giải từ ngữ “bực mình”, báo chí lại thông tin ông Trump đã rút lại lời lẽ “bực mình” của mình và đến 31/3 ông quay sang cáo buộc Ukraine đã trì hoãn thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Nhà Trắng hôm 1/4 cho biết ông Trump đã thất vọng với các nhà lãnh đạo ở cả hai bên của cuộc chiến.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb (bên trái) trong hoạt động “ngoại giao sân golf”.
Bất chấp một loạt cuộc họp do Mỹ làm trung gian và các cuộc đàm phán song song với Nga và Ukraine tại Saudi Arabia đã tạo ra một lệnh ngừng bắn năng lượng trong 30 ngày, cả hai bên vẫn tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Ngày 28/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Pháp và Anh đã tích cực hỗ trợ Ukraine trong một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng đường ống khí đốt Sudzha ở vùng Kursk vào hôm 28/3.
Chính quyền ông Trump cũng đã cố gắng làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở biển Đen. Phía Moscow đã đưa ra một số điều kiện cho thỏa thuận, bao gồm việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của châu Âu, tuy nhiên Brussels đã nhanh chóng bác bỏ. Ông Grigory Karasin, người đại diện cho Nga tại các cuộc đàm phán với Mỹ tại Saudi Arabia, thừa nhận rằng các bên đã không đạt được tiến triển đáng kể và các cuộc đàm phán có thể kéo dài sang năm sau. Nhưng, nhóm của ông Trump cho biết họ vẫn cam kết chấm dứt chiến tranh, với việc nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng ông và ông Putin đã lên kế hoạch nói chuyện lại trong tuần đầu tháng 4.
Moscow đã mô tả các đề xuất hòa bình mới nhất của Mỹ là không thể chấp nhận được đối với Điện Kremlin. Sergei Ryabkov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết một số yêu cầu chính của Nga không được giải quyết trong các đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh. Những phát bỉeu này đánh dấu sự thừa nhận hiếm hoi từ phía Nga rằng các cuộc đàm phán với Mỹ về Ukraine đã bị đình trệ trong những tuần gần đây. "Chúng tôi rất coi trọng các mô hình và giải pháp do người Mỹ đề xuất, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận tất cả ở hình thức hiện tại", ông Ryabkov được truyền thông nhà nước Nga trích dẫn khi ông trao đổi với Tạp chí International Affairs của Nga.
"Tất cả những gì chúng ta có ngày hôm nay là nỗ lực tìm kiếm một số loại khuôn khổ trước tiên sẽ cho phép ngừng bắn - ít nhất là theo hình dung của người Mỹ", ông Ryabkov nói. “Theo như chúng tôi thấy, hiện nay không có chỗ cho yêu cầu chính của chúng tôi, cụ thể là giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột này”.
“Nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột” là điều mà Tổng thống Putin đã nhiều lần nhắc đến khi đề cập đến việc vì sao nước Nga phải triển khai chiến dịch quânsự đặc biệt tại Ukraine, trên cơ sở đó thảo luận về bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Là điều kiện tiên quyết cho lệnh ngừng bắn, nhà lãnh đạo Nga đã nhấn mạnh vào các điều khoản mà ban đầu phía Ukraine không thể chấp nhận được. Ông đã yêu cầu Kiev công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và 4 khu vực do Nga kiểm soát hiện tại ở miền Đông Ukraine, rút quân khỏi các khu vực đó, cam kết không bao giờ gia nhập NATO và đồng ý phi quân sự hóa.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Nga Putin đã công khai lên tiếng đặt câu hỏi về tính chính danh của Tổng thống Ukraine, tuyên bố rằng ông Volodymyr Zelensky không đủ tính chính danh để ký một thỏa thuận hòa bình và cho rằng Ukraine cần “sự quản lý bên ngoài”.
Trong khi đó, châu Âu dường như đang nỗ lực tìm cách lôi kéo ông Trump về phía mình. Ngày 29/3, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã tham gia một giải đấu golf tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, trong cái gọi là “ngoại giao sân golf”. Ông đã cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống Mỹ Trump, thảo luận rất nhiều về vấn đề giải quyết cuộc xung đột Ukraine, đàm phán ngừng bắn giữa Nga-Ukraine,...
Ngay sau đó, Tổng thống Phần Lan Stubb phát biểu trên truyền thông phương Tây rằng ông Trump đang mất kiên nhẫn với chiến thuật trì hoãn của Tổng thống Nga Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Trong một cuộc gặp riêng với Tổng thống Ukraine Zelensky trước đó, ông Stubb đã gợi ý một kế hoạch ngừng bắn toàn diện và ấn định hạn chót ngày 20/4 Tổng thống Nga Putin “phải đồng ý”, nếu không sẽ đối mặt lệnh trừng phạt mới rất nặng từ Mỹ. Ông Stubb cho biết Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã trình một dự luật trừng phạt rất nặng nếu Nga không đồng ý lệnh ngừng bắn do Mỹ đưa ra.
Sau khi hoàn tất chuyến “ngoại giao sân golf”, ông Stubb đã bay sang London ngay trong đêm để gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer thông tin lại kết quả khả quan của chuyến ngoại giao. Tổng thống Phần Lan Stubb cùng với Thủ tướng Anh Starmer là những người chủ trương sử dụng các biện pháp đối thoại “mềm” để lôi kéo ông Trump, nhằm đưa ông ra khỏi cách tiếp cận hiện nay của ông đối với nước Nga và cuộc chiến Ukraine.
Trương Hùng (Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/vi-sao-dam-phan-o-ukraine-cham-lai--i764179/