Vì sao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số còn gặp khó?

Vì sao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số còn gặp khó?
2 ngày trướcBài gốc
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Tọa đàm tham vấn với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lĩnh vực liên quan đến nội dung của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực: Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, đào tạo giáo viên”.
Theo đó, các đại biểu đã chỉ ra vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu sinh viên trình độ đại học trở lên trong các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, đào tạo giáo viên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, hiện nay nhà trường đang đào tạo 40 ngành trình độ đại học, 11 ngành trình độ thạc sĩ và 7 ngành trình độ tiến sĩ.
Theo thống kê, tổng số sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của trường là gần 15.000 người. Trong số 11.000 sinh viên hệ đại học chính quy có gần 1.300 sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ gần 12% tổng số sinh viên đại học chính quy của trường.
Đánh giá từ kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Đà Lạt trong một vài năm gần đây, thầy Duy cho biết trong 5 năm qua, kết quả tuyển sinh trung bình của trường đạt hơn 98% so với chỉ tiêu đã đăng ký. Đây là một con số khả quan và thể hiện uy tín của nhà trường đối với xã hội cũng như khẳng định vị thế của nhà trường trong khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, thầy Duy cũng trăn trở rằng, ở một số ngành học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, nhà trường vẫn còn gặp khó trong quá trình tuyển sinh. Với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, khi cơ hội tiếp cận với nền giáo dục trình độ cao còn hạn chế, công tác hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số chưa được đẩy mạnh và điều kiện tiếp cận thông tin, định hướng nghề nghiệp của học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn khiến các em không quá mặn mà với việc học tập ở những trình độ cao hơn cấp trung học phổ thông.
“Đây là những hạn chế rất khó thay đổi trong thời gian ngắn hạn mà phải cần đến những giải pháp căn cơ, bền bỉ và lâu dài từ các cấp chính quyền thì mới có thể thay đổi được. Nhà trường đã thực hiện chính sách giảm học phí song vẫn không có nhiều thay đổi tích cực”, Tiến sĩ Trần Hữu Duy nhấn mạnh.
Hiện nay Trường Đại học Đà Lạt đang gặp khó trong việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản. Ảnh minh họa: website nhà trường
Là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học hiện đại và chuyển giao công nghệ tiên tiến, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận khác, hàng năm, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) có khoảng 1500 sinh viên, học viên tốt nghiệp đại học, sau đại học. Trong đó có khoảng 16% sinh viên, học viên là người dân tộc thiểu số.
Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng là Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, tại Trường Đại học Hùng Vương sinh viên người dân tộc thiểu số theo học tập trung ở 05 nhóm ngành đó là đào tạo giáo viên, kỹ thuật công nghệ, nông lâm nghiệp, sức khỏe và kinh tế.
Qua quá trình khảo sát, nhà trường nhận thấy nhu cầu học đại học của các em học sinh dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc đi làm, kiếm thu nhập sớm được ưu tiên hơn việc đi học.
Tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, học sinh cấp trung học phổ thông đang có xu hướng đi làm tại các khu công nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thay vì đăng ký học tiếp lên đại học.
Trong khi đó đối với những em có nhu cầu học đại học thì phần lớn lại có chung nguyện vọng muốn theo học các ngành đào tạo giáo viên. Thế nhưng hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy với các ngành sư phạm của trường rất thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa kể điểm trúng tuyển đối với các ngành sư phạm khá cao nên đối chiếu với năng lực, học lực của thí sinh người dân tộc thiểu số thì rất ít học sinh có thể đáp ứng điều kiện trúng tuyển.
Xét về vị trí địa lý, nhà trường rất khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số theo học các ngành trong lĩnh vực nông lâm nghiệp để có thể vận dụng và phát huy vào thực tế ở tại địa phương.
Tuy nhiên, trong nhận thức của người trẻ thì lĩnh vực nông lâm nghiệp không phải là một ngành học hot của xu thế, công việc lại vất vả, tên gọi là không “oách” như một số ngành học khác.
Do đó, thầy Thanh cho rằng cần đẩy mạnh công tác định hướng, hướng nghiệp ở các địa phương hơn nữa để các em học sinh có thể hiểu rõ đặc thù và triển vọng của từng ngành nghề, qua đó tiếp thêm động lực cho các em cố gắng học tập ở những trình độ cao hơn.
“Trong giai đoạn tiếp theo, nhà trường sẽ phấn đấu tuyển sinh hàng năm khoảng 500 thí sinh, học viên người dân tộc thiểu số cho các ngành học chủ chốt để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng dân tộc và miền núi. Điều này sẽ góp phần nâng cao dân trí, trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trong vùng và sự nghiệp đổi mới đất nước”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ.
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: website nhà trường
Cơ sở giáo dục đại học cần chủ động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số
Tính đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi ví dụ cử tuyển, cộng điểm ưu tiên đối với học sinh xét tuyển đại học, cao đẳng, có chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại các cơ sở giáo dục đại học cũng xây dựng và ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thu hút thí sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập, nâng cao trình độ.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Duy, đất nước ta đang phát triển hết sức nhanh chóng, từng bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, hướng tới một mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, lao động có thu nhập cao.
Trên cơ sở đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số nói riêng là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có tác động tích cực đến sự phát triển chung của cả nước. Nếu thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần tạo ra một lực lượng lao động vững mạnh, sử dụng tri thức để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đảm bảo an ninh chính trị cho đất nước.
Thầy Duy cho hay, trên thực tế, khi sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo để có trình độ cao sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc có tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, do đặc thù văn hóa, tập tục của từng vùng miền đã ảnh hưởng đến tâm lý và cản trở các em trong việc tiếp cận thông tin, tri thức mới.
Do đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, bên cạnh các chính sách về học bổng, học phí, chính sách tuyển dụng đặc thù dành cho đối tượng này thì nên phân hóa thực hiện hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là đào tạo đại học và sau đại học. Đối với nhóm này cần triển khai tuyển sinh công bằng để tuyển đúng những người giỏi. Mặc dù hiện nay có rất nhiều chính sách ưu đãi về tài chính và cơ chế tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số, tuy nhiên trong công tác tuyển sinh cần đảm bảo yếu tố công bằng, qua đó sẽ lựa chọn được những đối tượng phù hợp, chất lượng để đào tạo trình độ đại học.
Nhóm thứ hai là những đối tượng không đạt yêu cầu để đào tạo đại học, khi thí sinh không đủ khả năng, năng lực để trúng tuyển đại học thì cần chuyển hướng tập trung đào tạo nghề. Như vậy vừa không lãng phí nguồn nhân lực, vừa góp phần bồi dưỡng lao động người dân tộc thiểu số ở một hình thức khác phù hợp hơn.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông của Trường Đại học Đà Lạt. Ảnh: website nhà trường
Bên cạnh đó, để công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số gặt hái được nhiều kết quả, Tiến sĩ Trần Hữu Duy khẳng định không thể thiếu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để từng bước thay đổi nhận thức.
Cụ thể, cần tích cực đẩy mạnh những hoạt động định hướng, hướng nghiệp để đồng bào dân tộc thiểu số dần nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục trình độ cao.
Đối với Trường Đại học Đà Lạt khi là đơn vị công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các chính sách dành cho sinh viên, bao gồm cả sinh viên người dân tộc thiểu số được thực hiện đúng theo các quy định. Các nguồn lực về học bổng tài trợ, chỗ ở trong ký túc xá trường sẽ ưu tiên cho các em sinh viên người dân tộc thiểu số.
Tương tự tại Trường Đại học Hùng Vương, nhà trường cũng có những chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên dân tộc thiểu số thông qua việc nâng mức học bổng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
Trường Đại học Hùng Vương có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Ảnh minh họa: website nhà trường
Thầy Đỗ Khắc Thanh cho biết, một trong những áp lực của đồng bào dân tộc thiểu số chính là nỗi lo về kinh tế. Hiện nay, dù điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước đang ngày một nâng cao nhưng mức sống của đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn khiêm tốn.
Ở một số khu vực khó khăn, điều kiện sống của người dân còn thiếu thốn nên gia đình không dám nghĩ đến việc đầu tư cho con em học tập dài hạn.
Thấu hiểu được những mối bận tâm đó, hàng năm Trường Đại học Hùng Vương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh cũng như các khu vực lân cận. Qua những hoạt động đó, nhà trường hy vọng sẽ gửi gắm được nhiều thông tin đến học sinh, giúp các em có góc nhìn mới và nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục trình độ cao.
“Với những chính sách hỗ trợ tài chính do trường xây dựng sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho sinh viên và gia đình, tạo điều kiện tốt hơn để các em yên tâm học tập.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Hùng Vương cũng quan tâm và chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo và khả năng ngoại ngữ cho sinh viên, đặc biệt sinh viên người dân tộc thiểu số để người học tự tin đáp ứng được yêu cầu của các chuyên ngành đào tạo sau đại học.
Theo thống kê, nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số đã được nhà trường hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ miễn phí và đạt yêu cầu đi thực tập sinh tại các quốc gia như Đan Mạch, Nhật Bản, Isarel…”, thầy Thanh thông tin.
ĐÀO HIỀN
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/vi-sao-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-nguoi-dan-toc-thieu-so-con-gap-kho-post248190.gd