Vì sao đề án dạy tiếng Anh tăng cường vẫn khó triển khai?

Vì sao đề án dạy tiếng Anh tăng cường vẫn khó triển khai?
23 ngày trướcBài gốc
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) học tiếng Anh tăng cường. Ảnh:C.Nghĩa
Hiệu quả thấy rõ
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay: “Đến nay, nhà trường mới chỉ triển khai dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh khối lớp 1 và 2. Với các khối lớp còn lại, nhà trường vẫn chưa thể triển khai được vì nhiều nguyên nhân, trong đó khó khăn nhất vẫn là từ phía phụ huynh có tự nguyện đăng ký cho con mình tham gia hay không”.
Với số tiền 95 ngàn đồng/học sinh/tháng, mỗi tuần học sinh lớp 1 và 2 của Trường tiểu học Hà Huy Giáp được học 2 tiết tiếng Anh tăng cường với giáo viên. Những tiết học tiếng Anh tăng cường thường được bố trí vào cuối buổi học.
Ngày 12-8-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong kết luận này, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải quyết liệt đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Hiện một số trường công lập tại thành phố Biên Hòa đang triển khai dạy tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài bên cạnh chương trình chính khóa như: Trường trung học cơ sở (THCS) Trảng Dài (phường Trảng Dài), Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Long Bình (phường Long Bình)… Sau thời gian triển khai, một số trường đã thu được kết quả đáng mừng khi các kỳ thi, nhất là thi tuyển sinh, học sinh các trường này thường có kết quả thi môn Tiếng Anh khả quan hơn.
Theo hiệu trưởng một trường THCS tại phường Long Bình, để triển khai dạy tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài là việc không dễ dàng. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu trường lớp, sắp xếp các tiết học sao cho hợp lý, vận động sự đồng thuận của phụ huynh. Nếu muốn học tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài, mức phí thường khá cao, khoảng
350-500 ngàn đồng/học sinh/tháng. Bên cạnh đó, các thủ tục để chọn trung tâm liên kết nào cũng là một vấn đề, bởi không phải trung tâm nào cũng có chất lượng tốt.
Còn nhiều rào cản
Ngày 12-4-2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 721/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm học 2022-2023. Theo đề án này, ngoài chương trình tiếng Anh chính khóa trong chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và đào tạo, học sinh có thể được học tăng cường thêm một số tiết tiếng Anh với giáo viên Việt Nam và người nước ngoài.
Nhân viên Trung tâm Anh ngữ Astra Biên Hòa giúp học sinh Trường trung học cơ sở Tam Phước 3 (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) tìm hứng thú với học tiếng Anh. Ảnh: CÔNG NGHĨA
Mục tiêu của Đồng Nai khi tăng cường dạy ngoại ngữ là góp phần nâng cao chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và chương trình hiện hành; tạo môi trường giao lưu, trao đổi, học hỏi cho học sinh thông qua tăng cường kỹ năng nghe và nói. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 60 trường phổ thông triển khai liên kết dạy kỹ năng nghe, nói với giáo viên người nước ngoài.
Đề án này được đánh giá là cơ sở thuận lợi để các trường chủ động triển khai dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế triển khai đề án dạy tiếng Anh tăng cường đến nay vẫn rất khó khăn, nhất là ở những trường khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo lãnh đạo một số phòng giáo dục và đào tạo địa phương, việc dạy tiếng Anh tăng cường theo đề án của tỉnh là rất cần thiết, nhất là học với giáo viên người nước ngoài sẽ giúp học sinh tăng cường các kỹ năng, trong đó có kỹ năng nghe và nói. Tuy nhiên, khó khăn dẫn đến đề án này khiến khó triển khai là từ nguồn xã hội hóa do phụ huynh đóng góp, vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện.
Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành Nguyễn Văn Toàn cho hay, địa phương có Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2026. Chính vì vậy, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến kỹ năng tiếng Anh của học sinh và có sự chỉ đạo thường xuyên vấn đề này. Một số trung tâm ngoại ngữ có uy tín cũng đã mở ở thị trấn Long Thành và sẵn sàng liên kết với các trường đưa giáo viên người nước ngoài vào dạy cho học sinh. Khó khăn nhất của các trường là làm sao phụ huynh đồng ý đăng ký cho con em mình học tiếng Anh tăng cường.
Hiệu trưởng một trường THCS ở thành phố Biên Hòa cho hay, đến nay nhà trường chưa thể triển khai cho học sinh học tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài do chưa có đủ lớp học để triển khai. Bên cạnh đó, việc vận động phụ huynh đăng ký cho con tham gia cũng không được nhiều. Đơn cử như khối lớp 6 có 600 học sinh nhưng khi triển khai lấy ý kiến phụ huynh chỉ có hơn 40 học sinh được cha mẹ đồng ý cho con học.
Thành Nam
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202412/vi-sao-de-an-day-tieng-anh-tang-cuong-van-kho-trien-khai-75d7086/