Vì sao doanh nghiệp vẫn băn khoăn khi được giảm thuế VAT?

Vì sao doanh nghiệp vẫn băn khoăn khi được giảm thuế VAT?
4 giờ trướcBài gốc
Giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), thời gian áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế được giữ nguyên như đã được quy định, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giảm thuế VAT giúp giảm giá hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất này nhằm đảm bảo kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế. Được biết, cũng với chủ trương giảm thuế VAT, năm 2024, DN đã được giảm ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng và đã có tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế. Nếu tiếp tục kéo dài chủ trương giảm thuế VAT, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 25 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, thời điểm hiện tại, DN vẫn rất khó khăn, dù việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ông Đậu Tuấn Anh, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tại đầu tư tư nhân còn khá nhỏ, nên giảm thuế, phí cần được tiếp tục như một giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân hồi phục. Còn ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội thì nhận xét, việc giảm 2 điểm phần trăm thuế VAT thời gian qua được xem như 1 mũi tên trúng 3 đích, vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Nhiều mặt hàng khó xác định thuế VAT
Dù đón nhận tin tốt, song từ phía cộng đồng DN, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính, đặc biệt là việc phân chia 2 mức thuế cho các nhóm ngành khác nhau khiến một số DN khó khăn khi áp dụng. Một DN xây lắp ở Cần Thơ cho biết, sau khi nghiên cứu các văn bản và điều khoản từ các nghị định, DN này vẫn không thể xác định được mình thuộc diện chịu thuế 10% hay được giảm xuống 8%. "Nếu áp thuế 10%, trong khi đáng lẽ được giảm mức 8% thì DN chịu thiệt, mà áp mức 8% không đúng thì lại đang vi phạm pháp luật về thuế", DN băn khoăn.
Tại văn bản góp ý về Đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, VCCI cho biết cơ quan này đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh nhiều trường hợp DN sau khi tra cứu nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. "Theo ghi nhận của VCCI, các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%", công văn của VCCI nêu. Một số DN hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng các cơ quan này cũng trả lời rất chung chung, như "Đề nghị Công ty tra cứu mã ngành sản phẩm tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam để tự xác định danh mục hàng hóa được giảm và thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ cùng với tờ khai thuế VAT".
VCCI cho rằng khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo VCCI, nhiều DN phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp DN thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất. Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Tại phiên họp thẩm định Dự thảo Đề án xây dựng nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT của Bộ Tư pháp, các thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất với việc tiếp tục cho phép thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% là cần thiết. Bên cạnh đó, một số thành viên Hội đồng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% để tránh gây khó khăn cho DN.
Hà An
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-doanh-nghiep-van-ban-khoan-khi-duoc-giam-thue-vat--i751392/