Đây là mức suy giảm lớn nhất trong sáu tháng đầu năm của đồng tiền này kể từ năm 1973.
Sự lao dốc của đồng bạc xanh diễn ra trong bối cảnh các chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump đang khiến giới đầu tư toàn cầu bán tài sản định giá bằng USD, từ đó làm suy yếu vị thế “tài sản trú ẩn an toàn” vốn có của đồng tiền này.
Cuộc chiến thuế quan lúc nóng lúc lạnh do ông Trump khơi mào, cùng những phát ngôn gây nghi ngại về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã làm giảm sức hấp dẫn của USD như một kênh đầu tư an toàn. Giới kinh tế cũng lo ngại về luật thuế khổng lồ được ông Trump gọi là "Đạo luật to và đẹp".
Luật này được dự báo sẽ bổ sung hàng nghìn tỷ USD vào núi nợ công của Mỹ trong thập kỷ tới, khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng chi trả trong dài hạn của chính phủ, và dẫn đến làn sóng rút vốn khỏi thị trường trái phiếu Mỹ.
Cùng lúc, giá vàng thế giới đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, chủ yếu nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, lo ngại rủi ro từ việc nắm giữ tài sản bằng USD.
Vị thế của đồng USD suy giảm
Lâu nay, đồng USD đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu. Từ những năm 1980, nhiều quốc gia vùng Vịnh đã neo tỷ giá nội tệ vào USD.
Ảnh hưởng này vẫn tiếp tục cho đến nay. Mặc dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu, nhưng theo Hội đồng Đại Tây Dương, 54% hàng xuất khẩu toàn cầu trong năm 2023 được định giá bằng USD. Trong lĩnh vực tài chính, khoảng 60% tiền gửi ngân hàng toàn cầu và gần 70% trái phiếu quốc tế đều được định giá bằng USD. Đồng thời, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 57% dự trữ ngoại hối toàn cầu được giữ bằng đồng USD.
Đồng USD đang chứng kiến sự sụt giảm giá trị nghiêm trọng sau nửa đầu năm 2025. (Ảnh: Finance magnates)
Tuy nhiên, vị thế này phụ thuộc vào niềm tin vào sức khỏe kinh tế Mỹ, độ sâu của thị trường tài chính và sự ổn định pháp lý – những yếu tố đang bị chính sách của ông Trump làm “đảo lộn”.
Ông Karsten Junius - nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng J Safra Sarasin – nhận định: “Giới đầu tư đang bắt đầu nhận ra rằng họ đang quá phụ thuộc vào tài sản Mỹ.”
Theo Apollo Asset Management, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 19 nghìn tỷ USD cổ phiếu Mỹ, 7 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ và 5 nghìn tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Mỹ. Nếu làn sóng giảm tỷ trọng tiếp diễn, áp lực giảm giá với đồng USD sẽ kéo dài.
“Hiện nay, Mỹ không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn như trước… tài sản Mỹ không còn an toàn như trước kia”, ông Junius chia sẻ.
Chính sách nội địa gây lo ngại
Một số quan chức trong chính quyền Trump cho rằng chi phí để duy trì vị thế dự trữ toàn cầu của USD đang vượt quá lợi ích – vì điều này khiến hàng hóa Mỹ đắt đỏ hơn khi xuất khẩu.
Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Trump, cho biết giá trị cao của USD “đặt gánh nặng không công bằng lên các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, khiến sản phẩm và lao động kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế”.
Ông cho rằng việc đồng USD bị định giá quá cao là một phần nguyên nhân khiến Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh – và chính sách thuế quan là phản ứng với thực tế đó.
Trên lý thuyết, USD yếu giúp hàng hóa Mỹ rẻ hơn, từ đó tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực này hiện chưa rõ rệt vì căng thẳng thương mại vẫn kéo dài, làm gia tăng chi phí và bất ổn trong chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Trump đang thúc đẩy “Đạo luật To và Đẹp” – kế hoạch tài khóa đầy tham vọng. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đạo luật sẽ làm tăng nợ liên bang thêm 3.300 tỷ USD vào năm 2034.
Tỷ lệ nợ công trên GDP (hiện là 124%) sẽ tăng cao hơn nữa, còn thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ nới rộng từ 6,4% GDP năm 2024 lên 6,9%. Trong khi đó, các nỗ lực tiết kiệm chi tiêu từ Bộ Hiệu quả Chính phủ do Elon Musk đứng đầu vẫn chưa mang lại hiệu quả thực tế.
Chính sách tài khóa thiếu kỷ luật, cùng với sự bất định về chính sách thương mại và tiền tệ, đã khiến Moody’s hạ bậc tín nhiệm tín dụng tối đa của Mỹ hồi tháng 5.
Bên cạnh đó, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 2–3 lần từ nay đến cuối năm theo lời kêu gọi của ông Trump. Điều này càng làm tăng áp lực giảm giá đối với đồng USD.
Đồng tiền nào đang hưởng lợi?
Từ đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump đến nay, sự suy yếu của USD đã đi ngược với kỳ vọng trước đó rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại lớn hơn cho các nền kinh tế khác và làm tăng lạm phát tại Mỹ – vốn được cho là sẽ nâng giá USD.
Thay vào đó, đồng euro đã tăng 13%, vượt ngưỡng 1,17 USD, nhờ tâm lý lo ngại về triển vọng tăng trưởng của Mỹ. Tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Đức, Pháp cũng ghi nhận lực cầu tăng mạnh.
Với nhà đầu tư Mỹ, USD yếu mở ra cơ hội đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài. Chỉ số Stoxx 600 – đại diện cho thị trường chứng khoán châu Âu – đã tăng khoảng 15% từ đầu năm 2025. Khi quy đổi về USD, mức sinh lời thực tế lên đến 23%.
Đồng thời, một đồng USD yếu hơn đang tạo ra lợi thế cho các nước đang phát triển. Các quốc gia có tỷ lệ nợ ngoại tệ cao như Ghana, Pakistan, Zambia được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trả nợ. Các nước xuất khẩu hàng hóa như Indonesia, Nigeria và Chile cũng thu lợi khi giá dầu, kim loại và nông sản – định giá bằng USD – có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, theo ông Karsten Junius, hiện chưa có rủi ro nghiêm trọng nào đối với vị thế của USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu. “Điều đó không có nghĩa là USD sẽ không tiếp tục yếu đi – thực tế, chúng tôi dự đoán xu hướng giảm sẽ kéo dài đến cuối năm nay”, ông nói.
Kông Anh (Nguồn: Al Jazeera)