Vì sao drone bị mất kiểm soát khi trình diễn?

Vì sao drone bị mất kiểm soát khi trình diễn?
13 giờ trướcBài gốc
Công nghệ điều khiển drone
Ngày 1/5, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM có thông tin về chương trình biểu diễn 10.500 drone (máy bay không người lái) trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Theo đó, thành phố sẽ ngừng biểu diễn drone vào đêm 1/5.
Liên quan tới buổi biểu diễn tối 30/4, cơ quan này cho biết do nhiễu sóng trên diện rộng, có khả năng mất an toàn bay nên đơn vị tổ chức đã quyết định ngừng bay, thu hồi drone để đảm bảo an toàn.
Nhiều nguyên nhân khiến các drone có thể gặp sự cố khi trình diễn.
Là sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, trình diễn drone đang được lựa chọn thường xuyên hơn tại nhiều sự kiện quy mô lớn trong những năm gần đây. Loại hình này mang đến cho khán giả trải nghiệm mới lạ và hiệu ứng thị giác độc đáo. Tuy nhiên, các sự cố drone mất kiểm soát trong lúc biểu diễn vẫn thỉnh thoảng xảy ra.
Theo chuyên gia điện tử viễn thông, TS Lê Tuấn Anh, trong một show trình diễn drone, người điều khiển từ trung tâm mặt đất sẽ gửi tín hiệu theo thời gian thực, đảm bảo drone bay theo đúng quỹ đạo đã lập trình sẵn. Do đó, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến drone mất kiểm soát là do nhiễu sóng vô tuyến.
Chuyên gia cho biết, môi trường sóng vô tuyến thường phức tạp với nhiều loại tần số khác nhau, kể cả sóng chưa đăng ký với Cục Tần số vô tuyến điện, hay thiết bị phá sóng. Tín hiệu này rất dễ bị ảnh hưởng, che khuất bởi vật thể như tòa nhà, cây cối, hoặc nhiễu sóng điện từ.
Về yếu tố an toàn, chuyên gia cho biết, khi vào trình diễn các drone được xếp theo các vị trí không gian đã được lập trình từ trước. Toàn bộ vùng bãi đáp drone được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các cơ quan chức năng và lực lượng an ninh để tránh các sự cố phát sinh từ phía ngoài.
Mọi buổi trình diễn drone đều được thực hiện trong khu vực được cấp phép, có sự giám sát của các chuyên gia về an toàn bay.
Các drone đều được trang bị hệ thống GPS và cảm biến để tự động điều chỉnh khi gặp phải sự cố, đồng thời hệ thống sẽ ngừng hoạt động khi phát hiện các bất thường. Trong trường hợp phần mềm gặp lỗi hoặc quyền điều khiển bị mất, hệ thống của drone sẽ tự động chuyển sang chế độ an toàn, giúp drone tự động quay lại điểm khởi hành hoặc dừng lại tại chỗ.
Các hệ thống trình diễn drone hiện đại đều có cơ chế bảo vệ tự động và có nhiều phương pháp giao tiếp dự phòng với drone. Việc này nhằm bảo vệ khỏi sự can thiệp từ bên ngoài trong trường hợp một phương pháp giao tiếp bị lỗi, giúp giảm thiểu rủi ro tối đa trong các tình huống khẩn cấp.
Không nên đứng phía dưới khi drone trình diễn
Drone rơi xuống đột ngột sẽ tương tự một vật thể nặng, gây nguy hiểm cho người xem. Đây là lý do vì sao các show thường được tổ chức ở khu vực không có khán giả bên dưới, hoặc trên một khoảng cách an toàn.
Ônh Đỗ Quốc Việt, Thành viên sáng lập công ty Viet-Flycam cho biết, việc drone mất kiểm soát khi đang bay trình diễn, đặc biệt là trong các màn trình diễn ánh sáng với số lượng lớn drone, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân phức tạp.
Drone phổ thông hoạt động dựa trên hai loại sóng chính. Thứ nhất là sóng radio, ở dải tần số 2.4GHz hoặc 5.8GHz, thường là tín hiệu điều khiển máy bay, truyền thông tin về hình ảnh, tình trạng vận hành của máy bay. Thứ hai là sóng GPS để xác định vị trí bay. Nhưng drone trình diễn còn sử dụng thêm một loại tín hiệu nữa gọi là RTK GPS.
RTK GPS là viết tắt của Real-Time Kinematics, là công nghệ tăng độ chính xác vị trí với sai số trong khoảng từ 1-2cm thay vì lệch tới 2-4m như với tín hiệu GPS truyền thống. Tuy nhiên, việc bắt sóng hoặc tần số GPS của drone lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều thứ, chẳng hạn như các thiết bị súng hạ drone của lực lượng vũ trang, tín hiệu sóng phục vụ việc đồng bộ âm thanh giữa các khu vực tại nhạc hội.
Các nguồn phát sóng mạnh khác trong khu vực tổ chức sự kiện như Wi-Fi, tháp di động, thiết bị Bluetooth, đài phát thanh/truyền hình... cũng có thể khiến các thiết bị drone bị hiện tượng "mất GPS tạm thời".
Ngoài yếu tố mất nhiễu sóng tín hiệu kể trên, gió mạnh cũng là một nguyên nhân đáng kể. Drone khá nhạy cảm với gió, việc mất cân bằng do gió có thể dẫn đến va chạm giữa các drone, làm chúng không thể giữ đúng vị trí trong đội hình.
Theo các chuyên gia, chi phí cho một buổi trình diễn drone phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số lượng drone sử dụng, thiết bị drone là thế hệ mới hay thế hệ trước đây, độ phức tạp của kịch bản, thời gian diễn ra buổi biểu diễn, cũng như các yếu tố liên quan đến công tác an ninh và các chi phí chuyên gia kỹ thuật.
Ngoài ra, địa điểm biểu diễn cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí, vì một số khu vực có thể yêu cầu đặc biệt hoặc có yêu cầu an toàn cao hơn. Xu hướng tương lai của trình diễn drone sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ. Các màn trình diễn sẽ ngày càng trở nên sống động và ấn tượng hơn với các loại hình drone mới như drone trong nhà, drone hỏa thuật, drone khổng lồ, vision drone (drone có nhiều tính năng thông minh)…
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-drone-bi-mat-kiem-soat-khi-trinh-dien-169250502180338094.htm