Vì sao Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ít nhất đến tháng 9?

Vì sao Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ít nhất đến tháng 9?
8 giờ trướcBài gốc
Chưa sẵn sàng hạ lãi suất
Hai quan chức của Fed, trong đó có Chủ tịch Fed chi nhánh New York, John Williams cho rằng, các nhà hoạch định chính sách có thể chưa sẵn sàng hạ lãi suất trước tháng 9, khi họ đang đối mặt với một triển vọng kinh tế chưa rõ ràng.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York, John Williams.
"Chúng ta sẽ không thể hiểu rõ tình hình ngay trong tháng 6 hay tháng 7. Đây sẽ là một quá trình thu thập dữ liệu, xây dựng bức tranh rõ nét hơn và theo dõi tình hình khi nó diễn tiến", ông Williams phát biểu tại một hội nghị do Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp tổ chức.
Theo kế hoạch, Fed sẽ tổ chức ba cuộc họp tiếp theo vào tháng 6, tháng 7 và tháng 9.
Các nhà đầu tư hiện đánh giá khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/6 tại Washington là dưới 10%. Dựa trên định giá của hợp đồng tương lai quỹ liên bang, giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, từ nay đến cuối năm, giảm so với dự đoán bốn lần vào cuối tháng 4.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television vào hôm thứ hai, cho thấy ông không muốn thay đổi lãi suất trong một thời gian tới.
"Nếu các cuộc đàm phán thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump kéo dài, việc này có thể kéo dài đến mùa hè và chúng ta sẽ không biết được tác động thực sự trong vài tháng sau đó", ông Bostic nói với phóng viên Michael McKee của Bloomberg.
Trước đó cùng ngày, ông Bostic lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách cần chờ từ 3 đến 6 tháng để đánh giá tình hình. Tuy nhiên, ông cũng dự báo nếu các cuộc đàm phán thương mại tiến triển nhanh hơn, dẫn đến việc giảm thuế quan nhiều hơn dự đoán, thì tình hình có thể thay đổi.
"Trong trường hợp đó, chúng ta có thể đẩy sớm một số hành động, vì có thể không cần làm quá nhiều để quản lý mức giá", ông Bostic giải thích.
Ông Williams nhấn mạnh sự bất định đang cản trở không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà cả các doanh nghiệp và hộ gia đình, khi họ gặp khó khăn trong việc dự đoán cách các chính sách thuế quan và các biện pháp khác từ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ định hình lại nền kinh tế Mỹ.
Thận trọng trước tình hình thị trường Mỹ
Các quan chức Fed đã bày tỏ sự thận trọng khi đánh giá tác động của việc hạ cấp tín dụng gần đây đối với chính phủ Mỹ, cùng với những bất ổn trên thị trường, trong bối cảnh họ tiếp tục điều hướng một môi trường kinh tế đầy bất định.
Các quan chức Fed thận trọng trước tình hình thị trường Mỹ giữa lằn ranh hạ cấp tín dụng.
"Chúng tôi sẽ nhìn nhận việc hạ cấp này giống như cách chúng tôi xem xét mọi thông tin đầu vào: Nó có ý nghĩa gì đối với việc đạt được các mục tiêu theo nhiệm vụ của chúng tôi, mà không bình luận về ý nghĩa của việc hạ cấp trong bối cảnh kinh tế chính trị", Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson phát biểu tại một hội nghị do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta tổ chức.
Cuối tuần trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ một bậc xếp hạng tín dụng của chính phủ Mỹ, giữa lúc lo ngại ngày càng gia tăng về thâm hụt ngân sách và chi phí lãi vay đang ở mức không bền vững. Đây là cơ quan xếp hạng lớn cuối cùng hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất.
Mặc dù không phải là vấn đề cấp bách đối với Fed, nhưng theo thời gian, chi phí vay vốn trên thị trường tăng cao do tình hình tài chính Mỹ xấu đi sẽ khiến tín dụng trở nên đắt đỏ hơn và kìm hãm hoạt động kinh tế. Điều này trở thành một yếu tố quan trọng trong cách Fed thiết lập chính sách tiền tệ và kỳ vọng về lộ trình kinh tế dài hạn.
Mặc dù lo ngại về tình hình tài chính của chính phủ đã tồn tại nhiều năm và các quan chức Fed thường xuyên cảnh báo rằng xu hướng vay nợ dài hạn không bền vững, nhưng mức chi tiêu khổng lồ hiện nay, kết hợp với kế hoạch ngân sách của Đảng Cộng hòa đang được xem xét - có khả năng làm gia tăng thêm nợ - đang làm dấy lên nỗi lo về một cuộc khủng hoảng đang đến gần.
Đồng thời, chương trình nghị sự chính sách thương mại quyết liệt và thất thường của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhắm đến hầu hết các quốc gia trên thế giới với các mức thuế cao nhằm đưa việc sản xuất trở lại Mỹ, đang làm lung lay niềm tin vào Mỹ như một điểm đến đầu tư đáng tin cậy.
Trong một sự kiện tại quê nhà, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho rằng về lâu dài, việc duy trì niềm tin của nhà đầu tư là một trong những vấn đề then chốt quyết định liệu chi phí vay nợ của chính phủ có tiếp tục ở mức chấp nhận được hay không.
"Hiện tại, đang có một dấu hỏi về vị thế cạnh tranh của Mỹ so với các nền kinh tế tiên tiến khác trên thế giới, khi xem xét tất cả các thay đổi chính sách và vấn đề nợ. Có nhiều dấu hỏi hơn so với một hoặc hai năm trước", ông Kashkari nói và nhấn mạnh "chúng ta chưa biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào".
Đức Bình
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/vi-sao-fed-se-giu-nguyen-lai-suat-it-nhat-den-thang-9-192250517180439676.htm