Diễn viên Doãn Quốc Đam xuất hiện trong quảng cáo cho sữa Cilonmum - sản phẩm thuộc đường dây sản xuất, kinh doanh sữa bột giả quy mô khủng vừa bị cơ quan chức năng phối hợp điều tra, triệt phá.
Sau ca mổ tuyến giáp tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, chị Q.T. (trú tại Ninh Bình) trở lại phòng bệnh thì thấy một hộp sữa Hofumil Gold Plus đặt ngay ngắn trên bàn.
Nhìn qua hóa đơn, hộp sữa giá hơn 900 nghìn đồng. Thấy sữa đắt lại được bác sĩ kê, chị nghĩ chắc là loại tốt nên mang về quê biếu bố mẹ.
Vài ngày sau, cả mạng xã hội xôn xao vì vụ sữa giả. Nghi ngờ, chị T. mở lại hộp sữa thì lạnh người khi thấy tên Công ty CP Dược Quốc tế Rance Pharma trên bao bì - cái tên đang bị Bộ Công an điều tra vì sản xuất và phân phối sữa bột giả với quy mô lớn.
"May mà chưa kịp mở nắp. Nhưng tôi vẫn thắc mắc làm sao sản phẩm giả có thể đường hoàng xuất hiện trong một bệnh viện lớn", chị T. chia sẻ sự hoang mang với Tri Thức - Znews.
Cùng thương hiệu sữa này, một người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng có phản ánh tương tự. Nhanh chóng, trong thông báo ngày 17/8, bệnh viện đã thông báo đã thu hồi sữa Hofumil Gold Plus để trả lại đơn vị cung ứng.
Hộp sữa Hofumil Gold Plus chị T. mua tại một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Sữa giả xâm nhập bệnh viện
Bàn về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng sự việc không chỉ là cú sốc với người bệnh mà còn là lời cảnh báo về những kẽ hở trong hệ thống giám sát chất lượng vật tư y tế tại Việt Nam.
Sữa giả đã "đường đường chính chính" lọt qua quy trình đấu thầu công khai của bệnh viện - điều tưởng chừng không thể xảy ra
BS Nguyễn Huy Hoàng
Loại sữa nói trên được bán cho bệnh nhân với giá gần một triệu đồng/hộp, không có trong danh mục bảo hiểm chi trả. Điều đáng nói, sản phẩm này đã "đường đường chính chính" lọt qua quy trình đấu thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật và xuất hiện trong danh mục tiêu dùng của bệnh viện - một điều tưởng chừng không thể xảy ra.
Mặc dù bệnh viện khẳng định đã tuân thủ Luật Đấu thầu, sự cố này cho thấy tuân thủ quy trình không đồng nghĩa với đảm bảo chất lượng. Một sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu nếu:
- Hồ sơ kỹ thuật chỉ là hình thức.
- Nhà thầu được xét duyệt chủ yếu trên giấy tờ, không có kiểm tra thực tế năng lực.
- Không có kiểm định chất lượng lô hàng sau khi trúng thầu.
Thực tế, quy trình nhập hàng chủ yếu dựa vào số lượng, hạn sử dụng, tem nhãn, chứ chưa có hệ thống kiểm nghiệm độc lập, nhất là với các sản phẩm "ngoài danh mục BHYT" mà người bệnh tự chi trả.
Lỗ hổng pháp lý?
Suốt 4 năm, 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai đã âm thầm len lỏi vào thị trường, được quảng cáo rầm rộ và tiêu thụ như hàng thật, thậm chí trúng thầu cung cấp cho bệnh viện. Đứng sau đó là 11 doanh nghiệp trong một đường dây tinh vi, thu về gần 500 tỷ đồng.
Điều khiến dư luận phẫn nộ là tại sao suốt thời gian dài như vậy hàng giả lại ngang nhiên tồn tại mà không bị phát hiện?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết pháp luật Việt Nam hiện áp dụng hai hình thức quản lý hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng là "tiền kiểm" và "hậu kiểm".
Tiền kiểm: Hàng hóa phải được cơ quan nhà nước kiểm tra chất lượng trước khi được bán ra thị trường.
Hậu kiểm: Doanh nghiệp tự công bố chất lượng, tự sản xuất, tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sau - theo kế hoạch định kỳ hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Chỉ một số loại hàng hóa đặc biệt, như thuốc chữa bệnh hay sữa cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, mới bắt buộc phải qua bước tiền kiểm trước khi lưu hành. Các mặt hàng thông thường khác đều theo cơ chế hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng. Ảnh: VTV.
"Đặc biệt, các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể về việc bắt buộc lấy mẫu kiểm nghiệm, chủ thể lấy mẫu kiểm nghiệm và thời gian kiểm nghiệm đối với sản phẩm sau khi đã đưa ra thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng trong kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm của các đơn vị có thể chỉ kiểm tra về mặt hình thức thủ tục hành chính mà không kiểm tra kỹ về chất lượng hàng hóa trên cơ sở lấy mẫu để kiểm nghiệm bởi cơ quan chuyên môn", TS Cường phân tích.
Họ xuất hiện trên thị trường với quy mô lớn, họ sử dụng nền tảng công nghệ để quảng cáo. Họ sử dụng những người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm. Vậy tại sao những người có chức năng lại không biết?
Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM
Không chỉ vậy, theo ông Cường, thực tế, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể có đủ nhân lực, phương tiện vật chất kỹ thuật để thực hiện hoạt động tiền kiểm đối với tất cả loại hàng hóa sản phẩm dịch vụ.
Ở các quốc gia phát triển, chủ yếu quản lý theo hình thức hậu kiểm, gắn trách nhiệm cho doanh nghiệp sản xuất về chất lượng sản phẩm và sẽ xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp vi phạm. Đối với các loại hàng hóa là thực phẩm, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam cách quản lý vẫn là hậu kiểm - đơn vị sản xuất tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm theo nội dung đã công bố.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý ở khu công bố sản phẩm, khi sản xuất, đơn vị sản xuất phải sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng như công bố.
Nếu quá trình hậu kiểm, cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện ra chất lượng sản phẩm không đảm bảo theo tiêu chuẩn đã công bố thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào chất lượng của sản phẩm và những vi phạm cụ thể.
Trao đổi với Tri Thức, - Znews, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng lỗi lớn nhất từ cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là những người thực thi công vụ. Đơn giản các hành vi này không có lén lút, giấu giếm hay phân phối, buôn bán nhỏ lẻ.
"Họ xuất hiện trên thị trường với quy mô lớn, họ sử dụng nền tảng công nghệ để quảng cáo. Họ sử dụng những người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm. Vậy tại sao những người có chức năng lại không biết để tiến hành kiểm tra và phát hiện các sai phạm kịp thời?", luật sư Phát đặt câu hỏi.
Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Ông nhấn mạnh chúng ta không thể chấp nhận với các lời ngụy biện rằng vì đa số sản phẩm này không bán trong siêu thị, các hệ thống đại lý, nên việc kiểm tra phát hiện sẽ khó khăn. Nói như vậy, theo luật sư Phát là cố tình "vẽ đường cho hưu chạy", cho thấy sự bất lực của lực lượng chức năng.
Người tiêu dùng còn "mắc cạn" đến bao giờ?
Theo luật sư Lê Trung Phát, Nghị định 15/2018 hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm cho sự công bố của mình.
"Đây không phải lổ hổng của pháp luật, mà là quy định nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đơn giản hóa các thủ tục để dễ dàng phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này. Chỉ có những doanh nghiệp làm ăn bất chính, họ lợi dụng quy định mở này, để làm ăn bất chính và trục lợi cho bản thân", luật sư nhấn mạnh.
Điều quan trọng là hành vi sai phạm đó được kiểm soát như thế nào sau khi xảy ra. Thực tế cho thấy, việc giám sát hậu kiểm hiện nay còn quá lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.
Theo ông Phát, việc quản lý sản phẩm tự công bố không hề khó, vì sau khi doanh nghiệp công bố, cơ quan chức năng đã có danh sách cụ thể kèm thông tin doanh nghiệp.
Khi sản phẩm ra thị trường, lực lượng quản lý thị trường hoàn toàn có thể tiến hành kiểm tra theo quy định. Nếu phát hiện vi phạm, họ có thể xử lý trực tiếp hoặc phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn như y tế để kiểm tra và xử lý.
“Nếu làm tốt khâu hậu kiểm, phát hiện kịp thời, thì hậu quả của sản phẩm kém chất lượng sẽ được hạn chế rất nhiều. Việc để đến vài năm sau mới phát hiện thì mọi thứ đã quá muộn. Sản phẩm đã vào cơ thể người tiêu dùng rồi, lúc đó khắc phục thế nào?" ông Phát đặt vấn đề.
Phương Anh - Thuận Nguyễn