Vì sao giá cát xây dựng tại Hà Nội tăng cao?

Vì sao giá cát xây dựng tại Hà Nội tăng cao?
2 giờ trướcBài gốc
Giá cát tăng cao và khan hiếm
Sau một thời gian tích góp tiền bạc, gia đình anh L.Đ.T (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đã quyết định xây một căn nhà mới để ở. Tuy nhiên, công trình xây dựng vào đúng thời điểm giá vật liệu tăng cao, khan hiếm, mỗi lần mua phải chờ 2 - 3 ngày mới có, khiến gia đình hết sức lo lắng.
Giá cát xây dựng tăng cao ảnh hưởng tới công trình của gia đình anh L.Đ.T.
"Giá cát và gạch tăng gấp đôi so với trước, khiến chi phí xây dựng tăng, vượt quá khả năng tài chính dự kiến của gia đình. Đối với cát, dù giá tăng cao nên tôi vẫn phải mua. Còn gạch xây dựng, để giảm bớt chi phí, gia đình tôi phải đẽo lại những viên gạch từ nhà cũ sau khi phá dỡ để tái sử dụng", anh L.Đ.T cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, giá cát xây dựng đang dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/m3; cát vàng khoảng 900.000 - 1.000.000 đồng/m3; cát san lấp khoảng 240.000 - 300.000 đồng/m3.
Các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) cho biết, giá cát đang tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 5 và rất khan hiếm. Nếu chủ công trình muốn mua thì cũng phải mất mấy ngày mới có hàng.
"Giá cát thay đổi theo ngày, ảnh hưởng đến việc kinh doanh rất lớn. Đối với các công trình đã hợp đồng giá từ trước thì hiện nay đại lý phải chịu lỗ để giữ khách. Còn các công trình đang xây hoặc sắp xây dựng thì người dân đang tạm dừng để chờ giá vật liệu giảm", một đại lý VLXD tại quận Hà Đông thông tin.
Đại diện Bê tông Việt Mỹ cho biết, giá cát tăng cao khiến chi phí sản xuất bê tông cũng tăng, từ đó giá bán có nhiều thay đổi. Đơn cử, giá bê tông mác 300 do đơn vị sản xuất, tại thời điểm giá cát đang thấp thì có giá bán khoảng 950.000 đồng/m3; còn hiện nay giá bán ra đã lên 1.200.000 đồng/m3.
"Để giữ chân khách hàng, chúng tôi không tăng giá bán bê tông quá cao, thay vào đó, chịu sụt giảm doanh thu để gánh một phần khó khăn cho khách hàng", vị đại diện Bê tông Việt Mỹ chia sẻ.
Theo đại diện Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, việc giá cát tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới các nhà thầu thi công và chủ đầu tư công trình. Lường trước được tình hình này, đơn vị cũng đã có một bãi tập kết vật liệu, đủ để phục vụ cho các công trình đang triển khai của công ty trong thời điểm giá vật liệu có nhiều biến động.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số tỉnh lân cận, giá cát cũng tăng cao so với trước. Tại tỉnh Hưng Yên, giá cát vàng ở mức 850.000 - 900.000 đồng/m3; cát đổ nền từ 250.000 - 300.000 đồng/m3. Tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, giá cát đen cũng tăng lên mức 250.000 - 380.000 đồng/m3; cát vàng từ 500.000 - 700.000 đồng/m3. Giá cát tại Hà Nam cũng tăng hơn 20% so với trước.
Giá cát tăng là do nguồn cung cấp không đủ để phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân.
Cung không đủ cầu
Các đại lý kinh doanh VLXD cho biết, giá cát tăng là do nguồn cung cấp không đủ để phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân. Cùng với đó, trên địa bàn đang có nhiều dự án lớn, nên đã hút số lượng lớn vật tư, trong đó có cát xây dựng.
Theo lực lượng chức năng, thời gian qua, người dân có nhiều phản ánh về việc "cát tặc" hút trộm cát dọc sông Hồng (tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội), dẫn đến sạt lở tại một số khu vực hai bên sông, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.
Chính quyền và các cơ quan chức năng đang vào cuộc để xử lý những vi phạm này. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các bãi trung chuyển, tập kết VLXD tự phát dọc hai bên bờ sông Hồng không được phép hoạt động, người dân tự tháo dỡ các tàu hút cát tự chế. Còn các mỏ cát có đầy đủ pháp lý thì vẫn hoạt động bình thường.
TS Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết, tình trạng các mỏ khai thác cát quá mức, nhưng lại chỉ xuất hóa đơn dưới mức cho phép diễn ra phổ biến. Đến khi lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra thì các điểm khai thác này đều phải dừng hoạt động. Từ đó nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu đang lớn, dẫn đến giá cát tăng. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải thắt chặt, minh bạch hóa việc cấp phép, quản lý và khai thác mỏ cát.
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng đường giao thông của nước ta đang tiêu thụ nhiều cát đắp nền. Nếu một đoạn đường cần đắp nền cao 4 – 5m thì lượng cát rất lớn. Để giảm thiểu lượng tiêu thụ cát, nhà nước nên xem xét áp dụng phương pháp sử dụng cầu cạn cho các đoạn đường cần phải đắp nền cao.
Khuyến khích nhà thầu phát triển chuỗi cung ứng vật liệu
Giá vật liệu tăng vọt, thách thức lớn cho nhà thầu và thị trường bất động sản
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, đơn vị này đang khảo sát, tổng hợp giá VLXD để có đánh giá và báo cáo lãnh đạo Sở đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Để tháo gỡ khó khăn về giá VLXD, vừa qua, Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bình ổn giá VLXD, kiểm soát việc tăng giá bất thường trên địa bàn quản lý.
UBND cấp tỉnh thực hiện công bố kịp thời, chính xác về giá VLXD và chỉ số giá xây dựng trên địa bàn. Có chính sách khuyến khích các nhà thầu xây dựng hình thành và phát triển chuỗi cung ứng trong hoạt động xây dựng, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như giảm được chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Tiến Hào
Tuyết Hạnh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/vi-sao-gia-cat-xay-dung-tren-dia-ban-ha-noi-tang-cao-192250527162133544.htm