Vì sao giá chè Việt thua kém Ấn Độ và Sri Lanka?

Vì sao giá chè Việt thua kém Ấn Độ và Sri Lanka?
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh diễn đàn
Chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ”
Phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” ngày 05/11, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng.
Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.
"Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn”, ông Mạnh cho biết.
Theo ông Mạnh, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam đang xuất khẩu chè đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Long cho rằng: "Nhìn ở mức chung, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới. Thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới".
“Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD. Như vậy, hòa chung với giá nội tiêu, giá chè trung bình khoảng 4 USD/kg”, ông Long cho biết.
Gỡ nút thắt xuất khẩu chè giá rẻ
Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi về cách tư duy. Người lao động tham gia trong chuỗi giá trị chè có nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập. “Cây chè không còn là cây xóa đói, giảm nghèo nữa mà đã thực sự trở thành cây làm giàu”, ông Tuân chia sẻ.
Liên kết sản xuất chính là chìa khóa để xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững.
Là đơn vị xuất khẩu chè lớn của cả nước, công ty của ông Tuân hiện tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất túi lọc, đảm bảo công nghệ sản xuất chất lượng cao nhất. Đặc biệt là nói không với các chất bảo vệ thực vật không được phép.
Bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha của công ty ngày càng được thị trường đón nhận. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.
Để phát triển chè bền vững, ông Hoàng Vĩnh Long cho rằng, liên kết sản xuất chính là chìa khóa để xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững. Kinh nghiệm ngành chè thế giới đã chứng minh là các cơ sở chế biến phải gắn kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu cụ thể trong một tổ chức, được điều phối tập trung thống nhất tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng liên kết nông - công nghiệp thì sẽ phát triển bền vững.
"Doanh nghiệp và người trồng chè phải cùng có trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, cùng xây dựng thương hiệu và cùng được hưởng lợi từ sản phẩm đem lại. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân, người dân có trách nhiệm với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phải xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm chè", ông Long chia sẻ.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, các địa phương cần liên kết giữa nông dân và nhà máy chế biến, đồng thời tăng cường kiểm tra sản xuất và chế biến để đảm bảo an toàn và chất lượng chè. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu, bao gồm rà soát và hiện đại hóa thiết bị, công nghệ, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và xuất xứ hàng hóa.
"Về khoa học kỹ thuật, các doah nghiệp cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Ô long, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi", ông Nguyễn Quốc Mạnh chia sẻ.
Hải Yến
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/vi-sao-gia-che-viet-thua-kem-an-do-va-sri-lanka-157471.html