Vì sao giá nhà ở xã hội mỗi nơi một khác?

Vì sao giá nhà ở xã hội mỗi nơi một khác?
6 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh giải trình trước Quốc hội
Bổ sung cơ chế một cửa, rút ngắn thời gian làm thủ tục nhà ở xã hội
Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án nhà ở xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai - góp ý, về thủ tục nên bổ sung cơ chế một cửa, một đầu mối để tránh chủ đầu tư phải đi hết sở này đến sở khác làm thủ tục.
Bên cạnh đó, theo ông An, cần quy định luôn tổng thời gian cấp thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội là 90 ngày, tránh tình trạng kéo dài, làm mất 18-24 tháng dẫn đến khó triển khai.
Để gỡ vướng mắc về giá, vị đại biểu đề xuất tách riêng giá bán và giá thuê mua nhà ở xã hội, đồng thời phân cấp cho chủ doanh nghiệp chủ động xác định giá, còn cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai - phát biểu
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh - cho rằng, giá bán và giá thuê nhà ở xã hội chưa thực sự hợp lý. Pháp luật quy định không tính tiền sử dụng đất vào giá bán nhà ở xã hội nhưng trên thực tế giá bán vẫn cao, không phù hợp với thu nhập của nhiều người lao động. Mà nguyên nhân, theo đại biểu là cơ chế kiểm soát giá thiếu hiệu quả.
Đại biểu Bình đề nghị dự thảo bổ sung cơ chế minh bạch hóa quy trình xác định giá, tăng cường giám sát độc lập để đảm bảo đúng chi phí đầu tư và đúng đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, cần bắt buộc công khai chi tiết phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư và người lao động trước khi phê duyệt.
Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp - cho rằng, đại biểu thống nhất với việc cần phải cắt giảm thủ tục hành chính với nhà ở xã hội xong điều quan trọng hơn cả là chất lượng công trình ra sao. Thời gian qua, người dân phản ánh tình trạng nhà ở xã hội xuống cấp rất nhanh. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu việc này.
Tiếp đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, nhà ở xã hội cho công nhân, viên chức, công chức thuê, tuy nhiên họ lại không ở mà cho người khác thuê lại. Dự thảo cần có chế tài để những trường hợp này không xảy ra.
Một vấn đề nữa, nhà ở xã hội theo qui định phải là nhà chung cư. Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, điều này ở đô thị là phù hợp nhưng còn ở nông thôn thì sao? "Xây nhà ở xã hội là nhà chung cư ở nông thôn là không phù hợp với tập quán sinh hoạt của khu vực, kèm theo dịch vụ giá cả không hề rẻ, nên người thu nhập thấp là công nhân, công chức, viên chức ở nông thôn sẽ không mặn mà với nhà này", đại biểu phân tích.
Không thể quy định giá sàn cho nhà ở xã hội
Giải trình tại Quốc hội về việc triển khai nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho hay Chính phủ đã có đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Tuy nhiên thực tế trong 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án, trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới được 15.600 căn hoàn thành, còn 19.492 căn khởi công, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vướng mắc ở thế chế, chính sách, quy trình, thủ tục, nên Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thực tế nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày, khiến nhà đầu tư cũng rất ngán ngẩm. Do đó, dự thảo nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.
Trả lời góp ý của đại biểu về giá nhà ở xã hội, trước nhiều ý kiến đề nghị cần quy định giá sàn, bộ trưởng khẳng định không thể quy định theo giá sàn, mà tới đây sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.
Đơn cử sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được vênh lên 10% so với dự toán. Nếu đưa giá sàn thì khó thực hiện, vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau.
Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội vào ngày cuối cùng của kỳ họp này.
Hải Yến
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/vi-sao-gia-nha-o-xa-hoi-moi-noi-mot-khac-20250524160112491.htm