Vì sao giá vàng biến động khó lường?

Vì sao giá vàng biến động khó lường?
8 giờ trướcBài gốc
Lo ngại cuộc chiến thương mại
Cụ thể trước đó, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh ấn định mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico cùng với mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại, có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu và thúc đẩy lạm phát, đẩy giá vàng tăng.
Song, Mỹ đã tạm dừng áp thuế quan đối với Canada và Mexico trong 1 tháng, nhưng vẫn áp dụng thuế quan 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 4-2. Và Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp “trả đũa” mức thuế quan mới của Mỹ từ ngày 10-2. Với diễn biến bất ổn đó, vàng càng là nơi trú ẩn hấp dẫn giới đầu tư.
Đón sóng thế giới, giá vàng trong nước sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã tạo ra nhiều bất ngờ. Phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ, giá vàng miếng tăng thêm nửa triệu đồng, lên mức 87,3 - 89,3 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tăng thêm 700.000-800.000 đồng lên mức 87,5-88,9 triệu đồng/lượng.
Xu hướng tăng duy trì đến sáng ngày 6-2, vàng miếng SJC vượt mốc 91 triệu đồng/lượng, cụ thể ở mức 88,2-91,2 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng so với trước kỳ nghỉ Tết. Giá vàng nhẫn mua vào dao động ở mức 88-88,2 triệu đồng/lượng, bán ra trong khoảng 90,6-91 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên ngay trong chiều 6-2, vàng trong nước đã “sập giá”, vàng miếng SJC rơi xuống mức 86,4-89,6 triệu đồng/lượng, tức giảm 1,8 triệu đồng chiều mua và giảm 1,6 triệu đồng chiều bán chỉ sau vài giờ. Vàng nhẫn cũng giảm hơn 1 triệu đồng cả chiều mua và chiều bán, xuống còn khoảng 86,4 - 89,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước bất ngờ giảm mạnh sát ngày vía Thần Tài, trong khi vàng trên Kitco cùng thời điểm đang ở mức 2.862USD/ounce, quy đổi tương đương 88,6 triệu đồng/lượng. Sự sụt giảm trong nước đã lập tức kéo chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá thế giới từ gần 3 triệu đồng về 1 triệu đồng mỗi lượng.
Ẩn số khó giải
Dù giá vàng đã được hạ nhiệt nhanh, song thị trường vàng vẫn được dự báo sẽ diễn biến khó lường trong năm nay. Bởi năm ngoái, vàng miếng đang được kiểm soát bởi NHNN và giá đã giảm từ đỉnh 92 triệu đồng/lượng giữa năm xuống quanh mốc 87 triệu đồng/lượng cuối năm.
Tuy nhiên, đà tăng của thế giới vừa qua đã đẩy vàng trong nước tăng mạnh trở lại mốc 91 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 2 này. Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo giá vàng thế giới có thể đạt mức 3.000USD/ounce trong năm nay.
Hiện tại, động thái thuế quan của Mỹ cộng với việc các ngân hàng trung ương có thể tăng mua vàng để giảm phụ thuộc vào việc nắm giữ đồng USD, càng củng cố vững chắc dự báo này. Còn trên thực tế, bất chấp sự tăng giá của đồng USD và lãi suất thời gian gần đây, giá vàng liên tục đi lên và đang khá gần mức 3.000USD/ounce.
Theo các chuyên gia, hiện khó có thể đoán hết được các biến động địa chính trị cũng như diễn biến chính sách ngoại thương của Mỹ. Trường hợp sắp tới 2 yếu tố này không tích cực, có thể tạo ra sự bất ổn lớn trên thị trường tài chính và tác động đến giá vàng.
Nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng, giá vàng trong nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Mặt khác, gió có thể đổi chiều nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các chính sách kinh tế dẫn đến lạm phát tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Lúc đó, giá trị đồng USD tăng lên và vàng có thể giảm giá. Nói cách khác, biến động của giá vàng thế giới là một ẩn số lớn, vì đó không chỉ là câu chuyện của những con số mà còn phản ánh các biến động lớn từ bức tranh kinh tế và chính trị toàn cầu.
Trong nước hiện nay, khi lãi suất huy động VNĐ còn ở mức thấp, các kênh đầu tư khác vẫn chưa khởi sắc mạnh, vàng dự kiến vẫn là một kênh đầu tư đang rất được quan tâm trong năm 2025. Thời gian qua, mặc dù nguồn cung hạn chế nhưng người dân vẫn tìm mọi cách để mua vàng, kể cả giao dịch qua mạng.
Song cũng như giá vàng thế giới, giá vàng trong nước được dự đoán sẽ rất bất ổn trong năm 2025, ngoài việc chịu tác động từ “ẩn số” giá vàng thế giới, đường đi của giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào cung cầu, cung trong nước khan hiếm trước các chính sách quản lý, chống nhập lậu vàng của NHNN.
Theo đó, những thời điểm cung tăng cao, giá vàng trong nước cũng tăng bất chấp giá thế giới giảm. Minh chứng là vàng vừa giảm mạnh trong phiên 6-2, đến phiên 7-2 lại tăng vọt lên mức 90 triệu đồng/lượng, dù cùng thời điểm giá vàng thế giới giảm nhẹ. Lý do là thời điểm này rơi vào ngày vía Thần Tài, người dân đổ xô đi mua vàng để lấy may mắn đầu năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn yêu cầu các cơ quan, địa phương giám sát và triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng, cũng như để xuất giải pháp quản lý thị trường vàng.
Trả lời kiến nghị cử tri mới đây, NHNN cho biết trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, cơ quan này sẽ tiếp tục cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp.
Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, đồng bộ bình ổn thị trường vàng, tiếp tục xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để “vàng hóa” nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an ninh, an toàn tài chính quốc gia, phát triển thị trường vàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững. Đây cũng sẽ là một “ẩn số” tác động đến giá vàng trong nước.
Ổn định bằng cách nào, quản lý thị trường vàng theo phương thức nào là điều vẫn chưa hình dung được. Theo đó, lời khuyên của giới chuyên gia dành cho nhà đầu tư vàng và người dân đừng chạy theo tâm lý đám đông, cần theo dõi sát sao thị trường tài chính, cả trong nước và quốc tế để đưa ra các quyết định hợp lý.
CÁT TƯỜNG
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/vi-sao-gia-vang-bien-dong-kho-luong-post120457.html