Giá vàng thế giới vừa trải qua biến động mạnh khi giảm tới 70 USD mỗi ounce. Ảnh: CNBC.
Giá vàng thế giới đang ghi nhận đợt bán tháo mạnh với biên độ biến động lớn. Cụ thể, tối ngày 3/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đã lao dốc tới 70 USD, rơi thẳng về vùng 3.070 USD/ounce. Hợp đồng vàng tương lai giao tháng 6 cũng giảm 60 USD, có thời điểm chạm mức thấp nhất trong ngày ở 3.074 USD/ounce.
Đáng chú ý, đợt giảm mạnh này diễn ra ngay sau khi giá vàng giao ngay đạt đỉnh lịch sử 3.168 USD/ounce và hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 6 đạt 3.202 USD/ounce một ngày trước đó. Đà giảm mạnh đã đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Đến sáng nay, dù đã ghi nhận tín hiệu hồi phục, kim loại quý vẫn chưa thể tái lập mốc kháng cự quan trọng 3.100 USD/ounce.
Hiện tại, giá vàng đang dao động quanh vùng 3.090 USD/ounce, giảm hơn 20 USD so với phiên giao dịch gần nhất.
Trước đó, giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh sau bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump về kế hoạch mở rộng thuế nhập khẩu đối với hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ.
Động thái này ngay lập tức làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, khi Canada, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác nhanh chóng lên phương án đáp trả. Viễn cảnh một cuộc chiến thương mại leo thang khiến giới đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại và áp lực lạm phát gia tăng trên phạm vi quốc tế.
Thông thường, đây phải là thông tin có lợi cho vàng - vốn là tài sản trú ẩn an toàn trong các giai đoạn lạm phát và bất ổn kinh tế. Tuy nhiên, lần này, giá vàng thế giới đã đồng loạt lao dốc cùng diễn biến với thị trường chứng khoán toàn cầu, sức mạnh đồng USD và nhiều kim loại quý khác.
Giá vàng thế giới vẫn chưa thành công lấy lại mốc 3.100 USD/ounce. Ảnh: TradingView.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đà giảm của giá vàng thế giới chỉ mang tính ngắn hạn do tác động rút vốn từ giới đầu tư toàn cầu. Trong khi đó, triển vọng dài hạn của kim quý vẫn tích cực trong môi trường thương mại bất ổn hiện nay.
HSBC đã điều chỉnh dự báo giá vàng trung bình năm 2025 và 2026 lên 3.015 USD và 2.915 USD/ounce, cao hơn đáng kể so với mức dự báo trước đó là 2.687 USD và 2.615 USD/ounce, theo Reuters.
Nguyên nhân chính được HSBC đưa ra là rủi ro địa chính trị gia tăng, những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cùng với những biến động kinh tế toàn cầu đang xảy ra sẽ thúc đẩy giá vàng.
Các chuyên gia tại HSBC cho rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ tiếp tục mua vàng trong năm 2025-2026, nhưng tốc độ mua có thể giảm so với giai đoạn 2022-2024. Nếu giá vàng vượt 3.000 USD/ounce, nhu cầu có thể suy yếu, nhưng nếu giá giảm về 2.800 USD/ounce, hoạt động mua vào sẽ gia tăng.
Hồng Nhung