Vì sao giữ tên Đồng Nai sau khi sáp nhập với Bình Phước?

Vì sao giữ tên Đồng Nai sau khi sáp nhập với Bình Phước?
5 giờ trướcBài gốc
Theo dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) do UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Phước phối hợp xây dựng, hai tỉnh sẽ hợp nhất thành một thực thể hành chính mới vẫn mang tên tỉnh Đồng Nai, nhưng với diện tích, dân số và tiềm lực vượt xa chuẩn quy định.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là đề xuất sáp nhập xã Đak Lua (Đồng Nai) và xã Đăng Hà (Bình Phước), hai xã có địa hình liền kề, điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Phương án này nhằm tối ưu công tác quản lý hành chính và phát huy lợi thế kinh tế vùng biên, đặc biệt tại các địa bàn còn nhiều tiềm năng nhưng ít được khai thác. Khi đề xuất này được thông qua, tổng số ĐVHC cấp xã của tỉnh mới sẽ còn 94 đơn vị.
Theo đó, sau sắp xếp, ĐVHC cấp tỉnh mới mang tên tỉnh Đồng Nai sẽ có diện tích 12.737,17 km², tương đương 255% so với tiêu chuẩn quy định. Về quy mô dân số, tỉnh mới sẽ có 4.224.148 người, đạt 302% so với tiêu chuẩn, tạo nên một trung tâm hành chính – kinh tế có tầm vóc hàng đầu phía Nam.
Khi đề xuất này được thông qua, tổng số ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai mới sẽ còn 94 đơn vị.
Đặc biệt, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai mới sẽ được đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (sau sắp xếp là phường Trấn Biên). Tạm thời, để thuận tiện trong quá trình chuyển tiếp, một số cơ quan đầu não sẽ duy trì hai trụ sở tại Đồng Nai và Bình Phước, đảm bảo vận hành trơn tru, tránh xáo trộn trong giai đoạn đầu triển khai.
Dự thảo đề án đưa ra những lý do chủ chốt để giữ tên gọi "Đồng Nai" cho đơn vị hành chính sau sáp nhập như sau:
Là một trong những địa danh lâu đời nhất Nam Bộ, Đồng Nai gắn liền với hành trình khai phá phương Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, nơi đây không chỉ là trung tâm hành chính quan trọng mà còn là vùng đất đa sắc tộc, đa tôn giáo, hình thành nên một bản sắc văn hóa đặc sắc khó trộn lẫn.
Từ thập niên 1960, Đồng Nai đã dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp với Khu kỹ nghệ Biên Hòa, khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến nay, tỉnh là điểm đến của doanh nghiệp từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là đầu mối logistics, hạ tầng, và đô thị quan trọng, kết nối trực tiếp với các sân bay như Biên Hòa và Long Thành.
Tên gọi "Đồng Nai" có tính nhận diện mạnh, ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp để duy trì ổn định xã hội trong quá trình chuyển đổi giấy tờ, cập nhật địa lý, thủ tục hành chính sau sáp nhập. Việc giữ lại tên gọi cũ là giải pháp tiết kiệm chi phí và đảm bảo sự kế thừa liên tục trong nhận thức cộng đồng.
Việc hợp nhất hai địa phương năng động, một bên giàu truyền thống công nghiệp, một bên có lợi thế đất đai và tài nguyên được kỳ vọng sẽ tạo nên một cực tăng trưởng mới trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh Đồng Nai mới sẽ trở thành đầu tàu về công nghiệp, logistics, đô thị hóa và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực tái cơ cấu bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực – hiệu quả, đề án sáp nhập Đồng Nai – Bình Phước không chỉ mang ý nghĩa tổ chức mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển vùng, khai thác tối đa tiềm năng, đồng thời hướng tới mục tiêu cuối cùng: nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới, đề án sáp nhập sẽ chính thức khởi động, mở ra chương mới cho hành trình phát triển vùng đất năng động bậc nhất phía Nam.
Ngày 23/4, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu thực hiện sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai để thành lập tỉnh Đồng Nai mới bao gồm việc rà soát, sắp xếp bố trí trụ sở, phương tiện làm việc, xây dựng phương án xử lý trụ sở làm việc các cơ quan cấp tỉnh dôi dư ở hai tỉnh.
Theo Tỉnh ủy Đồng Nai, hai địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng đề án, gồm: đại diện lãnh đạo hai tỉnh Bình Phước, Đồng Nai. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước xây dựng phương án giải thể, thành lập các tổ chức đảng cơ sở, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc Tỉnh ủy.
Đoàn Vũ
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/vi-sao-giu-ten-dong-nai-sau-khi-sap-nhap-voi-binh-phuoc-204250424173919775.htm