Vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn 'tràn về' thị trường nông thôn?

Vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn 'tràn về' thị trường nông thôn?
13 giờ trướcBài gốc
Thói quen, tâm lý của người dân tại các khu vực nông thôn khi mua hàng thường chỉ quan tâm đến giá cả và nhìn qua nhãn hiệu sản phẩm, không tìm hiểu kỹ về xuất xứ, nhà sản xuất, nên đã tạo thành "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái “tung hoành” trên thị trường.
Đơn cử, ngày 9/7, khi ghé một quán tạp hóa ở xã Đông Kinh (thuộc huyện Thạch Hà cũ) để hỏi mua bánh kẹo, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là cả 4 loại bánh kẹo được bày bán ở đây là Gozy, Soliete, KitKet, Jippo… giá từ 25.000 - 30.000 đồng, có tên gọi, hình thức, mẫu mã bên ngoài giống một số loại bánh thương hiệu nổi tiếng khác như: Cosy, Solite, Kitkat, Tipo… với giá bán trên thị trường gấp 2 - 3 lần.
Bà Nguyễn Thị Hà - chủ quán tạp hóa chia sẻ: “Tâm lý chọn mua bánh, kẹo của đa phần người tiêu dùng trong vùng trước hết là phải hợp túi tiền nên chúng tôi nhập hàng loại rẻ cho dễ bán”.
Một số bánh kẹo được bày bán tại quầy tạp hóa giống với các thương hiệu nổi tiếng.
Tiếp tục khảo sát tại một số địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh, từ các xã ven biển như: Lộc Hà, Thiên Cầm, Cổ Đạm… cho đến các xã miền núi như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Sơn Tiến… nhất là những tiệm tạp hóa nhỏ ở các thôn xóm, chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán một số loại bánh kẹo giống với các thương hiệu bánh nổi tiếng khác như: Custard (giống thương hiệu Custas), Silaté (giống với Solite), Oseo (giống với Oreo)…
“Tôi cũng như các chủ quán ở đây đều lấy những mặt hàng giá rẻ mà các nhân viên tiếp thị đến tận nơi để bỏ hàng. Đôi khi không ngờ các mặt hàng đó lại là hàng nhái, thậm chí là hàng giả", chị Nguyễn Thị Hà - chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Sơn Tiến bày tỏ.
Hai loại bánh giống với 2 thương hiệu nổi tiếng khác nhưng được ghi tên một đơn vị sản xuất. Các thông số về thành phần để làm bánh được in trên 2 hộp hoàn toàn giống nhau.
Không riêng mặt hàng bánh kẹo, khi thị sát tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh, không khó để chúng tôi bắt gặp nhiều mặt hàng khác cũng được làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Từ những mặt hàng có giá trị thấp như: nước giải khát, giấy vệ sinh… cho đến những mặt hàng có giá trị cao hơn như: đồ gia dụng, mỹ phẩm…, đặc biệt là quần áo, giày dép càng diễn ra phổ biến.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng quần áo.
Cửa hàng thời trang H.H ở xã Hương Khê với diện tích gần 100m2 nhưng có rất nhiều mặt hàng quần áo, giày dép mang mác các thương hiệu được bày bán như: LV, Hermès, Dior, Chanel, Gucci, Nike, Adidas… với giá chỉ từ 100.000 - 400.000 đồng. Khi được hỏi, chủ cửa hàng cũng không ngần ngại cho biết đây chỉ là những sản phẩm hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng.
Chủ cửa hàng cho biết: “Các sản phẩm này tôi nhập từ chợ Vinh về. Biết là hàng nhái, nhưng tâm lý của người dân trên địa bàn muốn mua hàng có “gắn mác” thương hiệu, giá lại phù hợp nên tôi thường nhập với số lượng lớn và bán cũng khá “đắt khách”.
Một số mặt hàng thời trang nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Anh Nguyễn Văn Hạnh ở xã Hương Đô vừa mua bộ quần áo nhãn hiệu Adidas cho biết: “Tuy là hàng nhái nhưng mẫu mã không khác biệt mấy so với hàng thật. Đặc biệt, sản phẩm giá rẻ, phù hợp với thu nhập của tôi”.
Theo ông Võ Viết Linh - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh: “Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ ngày 5/6 - 10/7, đơn vị đã xử lý 21 vụ, với số tiền xử phạt 127 triệu đồng. Trong đó, tập trung vào các lỗi vi phạm chủ yếu như: buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…”.
Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh tại xã Hương Khê.
“Tình trạng hàng giả, hàng nhái giảm so với những năm trước đây, nhưng vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, miền núi, người tiêu dùng thường ưu tiên những mặt hàng rẻ, ít để ý đến chất lượng hay nhãn mác, thương hiệu. Chế tài xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, để xác định và xử lý vi phạm về hàng giả, kém chất lượng phải có nhiều yếu tố, trước tiên là phải tiến hành lấy mẫu để kiểm định, đối chứng và có giám định kết luận hàng giả. Đây là những khó khăn mà lực lượng chức năng đang gặp phải”, ông Võ Viết Linh - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết thêm.
Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng không chỉ tác động tiêu cực đến hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để "cuộc chiến" chống hàng giả, hàng nhái thật sự có hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Trọng Thái
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/vi-sao-hang-gia-hang-nhai-van-song-khoe-o-thi-truong-nong-thon-post291610.html