Vì sao hoa thiên điểu đẹp nhưng không nên cắm trong nhà?

Vì sao hoa thiên điểu đẹp nhưng không nên cắm trong nhà?
2 ngày trướcBài gốc
Hoa thiên điểu hay còn được gọi là hoa chim thiên đường do hình dáng trông khá giống chú chim thiên đường với bộ lông nhiều màu sắc.
Cây thiên điểu có tên khoa học là Strelitzia reginae, có nguồn gốc từ Nam Phi và vùng nhiệt đới châu Mỹ. Cây thường nở hoa vào mùa xuân. Hoa có dạng hình trứng thuôn dài, gồm có 3 cánh màu cam rực rỡ, 3 cánh còn lại có màu ánh tím rất đẹp mắt.
Hoa thiên điểu có hình dáng đẹp mắt và màu sắc rực rỡ. (Ảnh: peppyflora).
Sự tích hoa thiên điểu
Một câu chuyện dân gian kể rằng, ở vương quốc nọ có một nàng công chúa mang vẻ đẹp thanh tao, quyến rũ, giọng hát trong veo như loài chim thiên đường. Tóc nàng dài, tết hai bên, trông giống như đuôi chim thiên đường. Nàng có chuyện tình đẹp với một chàng hoàng tử.
Chẳng may công chúa lâm bệnh nặng rồi qua đời. Chàng hoàng tử rất đau khổ. Mỗi ngày, chàng đều đến thăm mộ nàng. Chẳng bao lâu, trên mộ nàng công chúa mọc lên một cây hoa thật đẹp. Bông hoa trông giống như mái tóc của nàng công chúa, cũng giống như loài chim thiên đường. Hoàng tử thấy vậy nên rất chăm sóc, nâng niu bông hoa.
Thời gian trôi qua, bông hoa cứ ngỡ chàng yêu mình. Khi được thượng đế ban cho một điều ước, nó liền ước được trở thành một cô gái xinh đẹp, xứng đôi với hoàng tử.
Điều ước trở thành hiện thực, bông hoa chưa kịp ra mắt hoàng tử thì đã nghe thấy những chàng tâm sự với nàng công chúa đã mất. Hoa đau đớn nhận ra rằng, hóa ra chàng chăm hoa từng ngày vì tình yêu dành cho người đã khuất chứ không phải vì nó. Nó lặng lẽ xin với thượng đế được trở lại làm bông hoa bên mộ để làm đẹp cho tình yêu chung thủy của hai người. Và từ đó, người ta gọi nó với cái tên hoa thiên điểu.
Nguồn gốc hoa thiên điểu gắn liền với một chuyện tình lãng mạn. (Ảnh: peppyflora).
Ý nghĩa của hoa thiên điểu
Với vẻ đẹp lộng lẫy và sự tích ra đời đặc biệt trên, hoa thiên điều từ lâu được coi là biểu tượng của sự thủy chung trong tình yêu. Nó giống như lời hứa hẹn mãi mãi bên nhau của các cặp đôi.
Hoa thiên điểu còn được coi là biểu tượng của sự trung thành, mạnh mẽ và bền vững trong tình yêu. Cánh hoa trông giống như đôi cánh chim mạnh mẽ, vững chãi, mang ý nghĩa cho sự kiên trì vượt qua mọi thách thức. Màu sắc tươi sáng của hoa thể hiện tình yêu sâu đậm và ấm áp.
Do đó, loại hoa này thường xuất hiện trong các lễ cưới hoặc là món quà ý nghĩa dành cho các đôi yêu nhau. Nhiều người thích cắm hoa thiên điểu trong nhà để trang trí cho không gian sống.
Hoa thiên điều từ lâu được coi là biểu tượng của sự thủy chung trong tình yêu (Ảnh: shop hoa)
Vì sao không nên cắm hoa thiên điểu trong nhà?
Thiên điểu là loài hoa chứa độc tố. Báo Thể thao Văn hóa từng dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết: "Hoa và hạt của cây có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, bỏng rát lưỡi và nếu đứng lâu ngửi hoa sẽ gây cảm giác khó chịu".
Do đó, nếu không gian nhà bạn không đủ rộng rãi, thoáng đãng, bạn không nên cắm hoa thiên điểu, càng không nên cắm cả lọ lớn có nhiều hoa thiên điểu. Trong các trường hợp khác, nên cân nhắc và thận trọng khi cắm loại hoa này trong nhà.
Đặc biệt, bác sỹ Huỳnh Tấn Vũ lưu ý không nên ngửi hoa thiên điểu, không đứng gần hoa lâu, đặc biệt cần tránh để trẻ nhỏ lại gần, tiếp xúc với hoa.
Cách tách hoa để thiên điểu nở đẹp
Muốn những bông hoa thiên điểu nở đẹp, bạn cần phải biết tới kỹ thuật tách hoa. Với những bông hoa chưa nở, đầu tiên bạn sử dụng 2 ngón tay cái để tách phần mép bẹ ra rồi nhẹ nhàng đẩy phần bông hoa lên.
Nếu không cần gấp, sau khi tách mép bẹ, bạn có thể để hoa qua đêm, sáng hôm sau, hoa sẽ nở đẹp. Còn nếu muốn hoa nở nhanh, bạn có thể dùng tay để tách cánh hoa ra.
Với những bông hoa đã nở một phần, bạn chỉ cần đẩy những phần còn lại của cánh hoa lên.
Lan Phương
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/vi-sao-hoa-thien-dieu-dep-nhung-khong-nen-cam-trong-nha-ar926629.html