Vì sao huyện Phú Bình được chọn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024?

Vì sao huyện Phú Bình được chọn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024?
6 giờ trướcBài gốc
Với những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã trở thành địa phương đầu tiên trong vùng trung du và miền núi phía Bắc được Hội đồng thẩm định Trung ương thống nhất trìnhThủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao với nhiều đổi thay về hạ tầng, đời sống và cảnh quan nông thôn.
Đây là bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương trong hơn một thập kỷ xây dựng nông thôn mới.
Đường Vành đai V kết nối với trung tâm huyện Phú Bình mở ra nhiều cơ mới cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của huyện.
Nổi bật về hạ tầng giao thông
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo Phú Bình đã có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là về hệ thống giao thông nông thôn. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp trên 139km đường giao thông, với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.
Đến nay, 98,43% tổng chiều dài đường toàn huyện đã được cứng hóa, tăng hơn 1.000km so với năm 2011. Đáng chú ý, 100% đường huyện đã được trồng cây xanh, lắp đèn chiếu sáng, biển báo, camera giám sát...
Hiện nay, toàn huyện có gần 1.300km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; đường xã, trục xã đạt gần 98%; trục xóm, ngõ xóm đạt trên 93%; đường nội đồng cứng hóa đạt 85%.
Những tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp ngay từ những làng quê tạo nét đặc trưng riêng.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại không chỉ tạo nên diện mạo nông thôn mới khang trang, mà còn tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản và kết nối sản xuất với thị trường.
Chủ tịch UBND xã Dương Thành, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ: "Là xã thuần nông, xa trung tâm huyện, việc được đầu tư giao thông đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt địa phương, kết nối sản xuất và khu dân cư, tạo động lực chính để phát triển kinh tế toàn diện".
Điển hình như tuyến đường nối xã Dương Thành với các trục tỉnh lộ, mở ra kết nối vùng sản xuất nông nghiệp với khu vực lân cận. Từ đó, người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.
Ông Dương Xuân Trường, Giám đốc HTX Ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành) cho biết: "Trước kia đường xấu, sản phẩm của HTX khó tiêu thụ. Nay giao thông thuận lợi, hàng hóa dễ tiếp cận thị trường, chi phí giảm, sức cạnh tranh tăng. HTX đang hướng tới mở rộng mô hình, kết hợp du lịch trải nghiệm với chăn nuôi ngựa".
Giai đoạn 2021-2024, tổng nguồn lực huy động cho chương trình NTM nâng cao tại Phú Bình đạt gần 3.000 tỷ đồng, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng góp gần 170 tỷ đồng. Việc lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đã giúp địa phương hoàn thành hàng trăm công trình giao thông nông thôn: từ đường trục chính đến cầu dân sinh, kênh mương nội đồng, góp phần hiện đại hóa bộ mặt nông thôn.
Nhờ phát triển kinh tế, nhiều ngôi nhà đẹp, khang trang được xây mới tạo nên điểm nhấn cho các vùng nông thôn.
Đời sống nhân dân không ngừng nâng cao
Cùng với đầu tư hạ tầng, huyện Phú Bình đặc biệt chú trọng cải thiện đời sống người dân. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của 19/19 xã đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên; xã cao nhất đạt 82,35 triệu đồng/người/năm, toàn huyện đạt bình quân 65 triệu đồng/người/năm, tăng 15,15% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; 100% hộ dân được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 94,57%; toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Hoàng Văn Tuấn, xã Thanh Ninh, người đã hiến hơn 200m² đất để mở rộng đường nông thôn chia sẻ: "Trước đây muốn mua gì cũng phải lên trung tâm xã, giờ ra đến cổng đã có cửa hàng. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần thay đổi hoàn toàn nhờ phong trào nông thôn mới".
Tại xã Tân Khánh, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Võ cho biết: "Trước đây người dân chủ yếu trồng lúa, nay đã chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, chế biến nông sản… Nhờ đó thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, cuộc sống ổn định hơn".
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Bình, ông Phùng Văn Xuyên cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống người dân, huyện đã quy hoạch 21 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển 40 sản phẩm chủ lực (trong đó có 33 sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, 35 sản phẩm OCOP, 1 sản phẩm đạt 4 sao). Ngoài ra, địa phương cũng duy trì 9 làng nghề truyền thống, phát triển gắn với bảo vệ môi trường.
Phú Bình cũng là điểm sáng trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quảng bá nông sản, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu địa phương.
Sản phẩm gà đồi Phú Bình nổi tiếng cả nước.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú (xã Tân Khánh), cho biết: "Nhờ chương trình xây dựng NTM nâng cao, HTX được thành lập, hiện có 10 hộ gia đình tham gia, thu nhập ổn định từ 7–10 triệu đồng/tháng. HTX góp phần tạo việc làm và nâng cao giá trị nông sản".
Cùng với phát triển kinh tế, phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu được người dân tích cực hưởng ứng. Các địa phương chú trọng xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 100%; hơn 94% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ông Lê Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao không chỉ là làm đường, làm nhà văn hóa mà là nâng chất toàn diện từ sản xuất đến đời sống, văn hóa, môi trường. Kết quả này là sự đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò chủ thể của người dân, lấy nâng cao thu nhập làm trọng tâm, phát triển hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường sống và lan tỏa giá trị văn hóa, hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại".
Một góc xã nông thôn mới nâng cao Dương Thành nhìn từ trên cao.
Việt Hoan
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/vi-sao-huyen-phu-binh-duoc-chon-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-nam-2024-192250516145437233.htm