Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tại Điện Kremlin. (Ảnh: TASS)
Mối quan hệ xoay quanh dầu mỏ
Suốt nhiều thập kỷ, Iran duy trì quan hệ kinh tế và chiến lược với Nga và Trung Quốc, chủ yếu dựa vào các thỏa thuận dầu mỏ và hợp tác quân sự theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, hiện nay, mối quan hệ này đang bị giới hạn, do phần lớn các giao dịch dầu mỏ của Iran đều nằm trong diện bị trừng phạt.
Nga và Trung Quốc tuy hưởng lợi khi mua dầu giá rẻ từ Iran, nhưng cả hai không muốn ảnh hưởng đến quan hệ với các nước khác ở Trung Đông khi công khai đứng về phía Tehran - điều đã thể hiện rõ trong những căng thẳng gần đây liên quan đến Iran.
Nga dè chừng khi tiếp cận Iran
Nga - hiện đang vướng vào nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là ở Đông Âu - tỏ ra rất thận trọng trong quan hệ với Iran. Theo bà Maria Snegovaya thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Moscow cố tránh dính líu trực tiếp vào các xung đột liên quan đến Iran, để giữ quan hệ tốt với những nước như Ả Rập Xê-út, hay Israel.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng ở Trung Đông khiến giá dầu tăng, vô tình mang lại lợi ích cho Nga, giúp bù đắp phần nào thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu để cân đối ngân sách, Nga buộc phải hành xử thận trọng khi có biến động liên quan đến Iran.
Trung Quốc: Không tiến quá xa
Về phía Trung Quốc, thái độ cũng khá tương đồng nhưng với lý do khác. Theo chuyên gia Brian Hart (CSIS), Bắc Kinh - dù là đối tác thương mại lớn của Tehran - cũng không quá lo lắng nếu Iran yếu đi một chút, bởi điều đó giúp họ có lợi thế hơn khi đàm phán giá dầu.
Tuy nhiên, Iran không phải đối tác quan trọng so với các nước vùng Vịnh như Ả Rập Xê-út - nơi có kim ngạch thương mại với Trung Quốc cao hơn nhiều. Vì vậy, Trung Quốc cũng không có nhiều lý do để can thiệp sâu vào các khủng hoảng mà Iran đang đối mặt.
Triều Tiên - yếu tố mới trong thế cờ khu vực
Một nhân tố mới đang nổi lên và có thể làm thay đổi thế cân bằng mong manh trong khu vực là Triều Tiên. Theo ông Victor Cha - chuyên gia về địa chính trị tại CSIS - nước này có thể đóng vai trò hỗ trợ Iran tái khởi động chương trình hạt nhân, dựa trên mối quan hệ gần đây với Nga. Moscow dường như không ngăn cản khả năng hợp tác này, tạo điều kiện để Triều Tiên hành động linh hoạt hơn. Điều này có thể làm tình hình xung quanh Iran thêm phức tạp cả về địa chính trị lẫn kinh tế.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy Iran đang bị giới hạn rõ rệt trong việc xây dựng liên minh chiến lược. Quan hệ với Nga, Trung Quốc - và có thể là cả Triều Tiên - đều bị chi phối bởi lợi ích riêng và sự tính toán địa chính trị, khiến Iran khó có được sự hỗ trợ thật sự ổn định và lâu dài, trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức khu vực.
Nh.Thạch
AFP