Vì sao Israel oanh tạc dữ dội Syria - quốc gia thù địch với Iran?

Vì sao Israel oanh tạc dữ dội Syria - quốc gia thù địch với Iran?
15 giờ trướcBài gốc
Israel can thiệp khi nổ ra đụng độ giữa chính phủ Syria và người Druze
Quân đội Syria tiến vào thành trì cộng đồng người Druze ở miền Nam Syria hôm 15/7/2025. Động thái này làm dấy lên nỗi sợ họ sẽ tấn công các nhóm thiểu số, từ đó thúc đẩy Israel tấn công vào lực lượng của chính phủ Syria hiện nay.
Khói lửa đụng độ gần Suwayda, Syria hôm 15/7. Ảnh: CNN.
Đụng độ đã nổ ra cuối tuần qua giữa lực lượng Druze và các bộ lạc Bedouin ở thành phố Suwayda, miền Nam Syria khiến 30 người chết và hàng chục người khác bị thương. Chính phủ Syria đã can thiệp, với kết quả là 18 binh sĩ tử vong.
Các lực lượng Hồi giáo đồng minh của chính quyền Syria đã tham gia trận chiến này, khiến cộng đồng Druze lo ngại.
Israel cam kết bảo vệ cộng đồng Druze ở Syria. Họ đã mở loạt tấn công mới vào các lực lượng chính phủ Syria tiến về thành phố Suwayda, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tấn công để bảo vệ cộng đồng này. Quân đội Israel cho biết họ đã đánh vào “các xe quân sự thuộc về lực lượng của chế độ Syria ở khu vực Suwayda, miền Nam Syria”.
Bộ Ngoại giao Syria ra thông báo lên án các cuộc tấn công của Israel, gọi đây là “sự vi phạm chủ quyền Cộng hòa Arab Syria” và “can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền”.
Lý do Israel giúp đỡ cộng đồng Druze
Hôm 15/7, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel “cam kết ngăn ngừa những điều có hại cho cộng đồng Druze ở Syria do liên minh huynh đệ sâu sắc với các công dân Druze ở Israel cũng như các mối liên hệ thân thuộc và lịch sử của họ với người Druze ở Syria”.
Khoảng 130.000 người Druze Israel sống ở các khu vực Carmel và Galilee, miền Bắc Israel. Trái với các cộng đồng thiểu số khác bên trong lãnh thổ Israel, nam giới Druze trên 18 tuổi đã được gọi nhập ngũ kể từ năm 1957 và thường lên các vị trí cấp cao. Ngoài ra, có nhiều người Druze gây dựng sự nghiệp trong ngành cảnh sát và an ninh của Israel.
Chính phủ Israel cũng đã đơn phương tuyên bố một vùng phi quân sự ở Syria, “cấm đưa quân và vũ khí vào miền Nam Syria”, theo Văn phòng Thủ tướng Israel.
Chính phủ Syria đã bác bỏ tuyên bố của Israel về vùng phi quân sự, đồng thời liên tục kêu gọi Israel ngừng hoạt động quân sự vi phạm chủ quyền của nước này.
E ngại các nhóm cực đoan dọc biên giới, Israel đã lựa chọn cách tiếp cận đối đầu với Tổng thống Syria al-Sharaa, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump cố hàn gắn quan hệ giữa Syria và Israel cũng như mở rộng việc bình thường hóa quan hệ với Israel tại Trung Đông.
Mối quan hệ giữa Druze và Israel
Druze là nhóm Arab khoảng một triệu người , chủ yếu sống ở Syria, Lebanon và Israel. Người Druze chiếm đa số tại tỉnh Suwayda, miền Nam Syria, nơi cộng đồng này đôi lúc bị kẹt giữa lực lượng của chế độ Assad trước đây và các nhóm cực đoan trong 10 năm Nội chiến Syria.
Tộc Druze bắt nguồn từ Ai Cập vào thế kỷ 11. Nhóm dân này thực hành một nhánh của đạo Hồi không cho phép cải đạo (sang đạo khác hoặc ra khỏi Hồi giáo) và không cho phép kết hôn với người bên ngoài.
Tại Syria, cộng đồng Druze tập trung quanh 3 tỉnh chính gần với Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát ở miền Nam nước này.
Hơn 20.000 người Druze sống tại Cao nguyên Golan - một cao nguyên chiến lược mà Israel đã giành từ tay Syria trong cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967, trước khi chính thức sáp nhập khu vực này vào năm 1981. Người Druze tại đây chung lãnh thổ với khoảng 25.000 người định cư Do Thái trên hơn 30 khu định cư.
Phần lớn người Druze sống ở Golan tự coi mình là người Syria và phản đối nhận quốc tịch Israel khi Israel chiếm vùng này. Những ai từ chối nhập quốc tịch Israel đã được trao thẻ cư trú Israel nhưng không được coi là công dân Israel.
Nguyên nhân lực lượng Syria đụng độ với người Druze
Sau khi chính quyền Tổng thống Syria Assad bị lật đổ, tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa cam kết một chính phủ có tính bao trùm và bảo vệ tất cả các cộng đồng đa dạng của Syria. Tuy nhiên, các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan trung thành với ông al-Sharaa vẫn tiếp tục bạo lực với các nhóm tôn giáo thiểu số.
Hồi tháng 3, hàng trăm người tử vong trong một cuộc trấn áp đối với tộc Alawite (của cựu Tổng thống Assad) tại thành phố Latakia (miền Tây Syria). Hồi tháng 4, đụng độ nổ ra giữa các lực lượng vũ trang thân chính phủ và các dân quân Druze, khiến ít nhất 100 người chết.
Một trong những vấn đề chính gây căng thẳng quan hệ giữa tân chính phủ Syria và cộng đồng Druze là việc giải giáp các dân quân Druze và ép họ hội nhập. Tân Tổng thống Syria al-Sharaa tìm cách đưa các phái vũ trang vào một quân đội thống nhất nhưng đã không thể đạt được thỏa thuận với cộng đồng Druze - những người kiên quyết muốn giữ lại vũ khí và lực lượng dân quân độc lập.
Cộng đồng Druze vẫn cảnh giác với Tổng thống al-Sharaa - một thủ lĩnh Hồi giáo có quá khứ thánh chiến. Cộng đồng này bày tỏ quan ngại về việc một số thủ lĩnh của họ bị loại khỏi tiến trình đối thoại quốc gia của al-Sharaa, cũng như về việc họ có mức độ đại diện thấp trong chính phủ mới, hiện mới chỉ gồm 1 bộ trưởng thuộc phái Druze.
Quan hệ Israel - Syria liệu có được cải thiện?
Mối quan hệ giữa Israel và Syria rất chằng chéo, phức tạp. Kể từ khi chính quyền Assad sụp đổ tại Syria vào tháng 12/2024, Israel đã vừa kiểm soát thêm lãnh thổ Syria vừa liên tục tấn công vào đây, với mục đích được họ tuyên bố là ngăn ngừa sự hồi sinh của những năng lực quân sự có thể đe dọa an ninh của Israel.
Dù tấn công liên tục vào lãnh thổ Syria, Israel vẫn tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp và gián tiếp với chính phủ mới tại Syria.
Israel tiếp tục tấn công Syria dù Mỹ hối thúc Israel bình thường hóa quan hệ với Syria lúc này nằm dưới sự kiểm soát của một chính quyền mới. Mỹ mong muốn Syria sẽ ký vào Hiệp định Abraham - một chuỗi các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước Arab.
Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng “chiến thắng của Israel” trong xung đột với Iran mở đường cho “việc mở rộng đáng kể các thỏa thuận hòa bình với các nước trong khu vực”.
Thủ tướng Israel Netanyahu trước đó coi chính phủ Damascus là một “chế độ Hồi giáo cực đoan” và là mối đe dọa với Nhà nước Israel. Hồi tháng 5, một quan chức Israel cho biết Thủ tướng Israel đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Trump không gỡ lệnh trừng phạt lên Syria do ông sợ rằng việc này có thể dẫn tới sự tái diễn thảm kịch ngày 7/10/2023, khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ho-so/vi-sao-israel-oanh-tac-du-doi-syria-quoc-gia-thu-dich-voi-iran-post1215166.vov