Vì sao không nên đổ xăng đầy bình trong mùa hè?

Vì sao không nên đổ xăng đầy bình trong mùa hè?
6 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ tràn xăng, gây lãng phí và nguy hiểm
Dù các cây xăng hiện đại đều trang bị cảm biến tự ngắt khi đổ xăng bình gần đầy, song hệ thống này không hoàn toàn chính xác, nhất là khi tốc độ bơm cao. Việc cố gắng “đổ thêm” sau khi cò bơm ngắt có thể khiến xăng tràn ra ngoài, gây lãng phí và tăng nguy cơ cháy nổ.
Một số vòi bơm còn có cơ chế hút ngược phần xăng dư, khiến người dùng có thể trả tiền cho lượng nhiên liệu không thực sự đi vào bình.
Mùi xăng khó chịu, tiềm ẩn cháy nổ
Vào mùa hè, nhiệt độ cao khiến xăng giãn nở mạnh. Nếu bình xăng không kín, nhiên liệu có thể rò rỉ khi xe di chuyển trên địa hình gồ ghề. Mùi xăng lan tỏa trong cabin không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người ngồi trong xe. Nghiêm trọng hơn, xăng tràn có thể tiếp xúc với những bộ phận có nhiệt độ cao như ống xả, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ.
Nhiều tài xế có thói quen yêu cầu đổ đầy bình xăng với kỳ vọng xe vận hành hiệu quả hơn và tiết kiệm thời gian tiếp nhiên liệu
Làm tăng trọng lượng xe, tiêu tốn nhiên liệu
Với bình xăng có dung tích khoảng 50–60 lít, việc đổ đầy tương đương việc "chở thêm" một người lớn. Trọng lượng tăng lên khiến động cơ làm việc vất vả hơn, ảnh hưởng đến khả năng tăng tốc và khiến xe tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, đặc biệt khi di chuyển đường dài.
Ảnh hưởng đến độ ổn định khi vào cua
Lượng xăng lớn trong bình có thể dao động mạnh dưới tác động của lực ly tâm khi xe vào cua hoặc phanh gấp. Điều này gây cảm giác xe thiếu ổn định, đặc biệt nguy hiểm khi điều khiển xe ở tốc độ cao trên những cung đường đèo dốc.
Gây lỗi hệ thống khí thải, bật đèn "Check Engine"
Xăng đầy miệng khi gặp nhiệt độ cao có thể tạo áp suất lớn trong bình chứa, vượt quá khả năng chịu đựng của hệ thống. Hệ quả là bầu lọc than hoạt tính bộ phận kiểm soát khí thải bị quá tải, dẫn đến lỗi hệ thống đốt nhiên liệu. Đèn “Check Engine” sẽ bật sáng, yêu cầu kiểm tra kỹ thuật và có thể tốn kém chi phí sửa chữa.
Theo khuyến cáo, người dùng nên duy trì mức nhiên liệu ở khoảng 70–90% dung tích bình, tránh đổ "ngập miệng". Điều này giúp xe vận hành ổn định, an toàn và tránh các sự cố không mong muốn.
Tuy nhiên, cũng không nên để bình xăng cạn kiệt mới tiếp nhiên liệu. Các xe hiện đại sử dụng bơm xăng ngâm trong bình, làm mát bằng chính lượng nhiên liệu bên trong. Việc để mức xăng quá thấp có thể khiến bơm bị quá nhiệt, dẫn đến hư hỏng. Ngoài ra, xăng cạn dễ kéo theo cặn bẩn dưới đáy bình, ảnh hưởng đến bộ lọc và động cơ.
Hà Nguyễn
Nguồn Cartimes : http://cartimes.tapchicongthuong.vn/vi-sao-khong-nen-do-xang-day-binh-trong-mua-he-17331.htm