Vì sao khu định canh, định cư hơn 70 tỷ đồng bỏ hoang?

Vì sao khu định canh, định cư hơn 70 tỷ đồng bỏ hoang?
5 giờ trướcBài gốc
Ea Yiêng là xã vùng III, đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), toàn xã có 1.400 hộ, trên 7.000 khẩu. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào Xơ Đăng; đời sống bà con phụ thuộc vào trồng lúa nước và đi làm thuê nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho đầu tư xây dựng khu định canh, định cư tại xã Ea Yiêng với diện tích 47ha, tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng, nhằm cấp đất ở và đất sản xuất cho 148 hộ dân ở buôn Kon Tây, Cư Drang, Kon H’rinh, Ea Mao và buôn Wang xã Ea Yiêng. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Krông Pắc làm chủ đầu tư.
Khu định canh, định cư 47ha tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc. Ảnh: Thanh Nga
Theo thiết kế mỗi hộ dân sẽ được cấp 200m2 đất ở và 600m2 đất canh tác. Cùng với đó, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông (nền, móng, mặt đường, hệ thống nước), Công trình điện (trạm biến áp, đường dây trung, hạ áp), công trình phúc lợi công cộng (phân hiệu trường mầm non, trụ sở thôn), công trình nước sinh hoạt.
Dự án bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2019 đến năm 2023 đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng. Thế nhưng đến nay, khu tái định canh, định cư vẫn chưa có ai đến ở. Trong khi các hạng mục đầu tư như các lớp học, nhà văn hóa cộng đồng… đã có dấu hiệu xuống cấp.
Ông Trần Văn Long - Chủ tịch UBND xã Ea Yiêngcho biết: “Dự án có 2 lần bàn giao nhưng chúng tôi không nhận vì công trình đã hoàn thiện nhưng một số hạng mục chưa đảm bảo an toàn: nhiều ô cửa kính của trường học và nhà sinh hoạt cộng đồng bị vỡ; Taluy dương tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mất an toàn; Taluy âm bên dưới không có bờ kè phía dưới nên đã sạt lở gần như toàn bộ; việc cắm mốc phân lô chưa được thực hiện.
Cuối năm 2024 có ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên bắt buộc xã phải nhận để quyết toán công trình, trong quá trình nhận bàn giao UBND xã đã yêu cầu chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án huyện Krông Pắc), xây dựng cam kết khắc phục, sửa chữa các hạng mục chưa đảm bảo trước khi bàn giao cho người dân sử dụng. Trong quá trình sử dụng sau này nếu các hạng mục công trình bị xuống cấp hư hỏng thì chủ đầu tư và bên thi công phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Long, một vướng mắc nữa là các Quyết định phê duyệt đối tượng thụ hưởng đang chồng chéo nhau. Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Krông Pắc, UBND xã đã rà soát số hộ dân đủ điều kiện ra ở tại dự án này là 148 hộ,740 khẩu theo Nghị định 47, ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên theo Công văn số 530 ngày 12/2/2025 của huyện Krông Pắc thì việc bố trí hộ dân đến ở tại dự án này lại dựa theo Quyết định 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (tức là đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo). Do đó danh sách được phê duyệt thống kê trước đó đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo, số hộ đủ điều kiện đến ở tại dự án này hiện chỉ còn 10 hộ.
Còn ông Tháng (Buôn trưởng buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng) cho biết, trong buôn hiện có 44 hộ đang thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng lại không thuộc hộ nghèo, vì vậy đề nghị cấp trên quan tâm mở rộng đối tượng thụ hưởng cho các hộ đồng bào DTTS mới lập gia đình đang thiếu đất ở, đất sản xuất được cấp đất tại dự án này, tránh tình trạng dự án hàng chục tỷ đồng xây xong bỏ hoang, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho hay, huyện đang đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm giải quyết để người dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Thanh Nga
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/vi-sao-khu-dinh-canh-dinh-cu-hon-70-ty-dong-bo-hoang-10306000.html