Vì sao kinh tế hộ không muốn lớn lên?

Vì sao kinh tế hộ không muốn lớn lên?
một ngày trướcBài gốc
Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trao đổi với Tuần Việt Nam về những giải pháp để khu vực hộ kinh doanh cá thể lớn mạnh theo chủ trương khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất.
Khu vực lớn nhất, èo uột nhất
Thưa ông, khu vực kinh tế cá thể ở Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP, nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức. Ông có thể cho biết ý kiến về khu vực này trong bối cảnh Đảng đang chủ trương đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất?
TS Lê Duy Bình: Khu vực kinh tế cá thể hiện đang đóng góp khoảng 30% GDP hằng năm, tức là chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP. Cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đã đăng ký, có mã số thuế, trong khi phần lớn còn lại (3,3 triệu hộ) vẫn chưa đăng ký.
Số 1,7 triệu hộ kinh doanh có đăng ký chỉ đóng góp khoảng 1,6% tổng thu ngân sách nhà nước. Bình quân, mỗi hộ kinh doanh đóng thuế 2,7 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, khu vực này đang tạo ra gần 8,5 triệu việc làm, chiếm 37% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp, cao hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (37%), doanh nghiệp FDI (22%) và vượt xa so với doanh nghiệp nhà nước (4,3%).
Bình quân, cứ gần 20 người dân thì có một hộ kinh doanh. Nói cách khác, cứ khoảng 20 người Việt Nam thì có một người khởi nghiệp và kiếm sống bằng hình thức hộ kinh doanh. Điều này cho thấy mô hình hộ kinh doanh phổ biến đến mức nào đối với người dân Việt Nam.
Những số liệu trên cho thấy số lượng hộ kinh doanh đã gia tăng mạnh mẽ, với mật độ hộ kinh doanh trên dân số vượt trội so với mô hình doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm cho người lao động, vượt xa so với các khu vực doanh nghiệp khác. Họ chính là tấm lưới an sinh xã hội quan trọng nhất.
TS Lê Duy Bình: Các quy định pháp luật hiện hành đang là gánh nặng, khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp chính thức.
Ông nhận xét gì về quy mô và sức chống chịu của khu vực kinh tế này?
Khoảng 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung chủ yếu ở các ngành nghề bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; và dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Trong khi đó, ở các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng - bảo hiểm, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tỷ lệ hộ kinh doanh chiếm không đáng kể, chỉ khoảng 0,2% - 0,3%. Những lĩnh vực này đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, cùng với nguồn vốn và cách thức quản lý tốt mà các hộ kinh doanh chưa thể đáp ứng được.
Không muốn lớn lên vì quá nhiều rào cản
Có nhiều chính sách, nhất là trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp lên thành doanh nghiệp. Bức tranh chuyển đổi như thế nào, thưa ông?
Tôi không có số liệu thống kê cụ thể. Tuy nhiên, một số khảo sát cho thấy số hộ kinh doanh nâng cấp lên doanh nghiệp là không đáng kể.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước chỉ có 1.875 doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Trong một nghiên cứu khác do Economica Vietnam phối hợp với Cục Thống kê của một số tỉnh thực hiện, số lượng hộ kinh doanh cho biết “có ý định” chuyển đổi lên doanh nghiệp là vô cùng thấp, chỉ khoảng 0,8% ở Hòa Bình, 0,8% ở Lào Cai và 0,4% ở Sóc Trăng. Thậm chí, trong số 1.000 hộ kinh doanh được khảo sát tại An Giang, không có hộ nào bày tỏ ý định chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Vì sao họ không muốn nâng cấp lên doanh nghiệp, thưa ông?
Họ không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong hệ thống pháp luật hiện hành, vốn chỉ ưu đãi cho các doanh nghiệp đăng ký chính thức.
Bên cạnh đó, các thủ tục đăng ký doanh nghiệp chính thức quá khắt khe, bao gồm cả chi phí thời gian và công sức đi lại, nên họ rất e ngại.
Các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp vì phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ, như quy trình bán, cho thuê tài sản và thủ tục phá sản. Do đó, chi phí tuân thủ bị xem là quá tốn kém.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định thuế khoán rất phù hợp với hộ kinh doanh. Ngoài ra, các yêu cầu về chế độ kế toán và báo cáo thuế cũng ít khắt khe hơn, giúp việc tuân thủ trở nên dễ dàng. Khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, họ không còn được hưởng những lợi thế này.
Các quy định phức tạp trong Luật Doanh nghiệp và các luật khác khiến chi phí tuân thủ của hộ kinh doanh khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp tư nhân trở nên quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng của họ.
Một khảo sát của chúng tôi đối với các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cho thấy: 60% cho biết họ phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật, thủ tục hành chính và chế độ kế toán phức tạp sau khi đăng ký thành doanh nghiệp; 22% phản ánh rằng họ phải đóng thêm nhiều loại thuế và không còn được áp dụng hình thức thỏa thuận thuế như hộ kinh doanh; và 38% không nhận thấy bất kỳ lợi ích nào từ việc chuyển đổi.
Tóm lại, các quy định pháp luật hiện hành đang là gánh nặng, khiến họ không muốn chuyển thành doanh nghiệp chính thức.
Ông nghĩ sao nếu các hộ kinh doanh này nâng cấp lên doanh nghiệp tới đây, nếu họ được hưởng các khuyến khích về miễn thuế và các ưu đãi khác, như nhiều người đề nghị?
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn tồn tại sau 5 năm cao gấp đôi mức trung bình chung của toàn bộ các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Sau 5 năm, vẫn còn tới 97% các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp vẫn đang tồn tại, hoạt động. Đây là điểm sáng so với tỷ lệ hoạt động trung bình là 52% của tất cả các doanh nghiệp, công ty đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.
Sức sống mãnh liệt của các hộ kinh doanh và thực tế hiện vẫn là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp mới khởi sự kinh doanh cần được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc kỹ lưỡng khi thực hiện cải cách pháp lý về kinh doanh.
Trong số 1,7 triệu hộ có đăng ký mã số thuế, nếu chuyển đổi được 500.000 hộ lên thành doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ có gần 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân, đạt mục tiêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017.
Đột phá của đột phá cho kinh tế tư nhân
Nhiều người cho rằng khu vực kinh tế này đang nằm “ngoài vòng pháp luật”. Ông nghĩ sao về nhận xét đó?
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, ngoại trừ Nghị định 01/2021/NĐ-CP chỉ đưa ra quy định về đăng ký hộ kinh doanh, không có văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ ràng về hộ kinh doanh hoặc xác định bản chất địa vị pháp lý của loại hình này. Do vậy, mặc dù có thể đăng ký kinh doanh, nhưng địa vị pháp lý của hộ kinh doanh vẫn không rõ ràng.
Hơn nữa, theo quy định trong Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh không có tài sản riêng về mặt pháp lý; tài sản của cá nhân và các thành viên gia đình thành lập hộ kinh doanh không tách rời tài sản chung của hộ kinh doanh đó.
Khoảng 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; và dịch vụ lưu trú, ăn uống. Ảnh: Thạch Thảo
Chủ hộ kinh doanh, cá nhân và thành viên gia đình sở hữu hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ kinh doanh, tương tự như trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân. Nói cách khác, nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ, chủ hộ kinh doanh phải dùng chính tài sản cá nhân của mình để hoàn thành nghĩa vụ tài chính phát sinh.
Các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, không xác định rõ ràng hộ kinh doanh là thể nhân hay pháp nhân. Đây thực sự là mấu chốt của vấn đề. Điều này có nghĩa là những cải cách pháp lý trong tương lai liên quan đến hộ kinh doanh nên bắt đầu bằng việc đưa ra câu trả lời rõ ràng và triệt để về cách xác định địa vị pháp lý của loại hình kinh doanh này.
Vậy theo ông nên cải cách pháp luật như thế nào để tạo hành lang cho khu vực chiếm tới 30% GDP này hoạt động lành mạnh?
Tôi cho rằng cần ưu tiên ngay việc xây dựng khung khổ pháp lý để xác lập địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh. Khung khổ đó cần rõ ràng, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, làm nền tảng cho các cải cách cũng như sự phát triển bền vững của hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh và hoạt động kinh doanh cá thể, hiện đang đóng góp tới 30% GDP của cả nước.
Các quy định pháp luật về hộ kinh doanh cũng nên hướng đến các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp do cá nhân làm chủ và các loại hình doanh nghiệp cá thể khác, vốn đang phát triển mạnh và ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Việc xây dựng một khung khổ pháp lý riêng về kinh doanh cá thể (sole proprietorship), tách biệt với khung khổ pháp lý về pháp nhân kinh doanh, sẽ giúp giải quyết bài toán về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, cũng như của các cá nhân kinh doanh và các thực thể kinh doanh do cá nhân làm chủ khác, vốn đang ngày càng gia tăng và phổ biến trong nền kinh tế.
Giải pháp tối ưu nhất là cải cách các quy định hiện nay đối với hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện đang quy định trong Luật Doanh nghiệp thành hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, gọi đúng tên của loại hình doanh nghiệp này đồng thời bình dân hóa loại hình doanh nghiệp này, giảm bớt các quy định và các chi phí tuân thủ đối với hình thức doanh nghiệp cá thể, phân quyền để cho phép các doanh nghiệp cá thể được đăng ký tại cấp xã (cùng với những cải cách thể chế về bộ máy chính quyền cấp huyện đang diễn ra hiện nay).
Nhờ đó, các nội dung như đăng ký kinh doanh, yêu cầu về tổ chức, quản trị công ty, quản trị doanh nghiệp, kế toán, bảo hiểm xã hội, chế độ báo cáo, thuế sẽ được thiết kế riêng phù hợp với hình thức kinh doanh cá thể, doanh nghiệp một chủ. Chi phí tuân thủ quy định pháp luật, thuế áp dụng đối với hình thức doanh nghiệp cá thể theo quy định mới sẽ giảm mạnh so với hình thức doanh nghiệp tư nhân như hiện nay.
Một mặt tạo điều kiện tốt nhất để hình thức kinh doanh cá thể hoạt động về góc độ giảm thiểu chi phí tuân thủ, các quy định pháp luật, song cũng cần có những giới hạn, hạn chế và những quy định có tính không khuyến khích hộ kinh doanh duy trì mãi ở hình thức này. Khi đạt đến một quy mô nào đó, hoặc khi hoạt động trong một số ngành nghề nào đó, để chủ của các loại hình doanh nghiệp cá thể, kinh doanh cá thể này buộc phải cân nhắc, lựa chọn và tự quyết định để chuyển đổi thành hình thức pháp nhân kinh doanh như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…
Các quốc gia thuộc EU, OECD hay ở Đông Nam Á như Singapore, Malaysia đều dựa vào hình thức doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ để có số lượng doanh nghiệp đông đảo với tỷ lệ doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp chiếm hơn nửa, thậm chí 2/3 số lượng doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm tại các nền kinh tế này. Các nền kinh tế này có một khung khổ pháp lý phù hợp cho các doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ.
Trung Quốc mới đây cũng ban hành một khung khổ pháp lý riêng dành cho các doanh nghiệp một chủ và doanh nghiệp cá thể. Chúng ta cần tạo dựng một ngôi nhà với khung khổ pháp lý hấp dẫn, thuận tiện để hộ kinh doanh chuyển vào hơn là các biện pháp bắt buộc hay khiên cưỡng quy định hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp vốn là các nỗ lực không thành công trước đây.
Địa vị pháp lý rõ ràng và hiệu quả hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các chủ thể kinh doanh do cá nhân làm chủ. Những cải cách này, do đó, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Có như vậy, mới đảm bảo được tính khả thi để có thêm 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới.
Tư Giang
Lan Anh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/vi-sao-kinh-te-ho-khong-muon-lon-len-2386901.html