Vì sao lệnh ngừng bắn 72 giờ của Nga chưa đủ xoa dịu ông Trump?

Vì sao lệnh ngừng bắn 72 giờ của Nga chưa đủ xoa dịu ông Trump?
5 giờ trướcBài gốc
Lệnh ngừng bắn đi kèm điều kiện chấm dứt xung đột
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov ngày 28/4 đã nêu điều kiện bắt buộc để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Ông Lavrov đã yêu cầu cộng đồng quốc tế công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea và bốn khu vực khác mà nước này đã sáp nhập, đồng thời tuyên bố giữ nguyên lập trường của Điện Kremlin trong các cuộc đàm phán, vượt ra ngoài các đề xuất của Mỹ. Trước đó Mỹ đã đưa ra đề xuất hòa bình, trong đó chỉ có điều khoản công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea và ngăn cản Ukraine gia nhập NATO.
Ukraine nghi ngờ ý định của Nga khi Moscow ban bố lệnh ngừng bắn 72 giờ. Ảnh: Getty
"Việc công nhận Crimea, Sevastopol, Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia thuộc lãnh thổ Nga là điều bắt buộc. Tất cả các cam kết mà Kiev đảm nhận phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý, bao gồm các cơ chế thực thi và phải là vĩnh viễn", ông Lavrov nêu rõ.
Hôm 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov đã có cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio để thảo luận về "các bước tiếp theo" đàm phán hòa bình. Phát biểu với báo chí, ông cũng nhắc đến các điều kiện khác của Nga, trong đó có "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây và dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga.
Với phát biểu này, ông Lavrov dường như gửi tín hiệu cho thấy Nga sẽ khó chấp nhận điều khoản của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ áp dụng lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày với Ukraine, từ ngày 8 đến 10/5, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Phát biểu của ông Lavrov và thông báo ngừng bắn của Nga được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Trump hối thúc Nga và Ukraine và tiến tới một thỏa thuận để chấm dứt giao tranh. Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 28/4 cho biết, quốc gia này sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn hoàn toàn.
Chưa đủ “xoa dịu” ông Trump?
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump đã đưa ra lời lẽ chỉ trích gay gắt Tổng thống Putin, vì cho rằng Moscow quá chậm trễ trong việc xem xét đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết, ông Trump thất vọng với cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine: "Tổng thống Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời trong 72 giờ. Nhưng Tổng thống Trump nói rõ rằng ông ấy muốn thấy một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn trước".
Những nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm đẩy nhanh việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine cho đến nay vẫn chưa gặt hái được nhiều kết quả, mặc dù các bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, trong đó có cả các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Washington và Moscow kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào ngày 2/2022
"Mỹ nghiêm túc trong việc tạo điều kiện chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này", người người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết.
Trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump vẫn chưa thúc đẩy được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Việc đạt được một thỏa thuận hòa bình là điều khó khăn hơn nhiều so với dự đoán của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Trump đã rút lại những bình luận ban đầu của ông về việc nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm: "Tôi đã nói điều đó theo nghĩa bóng và nói như một sự cường điệu, chủ yếu để nêu rõ quan điểm", ông Trump nói với tạp chí Time vào tuần trước.
Trên thực tế, chính quyền ông Trump đã không lãng phí thời gian để khởi xướng các cuộc thảo luận với Nga, sau đó là với Ukraine, trong một nỗ lực làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn có thể dẫn đến những cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán này.
Tuần trước, ông Trump đã cảnh báo sẽ từ bỏ tiến trình đàm phán nếu các bên không có dấu hiệu thỏa hiệp. Hiện cả Nga và Ukraine vẫn cáo buộc nhau tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các mục tiêu của đối phương trong khi vẫn đàm phán riêng với Mỹ. Hy vọng khôi phục lãnh thổ trước xung đột của Ukraine đã bị “giáng đòn mạnh” vào tuần trước, khi Mỹ đề xuất Kiev có thể phải chấp nhận mất một số vùng lãnh thổ, chẳng hạn như Crimea, như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga rất nghiêm túc với thỏa thuận hòa bình:"Tổng thống Putin đã nhiều lần xác nhận thiện chí của Nga. Moscow không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để bắt đầu quá trình đàm phán với Ukraine về tiến trình hòa bình. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mọi nỗ lực”.
Ukraine chuẩn bị kế hoạch B
Tina Fordham, người sáng lập và chiến lược gia địa chính trị tại Fordham Global Foresight ở London lưu ý, dù những ngày tới có thể là giai đoạn "thành bại" cho hoạt động ngoại giao về xung đột Nga-Ukraine vẫn không có lý do gì để lạc quan về một giải pháp cho cuộc chiến.
"Xung đột rất dễ nổ ra nhưng việc chấm dứt xung đột là điều vô cùng khó khăn. Cả Nga và Ukraine đều nói với Tổng thống Trump rằng họ muốn hòa bình, bởi vì đó là điều ông Trump muốn nghe. Nhưng các bên đều đưa ra những điều kiện mà bên kia khó chấp nhận được", Fordham lưu ý.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau nếu Mỹ quyết định rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình. Nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ có thể ngừng viện trợ trực tiếp cho Ukraine song cho phép các quốc gia châu Âu chuyển giao thông tin tình báo và vũ khí quan trọng của Washington cho Kiev. Cũng không loại trừ khả năng chính quyền ông Trump cấm chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Ukraine, trong đó có các thành phần hoặc phần mềm Mỹ được sử dụng để sản xuất vũ khí của châu Âu.
Theo giới phân tích, trong trường hợp Mỹ chấm dứt viện trợ cho Ukraine thì điều này có thể tạo ra gánh nặng lớn cho châu Âu. Khả năng tiếp tục chiến đấu của Kiev sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của châu Âu trong việc huy động tiền bạc và vũ khí và lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại. Trong 4 tháng qua, Kiev không hề nhận được các lô hàng vũ khí mới của Mỹ.
Về phần mình, Kiev đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch B khi Mỹ rút khỏi tiến trình hòa bình. Nước này đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường sản xuất vũ khí, trong đó lựu pháo, tên lửa hành trình, súng cối và xe bọc thép chở quân, đặc biệt là máy bay không người lái. New York Times dẫn nhận định của các nhà phân tích quân sự cho rằng, Chương trình máy bay không người lái mở rộng “Drone Line” là kế hoạch “B” cho Ukraine trong trường hợp đàm phán chấm dứt xung đột thất bại. Nếu như trước kia, máy bay không người lái của Ukraine chỉ gây ra 1/3 số thiệt hại cho Nga thì hiện tại con số này lên đến 3/4.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Wall Street Journal
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-lenh-ngung-ban-72-gio-cua-nga-chua-du-xoa-diu-ong-trump-post1195926.vov