Vì sao lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn?

Vì sao lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn?
7 phút trướcBài gốc
Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn
Tại Tọa đàm "Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 22/10, TS Nguyễn Đại Trung, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho biết, nguyên nhân gây sạt lở đất, lũ bùn đá ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam trong thời gian qua rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các nguyên nhân khách quan như: địa hình, địa mạo, địa chất, kiến tạo, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, khí tượng, thủy văn... Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên gây sạt lở đất, lũ quét được xác định chủ yếu là do yếu tố khí tượng: mưa lớn, mưa dài ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan như các yếu tố kích hoạt sạt lở đất do con người ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như sử dụng đất trồng cây thay đổi thảm phủ thực vật, xây dựng các công trình, phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi làm đường, mở rộng đường, khai thác khoáng sản…
TS Nguyễn Đại Trung, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản
Theo TS Nguyễn Đại Trung, các thiên tai như sạt lở đất. lũ quét ngày càng xảy ra trên quy mô ngày càng lớn với tần suất ngày càng dày ở các khu vực miền núi, trung du Việt Nam do có nhiều yếu tố và tác động tự nhiên và nhân sinh. Địa hình xâm thực sâu theo các khe hẻm, vách núi ở miền núi tạo các sườn dốc lớn, kéo dài, là nơi hay xảy ra sạt lở đất, lũ bùn đá…; Hiện tượng thời tiết cực đoan gây mưa lớn, kéo dài ngày do biến đổi khí hậu gây bão (hiện tượng biến đổi En Nino sang La Nila) với tần suất lớn. Đồng thời điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều làm cho các đá dễ bị phong hóa vật lý chuyển từ trạng thái cứng sang vỡ vụn và phong hóa hóa học dễ bị hoàn tan, rửa lũa…
Điều kiện địa chất tác động tự nhiên: Đá của các hệ tầng, phức hệ… bị nứt nẻ, dập vỡ mạnh do đứt gãy (hoạt động kiến tạo) nhiều khoáng vật dễ bị phong hóa. Mưa lớn kéo dài ngày, không thoát kịp làm mực nước ngầm dâng cao làm đất mất độ gắn kết gây trượt lở đất, gây xói lở các hẻm vực, rãnh… và khi sạt lở đất xảy ra với lượng lớn không thoát kịp sẽ ngăn dòng, tích tụ bùn đá với khối lượng lớn sẽ tạo dòng lũ bùn đá. Bên cạnh các tác động của tự nhiên, các tác động nhân sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở miền núi và trung du Việt Nam bao gồm: Xây dựng các công trình giao thông, điện, trường, trạm, thủy điện, đập, hồ, khai thác khoáng sản, khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng, thay đổi địa hình tự nhiên và thảm phủ (trồng cây công nghiệp, nông nghiệp)...
Đầu tư cho công tác phòng ngừa thiên tai là then chốt
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, bài học quan trọng nhất trong công tác phòng, chống cũng như khắc phục hậu quả của thiên tai là đầu tư cho công tác phòng ngừa: "Hiện tại công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão có nhiều vấn đề có thể khắc phục. Hiện tại thiếu nguồn lực trong công tác phòng chống ứng phó với thiên tai. Theo tôi đầu tư cho công tác phòng ngừa mới là then chốt. Cần xác định rõ trong việc phân bổ nguồn lực để có hiệu quả nhất trong công tác, phòng chống ứng phó với thiên tai. Theo tôi, đầu tư cho dự báo sẽ có hiệu quả và tiết kiệm hơn so với khắc phục. Cụ thể đầu tư cho các thiết bị đo lường phòng ngừa quan trắc có số liệu để phân tích để dự đoán. Công tác thông tin tuyên truyền về các cơn bão lớn trong lịch sử cần được đề cao, nhắc nhở lại nhiều lần không phải là để khơi lại nỗi đau mà là để đứng dậy từ nỗi đau kèm theo đó là những bài học về công tác khắc phục, phục hồi như thế nào".
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
Thứ 2 phải khẳng định là công tác dự báo cảnh báo là công tác quan trọng. Cần nâng cao kỹ năng phân tích công tác dự báo cảnh báo thiên tai tại Việt Nam. Nhật Bản đề cao cảnh báo động đất và núi lửa lên hàng đầu coi đó là vấn đề “sinh tồn”. Nhưng tại Việt Nam chưa đặt thiên tai lên mức “sinh tồn” vì thế công tác thích ứng còn nhiều bất cập, chúng ta cần để nhìn nhận xuyên suốt và thấu đáo hơn để phòng tránh trong tương lai.
Thứ 3, thông tin truyền thông cũng là phương tiện tin cậy để lan tỏa, mặc dù công tác dự báo cảnh báo không thể đúng hoàn toàn nhưng cũng nên tích cực truyền thông để người dân chủ động hơn trong công tác phòng ngừa. Công tác thông tin tuyên truyền về các cơn bão lớn trong lịch sử cần được đề cao, nhắc nhở lại nhiều lần không phải là để khơi lại nỗi đau mà là để đứng dậy từ nỗi đau kèm theo đó là những bài học về công tác khắc phục, phục hồi như thế nào.
Ông Hoàng Đức Cường
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu quan điểm: "Chúng tôi chọn cảnh báo sớm là một giải pháp quan trọng để dự báo sớm thiên tai với công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Phương châm chúng tôi là: dự báo sớm, chi tiết và tin cậy hơn. Dự báo là ước tính, dự kiến những cái xảy ra trong tương lai. Chúng ta không thể đưa ra dự kiến có chi tiết được mà khoảng xảy ra thôi. Bão, mưa lớn thì có thông tin sớm từ biển thì có thông tin khá chi tiết nên sẽ có thông tin sớm hơn. Còn các thiên tai đột xuất, không có nhiều loại hình quan trắc thì khó có thể dự báo sớm. Chúng tôi đặt vấn đề là: tin cậy hơn. Nhưng mỗi loại hình đặt ra độ tin cậy khác nhau. Để đạt được điều này cần nhiều giải pháp khác nhau ở cả xã hội và trong cả ngành"
Theo ông Hoàng Đức Cường, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra 4-5 giải pháp quan trọng như sau: Thứ nhất, chúng ta cần càng nhiều số liệu thì càng dự báo tốt. Cần đặt nhiều quan trắc dày hơn để có nhiều số liệu hơn. Vùng núi dày hơn để đánh giá kĩ lưỡng để cảnh báo sớm hơn, kĩ lưỡng hơn. Tuy nhiên, dù có đăng dày đến đâu không thể phủ hết. Vì thế, chúng ta có thể lắp rada để có thể bớt sai số nhiều hơn. Thực tế, tổng cục có quy hoạch quan trắc dày đến đâu cũng không thể hết được
Thứ 2, tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm. Phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Đây là công việc khổng lồ không thể có trong ngày một ngày 2 được. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0 đặc biệt AI trong loại hình cảnh báo sớm. Trong đó đồng thời sử dụng 1 lúc các sản phẩm khác nhau, hy vọng đưa ra được thông tin tin cậy nhất.
Thứ 3, khí tượng thủy văn là không biên giới. Nên chúng ta cần hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước. Tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới.
Thứ 4, ứng dụng các phương tiện, hiện đại trong việc truyền tin trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất dễ nhất đến các đối tượng người dân. Thiên tai là ở cộng đồng nên chỉ họ cần thông tin nhất.
Ngoài ra, còn các giải pháp khác như: nhân lực chất lượng cao vì chúng ta sẽ tự động hóa nhân lực quan trắc, tận dụng tối đa hợp tác quốc tế, cử cán bộ đi đào tạo nước ngoài; xã hội hóa vì nhà nước thôi là chưa đủ. Ngành khí tượng thủy văn được hưởng lợi nhưng doanh nghiệp và người dân cũng được hưởng lợi. Tiến tới chúng ta có thông tin nhanh nhất, chi tiết nhất, tin cậy nhất trong việc cảnh báo thiên tai.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ vũ trụ dự báo thiên tai
Chia sẻ về kinh nghiệm về ứng phó thiên tai trên thế giới, PGS.TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường cho biết: "Hiện nay có rất nhiều nhưng có thể học được hay không hay học như thế nào là câu chuyện rất dài. Tại Vương Quốc Anh công tác cảnh báo sớm đề cao tính hiệu quả. Bởi nếu thông tin cảnh báo sớm không tin cậy, thông tin giảm nhẹ hoặc sai lệch có thể làm mất đi sự tin tưởng cho người dân, khiến cho công tác phòng ngừa không đạt được hiệu quả đáng có. Bên cạnh đó, Anh có đặc điểm địa hình khá đặc biệt với những trận sạt lở xảy ra thường xuyên, nên nhà nước chủ động xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay tại Việt Nam ngoài yếu tố thiên nhiên, các tác động nhân tạo của con người như xây đường, xây đập thủy điện,… tác động đến 70% tới thiên nhiên. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến tác động của các cơ sở hạ tầng trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng".
PGS.TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường
Theo PGS.TS Phạm Quý Nhân, về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dự báo, ứng phó thiên tai chúng ta có thể học hỏi Hàn Quốc. Hiện nay các cơ sở vật chất tại Hàn Quốc đã được tiến hành xã hội hóa, các đơn vị thậm chí các thiết bị từ các công ty tư nhân và có thể trả lại nếu đo đạc thông tin không chính xác. Nguồn lực của ta khá hạn chế, các đài trạm có từ thời pháp thuộc hiện nay vẫn đang được sử dụng. Việt Nam đang học việc xã hội hóa các nguồn lực nhưng do nhận thức chưa rõ ràng dẫn đến quy kết trách nhiệm chưa cụ thể. Có thể học từ Mỹ thể chế, thông tư, nghị định, các quy trình vận hành. Mỹ phân rõ trách nhiệm của chính quyền các bang, tiểu bang. Tại Việt Nam, thể chế, thông tư, nghị định, các quy trình vận hành đã tương đối phân rõ nhưng một số nơi vẫn chồng chéo.
Có thể học tập tại Úc công tác thông tin cộng đồng. Chính quyền Úc tổ chức thông tin đến từng địa phương với báo, đài phát thanh, truyền hình. Bài học này chúng ta có thể học hỏi, ví dụ như Hải Phòng bị mất liên lạc do mất điện mất mạng trong cơn bão Yagi khá khó khăn trong việc liên lạc, phổ biến công việc.
Ngoài ra, có thể học tập các xây dựng các công trình của Hà Lan - đây là vùng đất thấp với 2/3 diện tích dưới mực nước biển, nhưng có hệ thống kênh rạch thoát nước rất tốt với việc sử dụng hệ thống điện gió giúp thoát nước. Các vùng thoát lũ được xây dựng và quy hoạch bài bản và được quan tâm. Tại Việt Nam cũng có vùng thoát lũ nhưng không được quan tâm nhiều. Tại các đập thủy điện được xây dựng gần đây ít coi việc xây dựng vùng thoát lũ là cấp bách cần thiết.
Một phương pháp khác là Trung Quốc đề xuất xây dựng các thành phố bọt biển giữ nước mưa lại để sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều nước đã học hỏi các phương pháp này. Ngoài ra còn nhiều bài học có thể nghiên cứu tiếp thu như: đề cao thăm khám, quản lý cây xanh tránh đổ gãy khi bão lũ; các nước nâng cao duy tu hệ thống thoát nước; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác cảnh báo. Có thể nói kinh nghiệm trên thế giới rất nhiều, nhưng cần thay đổi từ nhận thức, từ đó đưa vào thực tế để hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất về nguồn lực.
Về nội dung này, TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho rằng, thời gian qua, đặc biệt trong các trận bão lũ đã thấy vai trò của công nghệ vũ trụ, nhất là khi bão số 3, tàn phá các địa phương, toàn bộ thông tin liên lạc ở mặt đất bị ngắt. Hoàn lưu bão gây lũ lụt ở miền Bắc và cũng chỉ có ảnh từ vệ tinh mới có thể quan sát được toàn bộ khu vực rộng lớn và cũng chỉ có công nghệ vệ tinh mang lại sự kết nối ổn định.
TS Vũ Anh Tuân
"Như vậy, nếu đặt vấn đề Công nghệ vũ trụ giúp ích được gì trong phòng chống thiên tai thì tôi có thể nói rằng, có nhiều nước đã tính toán được rằng công nghệ vũ trụ có thể giảm sự thiệt hại thiên tai lên tới 10%. Như vừa qua, cơn bão số 3 gây thiệt hại hơn 80.000 tỉ đồng và nếu giảm được 10% là con số đáng kể. Đó là về tiền, còn thiệt hại về người không con số nào có thể đong đếm được", TS Vũ Anh Tuân chia sẻ.
Việc sử dụng công nghệ vũ trụ, giai đoạn trước thiên tai có chức năng nhận diện nguy cơ, cảnh báo nhằm cung cấp thông tin cho ngành khí tượng thủy văn hay trong thiên tai có thể cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp ứng cứu kịp thời. Ảnh chụp vệ tinh có thể xuyên qua mây, chụp được cả ban đêm, nên nếu cập nhật liên tục sẽ đảm bảo cung cấp thông tin cảnh báo chính xác, tránh nhiễu loạn thông tin. Bởi thông tin thực địa thường không phản ánh được toàn bộ khu vực rộng lớn. Đôi khi chúng ta thấy ở một khu vực có vẻ như không có vấn đề gì xảy ra nhưng một 1 giờ sau diễn biến có thể theo chiều hướng xấu hơn. Sau khi thiên tai xảy ra, công nghệ vũ trụ cũng góp phần đánh giá thiệt hại để khắc phục hậu quả.
Ở Việt Nam hiện nay, ngoài vệ tinh viễn thông để liên lạc, còn có một vệ tinh viễn thám mang tên VNREDSat-1 được phóng vào vũ trụ ngày 7/5/2013 đến nay đã 11 năm. Trong khi tuổi thọ của vệ tinh là 5 năm. Vệ sinh VNREDSat-1 đến nay đã sống hơn gấp đôi tuổi thọ nên hoạt động không còn hoàn hảo. Hơn nữa, đây là vệ tinh quang học, sử dụng ánh sáng mặt trời để chụp ảnh nên không có khả năng chụp ảnh xuyên qua mây, không chụp được vào ban đêm nên khả năng theo dõi bão lũ trong thời gian qua có phần bị hạn chế.
"Trong khi chúng ta, thiên tai phần nhiều là do bão, lũ, sạt lở đất. Thời gian tới, chúng ta sẽ phóng tiếp một vệ tinh có thể khắc phục được những hạn chế của VNREDSat-1 nhằm giúp cung cấp thông tin chi tiết, rõ nét, bao quát hơn để chủ động ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã nghiên cứu vệ tinh đưa lên quỹ đạo hoạt động. Ban đầu, các vệ tinh chỉ mang tính chất học hỏi nhưng dần dần hi vọng sẽ làm chủ công nghệ đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin trong nhiều nhiệm vụ, trong đó có phòng chống thiên tai, hạn chế được thiệt hại cho người dân", TS Vũ Anh Tuân nhấn mạnh.
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-lu-quet-sat-lo-dat-xay-ra-ngay-cang-nhieu-va-nghiem-trong-hon-post1130084.vov