Vì sao máy điều hòa vẫn 'vắng bóng' giữa mùa hè nắng nóng kỷ lục ở châu Âu?

Vì sao máy điều hòa vẫn 'vắng bóng' giữa mùa hè nắng nóng kỷ lục ở châu Âu?
7 giờ trướcBài gốc
Mùa hè năm 2025, nhiều quốc gia châu Âu đối mặt với tình trạng nắng nóng khắc nghiệt chưa từng có. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ghi nhận nhiệt độ lên tới 46°C, Pháp và Đức cũng dao động quanh ngưỡng 40°C. Các chính phủ phải ra lệnh đóng cửa trường học, hạn chế làm việc ngoài trời, thậm chí một số nơi tạm ngưng tham quan các công trình biểu tượng để tránh rủi ro sức khỏe cho người dân và du khách.
Tuy nhiên, trái với hình ảnh quen thuộc tại Mỹ, nơi gần 90% hộ gia đình sở hữu máy điều hòa, chỉ khoảng 20% hộ dân ở châu Âu được trang bị thiết bị làm mát này. Tại Đức và Pháp, tỷ lệ thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 3-5%.
Tại sao điều hòa lại hiếm hoi đến vậy ở lục địa già này?
Người dân Paris và khách du lịch giải nhiệt tại đài phun nước Trocadero ở Paris, Pháp. (Ảnh: Getty)
Thói quen văn hóa và kiến trúc lâu đời
Lý do đầu tiên xuất phát từ lịch sử khí hậu ôn hòa của châu Âu. Trước đây, phần lớn các quốc gia ở lục địa này không cần điều hòa vì mùa hè thường dễ chịu, ban đêm mát mẻ. Thói quen lâu đời “sống chung” với thời tiết tự nhiên trở thành nếp sống văn hóa, khiến nhiều người châu Âu cho rằng dùng điều hòa không phải nhu cầu thiết yếu.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt điều hòa vào những công trình cũ gặp rất nhiều rào cản kỹ thuật, tốn kém chi phí và có thể làm thay đổi cấu trúc vốn được bảo tồn lâu đời.
Một trở ngại lớn khác là chi phí đầu tư và vận hành điều hòa tại châu Âu khá cao. Giá điện đắt đỏ, cộng thêm mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính, khiến nhiều người dân và chính phủ e ngại. Điều hòa không khí tiêu tốn lượng điện lớn và được cho là “tác nhân kép” góp phần làm tăng hiệu ứng nóng lên của đô thị.
Dẫu vậy, một số quốc gia bắt đầu cân nhắc thay đổi chính sách. Số ngày nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn, và các đợt sóng nhiệt ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, nhiều người cao tuổi, trẻ em và nhóm dễ bị tổn thương đang phải chịu rủi ro lớn về sức khỏe.
Tại Pháp, chính quyền đang thảo luận lắp điều hòa tại các trung tâm cộng đồng, trường học, bệnh viện - những nơi bảo vệ các nhóm dễ tổn thương. Tại Đức, nhiều thành phố xem xét các giải pháp kết hợp: cải tạo kiến trúc và triển khai hệ thống làm mát tại không gian công cộng.
Điều hòa: từ “xa xỉ” trở thành “cần thiết”?
Theo giới chuyên gia, nếu xu hướng nóng lên toàn cầu tiếp tục, điều hòa có thể sẽ không còn là thiết bị xa xỉ hay “lối sống Mỹ” mà sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, châu Âu vẫn đứng trước bài toán khó: cân bằng giữa thích ứng với khí hậu khắc nghiệt và mục tiêu giảm phát thải.
Khi châu Âu đang vật lộn với những đợt nắng nóng khắc nghiệt, lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội chính trị, tuyên bố sẽ triển khai một “kế hoạch lớn về điều hòa không khí” nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.
Phát biểu trước quốc hội, Le Pen - nghị sĩ đại diện khu vực Pas-de-Calais ở miền bắc nước Pháp - khẳng định: “Điều hòa không khí cứu sống con người.” Theo bà, Pháp đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng khi các dịch vụ công “không thể hoạt động vì thiếu điều hòa không khí, không giống như hàng chục quốc gia khác trên thế giới.”
Trong khi phần lớn hệ thống công cộng của Pháp vẫn thiếu điều hòa, đồng minh của Le Pen, ông Éric Ciotti, đã đưa ra một dự luật mới kêu gọi “bắt buộc phải lắp đặt điều hòa không khí” tại các không gian công cộng quan trọng như bệnh viện, trường học, và các trung tâm dịch vụ.
Theo cơ quan môi trường quốc gia Ademe, tính đến năm 2020, chỉ có 25% hộ gia đình ở Pháp sở hữu điều hòa không khí, tăng từ mức 14% năm 2016. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với các nước láng giềng như Ý, nơi điều hòa đã trở thành trang bị phổ biến hơn trong những năm gần đây.
Mùa hè 2025 có thể đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tư duy của các thành phố châu Âu: hoặc chấp nhận điều hòa rộng rãi và tìm giải pháp "xanh hóa" hệ thống điện, hoặc tăng tốc cải tạo hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, đồng thời nâng cao khả năng chịu nóng của cộng đồng.
Cẩm Lai (Nguồn: CNN, The Guardian,Reuters.)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/vi-sao-may-dieu-hoa-van-vang-bong-giua-mua-he-nang-nong-ky-luc-o-chau-au-ar952435.html