Sự lạc hậu về hạ tầng và mô hình vận hành
Sân khấu Lan Anh, Trống Đồng là 2 địa điểm biểu diễn âm nhạc gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ khán giả TP Hồ Chí Minh. Sân khấu Trống Đồng xuống cấp trầm trọng và đắp chiếu lâu nay, còn sân khấu Lan Anh vừa thông báo chính thức đóng cửa, để lại nhiều nỗi niềm và hụt hẫng cho giới nghệ sĩ.
Nhưng, đó là một thực tế không thể tránh khỏi của các mô hình sân khấu, nhà hát đã lỗi thời. Chắc hẳn, đây còn là vấn đề chung của các sân khấu ở nhiều địa phương trong bối cảnh thị hiếu và nhu cầu nghe nhìn của khán giả đang thay đổi chóng mặt.
Nghệ sĩ biểu diễn ngoài trời đem lại trải nghiệm mới cho khán giả.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thị hiếu khán giả ngày nay yêu cầu không chỉ nghe hát mà còn được trải nghiệm toàn diện về cảm xúc, hình ảnh, sân khấu, công nghệ. Nhiều nghệ sĩ trẻ và ê-kíp tổ chức các show ca nhạc hoành tráng ngoài trời, tại các địa điểm sáng tạo như sân vận động, khu đô thị, bãi biển - điều mà Lan Anh, Trống Đồng và nhiều nhà hát không đáp ứng được.
Khán giả ngày nay không chỉ đến để nghe hát mà còn mong muốn trải nghiệm toàn diện từ không gian, ánh sáng, âm thanh đến cảm xúc. Nhiều nghệ sĩ chọn tổ chức concert ngoài trời để tạo cảm giác gần gũi, tự do và sáng tạo theo ý thích. Ví dụ, Mỹ Tâm đã chọn bãi biển, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình làm nơi tổ chức show, trong khi Hà Anh Tuấn dựng sân khấu tại Global City, nhạc sĩ Giáng Son làm concert đầu tiên ở khu đô thị Park City...
Nghệ sĩ trẻ hiện nay không còn cảm thấy hứng thú với mô hình biểu diễn sân khấu cũ. Sự gắn bó tình cảm của nghệ sĩ và khán giả không thể bù đắp những thiếu hụt về mặt kỹ thuật của sân khấu. Điều này buộc các sân khấu như Lan Anh phải thay đổi nếu muốn tìm lại hào quang như thời Làn Sóng Xanh những năm cuối thập niên 1990, đầu 2000.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số (YouTube, Spotify, TikTok...) khiến việc thưởng thức âm nhạc chuyển dịch về trực tuyến, thay vì đến sân khấu trực tiếp như trước. Liveshow chỉ còn phổ biến ở mức độ sự kiện đặc biệt hoặc được đầu tư cực lớn. TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều địa điểm tổ chức sự kiện mới với công nghệ hiện đại hơn như: Nhà thi đấu Phú Thọ, sân vận động Thống Nhất hoặc các không gian tổ chức ngoài trời sáng tạo như The Global City, Vạn Phúc City...
Tại Hà Nội, các mô hình âm nhạc cũng đã thay đổi, thay vì ở các sân khấu, nhà hát, thì các nghệ sĩ với những concert lớn thường biểu diễn ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, công viên Yên Sở, sân vận động Quần Ngựa hay các mô hình sân khấu ngoài trời như Hoàng thành Thăng Long, Park City. Nhà hát Lớn Hà Nội thời gian qua cũng đã thay đổi, mở rộng thêm không gian biểu diễn ngoài trời ngay cạnh nhà hát để mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả. Các địa điểm này linh hoạt, hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn nên được các nhà tổ chức ưu tiên lựa chọn.
Thay đổi hay là "chết"?
Dù đó là một thực tế đau lòng nhưng rõ ràng, nếu các nhà hát, sân khấu truyền thống không thay đổi, nâng cấp thì sẽ không thể tồn tại được trong xu thế phát triển của công nghệ và thói quen nghe nhìn của khán giả hiện nay. Giải trí hiện đại không còn là chuyện của sân khấu cố định, mà là trải nghiệm đa chiều, đa nền tảng, hướng đến công nghệ và sự kết nối cảm xúc sâu sắc với người xem. Ai không thay đổi sẽ bị loại bỏ - đó là quy luật tất yếu trong kỷ nguyên số hóa.
Để không lạc hậu trong bối cảnh khán giả và thị trường giải trí đang thay đổi mạnh mẽ, các nhà hát, sân khấu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh buộc phải chuyển mình toàn diện - từ cơ sở vật chất đến mô hình hoạt động, cách tiếp cận khán giả và ứng dụng công nghệ. Điều này một số sân khấu nhỏ đang từng bước thay đổi. Tuy nhiên, không gian sân khấu cần linh hoạt, có thể thay đổi bố cục để phục vụ nhiều loại hình biểu diễn: nhạc kịch, concert, talk show, múa đương đại... Các chương trình biểu diễn cần tạo cảm giác nhập vai, tương tác: khán giả không chỉ xem mà còn trở thành một phần của câu chuyện. Ví dụ: kết hợp âm nhạc - trình diễn - kể chuyện; sử dụng công nghệ VR/AR để người xem khám phá vở diễn theo cách cá nhân hóa.
Một cảnh trong vở “Búp bê” của đạo diễn Trần Lực. Theo anh, sân khấu phải đổi mới để theo kịp khán giả.
Các nhà hát cũng cần phát triển các kênh YouTube, TikTok, fanpage chuyên biệt để thu hút giới trẻ - đặc biệt là Gen Z. Phải có những chương trình được thiết kế riêng cho khán giả trẻ, kể cả học sinh, sinh viên: có tiết tấu nhanh, nội dung gần gũi, yếu tố giải trí mạnh. Bên cạnh các vở diễn kinh điển, nên mở thêm các chuỗi chương trình thử nghiệm: nhạc indie, kịch tương tác, kịch nói kết hợp các loại hình nghệ thuật. Nhà hát, sân khấu cần chuyển mình thành "doanh nghiệp nghệ thuật": có chiến lược thương hiệu, chiến dịch marketing - truyền thông bài bản.
Trong bối cảnh sân khấu tư nhân đang chật vật tồn tại ở TP Hồ Chí Minh, các sân khấu chính thống ở Hà Nội cũng thưa vắng khán giả, NSND Trần Lực mạnh dạn cho ra mắt không gian nghệ thuật Luc Team BlackBox do anh sáng lập. Sau 5-6 năm hoạt động với những vở diễn mang ngôn ngữ sân khấu ước lệ mới mẻ, hiện đại như "Quẫn", "Bạch đàn liễu", "Nữ ca sĩ hói đầu", "Búp bê"... Luc Team đã có "nhà hát" của riêng mình dù khá xa trung tâm (ở 79 Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội).
NSND Trần Lực chia sẻ, sân khấu không chết mà vì sân khấu không đủ hay, không đổi mới để phù hợp khẩu vị của khán giả hôm nay. Anh khẳng định, sân khấu cứ giậm chân tại chỗ trong khi thế giới mở, khán giả ăn mãi một món sẽ chán. Vì thế, sân khấu phải đổi mới, để kéo khán giả đến rạp. Sân khấu của Luc Team sẽ có quy mô nhỏ, ở đó khán giả có thể tương tác, nhập vai cùng diễn viên. Ở đó, không gian sân khấu mở, kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật chứ không chỉ kịch nói, như âm nhạc, hội họa, nghệ thuật trình diễn Performance art... NSND Trần Lực lạc quan sẽ thu hút được khán giả nếu sân khấu đủ hấp dẫn và đổi mới.
Rõ ràng, hiện nay sân khấu không nên chỉ gắn bó với nhà hát cố định mà có thể tổ chức sân khấu lưu động, các show diễn tại công viên, quảng trường, phố đi bộ, không gian di sản... Mô hình "sân khấu di động" kết hợp với văn hóa địa phương sẽ tạo sức hút lớn, đặc biệt trong giới trẻ và khách du lịch.
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giúp sân khấu hồi sinh, cần sự tiếp sức, phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước và tư nhân. Nhà nước cũng cần có những chính sách, đề án để đầu tư, tái cơ cấu, cởi mở hơn về mặt pháp lý để khuyến khích các nhà hát, sân khấu chủ động đổi mới, thích hợp với xu hướng nghe nhìn hiện đại.
Linh Nguyễn