Vì sao 'mùa hè thiên đường' ở châu Âu biến mất?

Vì sao 'mùa hè thiên đường' ở châu Âu biến mất?
7 giờ trướcBài gốc
Những cơn bão ngày càng thường xuyên cuốn trôi phần lớn cát khỏi bãi biển Montgat, gần Barcelona, Tây Ban Nha.
Không lâu trước đây, các gia đình đến Montgat - thị trấn ven biển gần Barcelona, Tây Ban Nha - vẫn thường xây lâu đài cát, chơi bóng vợt và nằm dài trên những dải cát rộng, đúng như hình ảnh kinh điển của kỳ nghỉ hè kiểu châu Âu. Giờ đây, ở một số nơi, bãi cát thậm chí không còn đủ chỗ để trải một chiếc khăn tắm.
“Từ đây ra tận ngoài kia từng toàn là cát”, Sofia Mella, 19 tuổi, vừa chỉ ra xa biển vừa nói.
"Thiên đường" biến mất
Biến đổi khí hậu khiến những "thiên đường mùa hè" ở châu Âu dần biến mất. Từ Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp đến Pháp và các quốc gia khác, bão lớn "cuốn trôi" bãi cát. Mực nước biển dâng cao, nhiệt độ ngột ngạt, lũ lụt và cháy rừng kinh hoàng biến nhiều điểm đến du lịch mơ ước trở thành những nơi khắc nghiệt cần tránh xa.
Khi người dân Nam Âu bắt đầu tìm kiếm những vùng vịnh mát mẻ ở Bắc Âu, những điểm nóng du lịch từng là biểu tượng của các tour trọn gói dần mất đi sức hút. Tuần qua, nhiệt độ lên cao kỷ lục khắp lục địa này. Các chuyên gia cảnh báo một đợt nắng nóng mới lại sắp đến, đe dọa người dân bản địa và khiến du khách đặt câu hỏi liệu có nên đến đây nghỉ dưỡng nữa không. Ngay cả những nhà hoạt động đấu tranh chống lại du lịch quá tải cũng không tìm thấy điểm tích cực nào từ cái nóng cực độ.
“Thật là địa ngục”, Daniel Pardo Rivacoba - người sống ở Barcelona và là thành viên của một nhóm phản đối du lịch đại trà, đặc biệt là các chuyến bay làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu - chia sẻ. Với anh, mặt trời thiêu đốt dù đẩy lùi du khách nhưng không phải là điều tốt đẹp gì, vì ảnh hưởng đến cả dân địa phương.
Biến đổi khí hậu cũng đang làm thay đổi cảnh quan Tây Ban Nha khi các bãi biển mất đi hàng nghìn mét vuông cát.
Trên khắp châu Âu, tháng 6 vừa rồi là tháng khắc nghiệt nhất - ít nhất là cho đến nay. Tại Rome, du khách đi thăm các địa điểm nổi tiếng cảm thấy như đang quay trong lò vi sóng khổng lồ. Ở Verona, các ca sĩ opera ngất xỉu ngay trên sân khấu vì quá nóng.
Tây Ban Nha giờ đây có lẽ là nơi ít hấp dẫn nhất để tận hưởng ánh nắng. Thành phố El Granado ở phía tây nam ghi nhận mức nhiệt gần 46°C, cao kỷ lục trong tháng 6. Năm ngoái, lũ lụt ở Valencia khiến hơn 200 người thiệt mạng. Năm nay, các chuyên gia cho biết số người tử vong do nhiệt - đặc biệt là người già và có bệnh lý nền - đang tăng mạnh theo nhiệt độ.
Bãi biển ở Montgat cũng đang bị biến đổi bởi biến đổi khí hậu, khi các cơn bão xảy ra thường xuyên hơn cuốn trôi phần lớn cát nơi đây.
“Lần nào đến, chúng tôi cũng thấy cát ít đi”, Susanna Martínez, 40 tuổi, người đã cùng gia đình đến đây suốt một thập kỷ qua, chia sẻ.
Chỉ cách đó vài cây số, Barcelona đã mất khoảng 30.000 m² cát trong vòng 5 năm. Marina d’Or, một khu nghỉ dưỡng ven biển ở gần Valencia, từng là biểu tượng cho kỳ nghỉ hè Tây Ban Nha, cũng đang bị sóng cuốn trôi. Các chuyên gia ước tính Tây Ban Nha mất hàng trăm nghìn mét vuông bãi biển và đang đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa.
Thời tiết nóng cực đoan ảnh hưởng đến cả khách du lịch và người địa phương.
Tìm cách thích ứng
Tây Ban Nha nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
“Rủi ro lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt hiện nay, không nghi ngờ gì, chính là biến đổi khí hậu”, Sira Rego, một bộ trưởng trong chính phủ do Thủ tướng Pedro Sánchez lãnh đạo, tuyên bố. Bà gọi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là “ưu tiên an ninh quốc gia”.
Chính phủ này đang tận dụng nền kinh tế tăng trưởng tốt để thu hút hàng trăm tỷ euro đầu tư vào năng lượng bền vững, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm xanh. Họ cũng đầu tư vào hệ thống dự báo nhiệt độ để phát hiện sớm các đợt nắng nóng, đào tạo nhân viên y tế ứng phó với các ca bệnh do nắng nóng và nâng cao hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Ở cấp độ địa phương, các thành phố như Barcelona cũng đang nỗ lực thích ứng với thực tế mới.
Laia Bonet, phó thị trưởng thứ nhất phụ trách sinh thái và quy hoạch đô thị, nói rằng Barcelona “đặc biệt dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu”. Thành phố đang ưu tiên bảo vệ người dân dễ bị tổn thương bằng cách thiết lập hàng trăm “trạm trú nắng” và đầu tư hơn 2 tỷ USD để cải tạo các tòa nhà xanh hơn, mở rộng mảng xanh, lắp đặt 200 mái che tạo bóng mát và thay một số mặt đường bằng đất nhằm thấm nước mưa tốt hơn.
Barcelona cũng đang sử dụng cát thu được từ các công trình xây dựng để phục hồi bãi biển — không chỉ là nơi vui chơi cho người dân, mà còn là hàng rào chắn bão và yếu tố không thể thiếu trong ngành du lịch chiếm 15% GDP thành phố.
Phó thị trưởng Bonet cho rằng biến đổi khí hậu buộc thành phố phải nhìn nhận lại bài toán du lịch đại trà, từ đó đưa ra những chính sách tiến bộ có thể giải quyết cả hai vấn đề cùng lúc.
Ở Seville - thành phố phía nam Tây Ban Nha, đôi khi được gọi là “chảo lửa châu Âu” - các nữ tu sĩ đã từ lâu treo rèm trắng quanh tu viện để chắn nắng. Gần đây, thành phố bắt đầu che phủ các con phố hẹp bằng những tấm vải trắng như mái hiên, sử dụng hệ thống ống dẫn ngầm cổ để đưa khí mát lên mặt đất, và xây dựng không gian công cộng có phun sương được làm mát từ nước mưa. Thành phố cũng bắt đầu đặt tên cho các đợt nắng nóng nhằm tăng nhận thức và trí nhớ cộng đồng về hiện tượng này.
Tuy nhiên, thay vì thay đổi thói quen, nhiều người dân Nam Âu lại tính đến chuyện “tháo chạy”. Ở Rome, những người có điều kiện tài chính đã bắt đầu để mắt tới các quốc gia mát mẻ, ẩm ướt và thường bị bỏ qua.
Có khi người ta lại đổ về Bỉ nếu trời ở đây nóng quá. Rồi lại đến lượt chúng tôi quá tải”, Ann Verdonck, 45 tuổi, đến từ gần Antwerp, đang đi nghỉ cùng gia đình ở Barcelona, chia sẻ.
Phương Anh (Nguồn: New York Times )
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/vi-sao-mua-he-thien-duong-o-chau-au-bien-mat-ar954276.html