Vì sao Mỹ ưu tiên sử dụng các chuẩn mực dầu mỏ mạnh nhất?

Vì sao Mỹ ưu tiên sử dụng các chuẩn mực dầu mỏ mạnh nhất?
2 ngày trướcBài gốc
Việc khuyến khích sử dụng các chỉ số giá dầu phản ánh đúng cung - cầu thực tế, như hợp đồng dầu WTI trên sàn ICE, có thể giúp Mỹ củng cố vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Hình minh họa
Một trong những yếu tố giúp đồng USD giữ được vị thế hiện nay là nhờ Mỹ sở hữu thị trường tài chính minh bạch và ổn định - bao gồm cả thị trường dầu mỏ. Hiện tại, phần lớn giao dịch dầu mỏ trên thế giới vẫn được thanh toán bằng USD. Tuy nhiên, các đối thủ như Trung Quốc, Nga và nhóm BRICS mở rộng đang tích cực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Đằng sau đó không chỉ là động cơ kinh tế, mà còn là chiến lược nhằm tăng khả năng tự chủ và hạn chế rủi ro từ các lệnh trừng phạt.
Cụ thể, Trung Quốc và Nga đã đẩy mạnh các giao dịch song phương bằng đồng nội tệ như nhân dân tệ và ruble. Trung Quốc cũng đã triển khai hợp đồng dầu thô tương lai định giá bằng nhân dân tệ, mang lại một lựa chọn thay thế cho đồng USD. Ngoài ra, ý tưởng về một hệ thống “petroyuan” - đồng tiền thanh toán dầu mỏ bằng nhân dân tệ - đang được thảo luận và có thể thu hút sự tham gia của các nhà khai thác lớn như Ả Rập Xê-út. Những diễn biến này cho thấy vị thế truyền thống của đồng USD trong thương mại dầu mỏ đang dần gặp thách thức.
Trong khi đó, chính Mỹ cũng đang mất dần ảnh hưởng trong việc định giá dầu toàn cầu. Chỉ số dầu WTI trên sàn NYMEX tại Cushing, Oklahoma - từng chiếm 62% thị phần thị trường kỳ hạn năm 2017 - nay chỉ còn khoảng 40%, nhường chỗ cho chỉ số dầu Brent do ICE phát hành. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phát triển nhanh chóng của dầu đá phiến, xuất khẩu mở rộng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, và lượng dầu nhập khẩu từ Canada tăng mạnh. Hệ quả là chỉ số dầu WTI tại Cushing không còn phản ánh đúng cung - cầu dầu thô tại Mỹ, khi trung tâm định giá thực tế đã dịch chuyển từ khu vực nội địa sang Houston - cửa ngõ xuất khẩu chính của dầu Mỹ ra thị trường quốc tế.
Để bảo vệ vị thế của đồng USD, Mỹ cần chú trọng đến các chỉ số giá dầu phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay, như hợp đồng dầu Midland WTI trên sàn ICE (HOU). Hợp đồng này định giá dầu từ lưu vực Permian và giao hàng trực tiếp tại Houston - nơi kết nối thị trường nội địa với thị trường xuất khẩu.
Việc chuyển sang định giá bằng HOU mang lại lợi ích rõ rệt cho người mua. Trong 18 tháng qua, các nhà máy lọc dầu tiết kiệm trung bình 0,21 USD mỗi thùng, khi sử dụng giá dầu WTI tại Houston thay vì Cushing. HOU cũng phản ánh chính xác nhu cầu trong nước, cũng như từ châu Âu và châu Á - hai thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ. Hiện tại, hợp đồng HOU có khối lượng giao hàng hằng tháng cao gấp 3 lần so với hợp đồng WTI trên sàn NYMEX tại Cushing, cho thấy giới giao dịch đang ưu tiên các loại dầu đúng chất lượng, đúng vị trí.
Hợp đồng HOU mang đến cho giới giao dịch quyền tiếp cận các thùng dầu Midland WTI được sàn giao dịch bảo đảm và có thể giao hàng vào hệ thống dầu Brent. Việc dầu Midland WTI được đưa vào bộ chỉ số định giá dầu Brent - công cụ dùng để xác định giá khoảng 75% lượng dầu giao dịch vật lý trên toàn cầu - đã giúp nâng cao vai trò của nó như một chỉ số tham chiếu quan trọng. Hiện nay, dầu Midland WTI được dùng để định giá dầu Brent tham chiếu trong khoảng 50% thời gian, nhờ đó trở thành công cụ hiệu quả để phòng ngừa rủi ro cho các hợp đồng liên quan.
Tuy nhiên, do thói quen định giá truyền thống, phần lớn dầu WTI tại khu vực Duyên hải Vịnh Mỹ vẫn được định giá dựa trên mức chênh lệch so với Cushing. Điều này gây ra rủi ro giá không cần thiết trong các giao dịch nội địa và làm phát sinh thêm chi phí phòng ngừa rủi ro. Nếu thị trường chuyển sang định giá trực tiếp tại Houston, các bất cập này sẽ được khắc phục. Khi đó, các nhà máy lọc dầu tại Mỹ có thể giảm chi phí đầu vào, đồng thời Mỹ cũng có cơ hội khôi phục vị thế là một trong những trung tâm giao dịch và định giá dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, việc duy trì vai trò kiểm soát giá dầu toàn cầu của Mỹ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu Nga, Trung Quốc và các nước thuộc nhóm BRICS thành công trong việc xây dựng các hệ thống định giá thay thế khả thi, sức mạnh của đồng USD trong thị trường năng lượng toàn cầu có thể sẽ tiếp tục suy giảm.
Đối với các cơ quan tư vấn chính sách như Hội đồng Năng lượng Thống lĩnh Hoa Kỳ, việc thúc đẩy định giá dầu nội địa theo hợp đồng Midland WTI trên sàn ICE, cũng như khuyến khích giao dịch dầu bằng đồng USD, cần được đưa vào trọng tâm chương trình hành động. Những giải pháp này sẽ giúp củng cố độ tin cậy của các chỉ số giá dầu Mỹ, đồng thời đối trọng với các hệ thống định giá phi USD - và hỗ trợ cho hợp đồng dầu WTI, vốn đang ngày càng được công nhận là chỉ số phản ánh sát thực nhất giá dầu thô của Mỹ.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/vi-sao-my-uu-tien-su-dung-cac-chuan-muc-dau-mo-manh-nhat-730177.html