Vì sao nắp bình xăng của ô tô lại nằm ở các vị trí khác nhau?

Vì sao nắp bình xăng của ô tô lại nằm ở các vị trí khác nhau?
10 giờ trướcBài gốc
Trên thực tế, vị trí nắp bình xăng không hề thống nhất giữa các dòng xe, có xe đặt bên trái, có xe lại bên phải. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng đằng sau đó là những quyết định thiết kế phức tạp, kết hợp giữa yếu tố kỹ thuật, tiện lợi và an toàn. Hãy cùng khám phá lý do thực sự đằng sau thiết kế này.
Những tin đồn không đúng sự thật
Trước tiên, hãy loại bỏ một vài quan niệm sai lầm phổ biến. Một trong số đó là giả thuyết cho rằng vị trí nắp bình xăng từng được thiết kế dựa trên giới tính người sử dụng.
Cách bố trí nắp bình xăng mỗi xe lại có sự khác nhau về vị trí. Ảnh: Torque.com
Cụ thể, xe của nam giới sẽ được thiết kế cửa tiếp nhiên liệu ở bên trái (gần ghế lái) để họ dễ dàng tự đổ xăng, trong khi xe của nữ giới có cửa bên phải nhằm tiện cho người chồng có thể hỗ trợ việc đổ xăng cho vợ từ ghế hành khách.
Tuy nhiên, không có bằng chứng kỹ thuật nào chứng minh cho giả thuyết này. Đây đơn giản chỉ là một lời đồn thổi thú vị nhưng thiếu cơ sở.
Tương tự, một hiểu lầm khác là vị trí nắp bình xăng cho biết nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ, xe Mỹ thì nắp ở bên trái, xe châu Âu thì nắp ở bên phải. Điều này cũng không chính xác. Trên thực tế, bạn có thể dễ dàng tìm thấy xe châu Âu với bình xăng bên trái và xe Mỹ với bình bên phải, tùy thuộc vào từng hãng và từng dòng xe cụ thể.
Sự thật nằm ở kỹ thuật và thiết kế
Lý do thực sự khiến các nhà sản xuất ô tô bố trí cổng tiếp nhiên liệu ở các bên khác nhau liên quan đến nhiều yếu tố kỹ thuật và thực tế sử dụng. Khi thiết kế một chiếc xe, các kỹ sư phải cân nhắc hàng loạt yếu tố.
Nắp bình xăng được đặt dựa trên vị trí tối ưu nhất về an toàn, kỹ thuật. Ảnh: Motorbicuits
- Tối ưu hóa không gian của hệ thống nhiên liệu: Không gian bên dưới xe rất hạn chế. Vị trí của hệ thống dẫn động, hệ thống ống xả, trục truyền động, và các linh kiện cơ khí khác ảnh hưởng trực tiếp đến việc đặt bình xăng và cổng tiếp nhiên liệu sao cho an toàn và thuận tiện.
- Linh hoạt khi tiếp nhiên liệu: Nếu tất cả xe đều có nắp bình xăng ở cùng một phía, trạm xăng sẽ dễ xảy ra tình trạng dồn ứ tại một bên. Việc đa dạng hóa vị trí cổng tiếp nhiên liệu giúp phân bổ xe đều hơn giữa các trụ bơm, từ đó rút ngắn thời gian chờ đợi và giảm ùn tắc.
- Yếu tố an toàn và kỹ thuật: Đôi khi, vị trí nắp bình xăng được lựa chọn đơn giản vì nó là phương án khả thi nhất về mặt kỹ thuật - nơi ít rủi ro va chạm, dễ bố trí và không ảnh hưởng đến hệ thống khác của xe.
- Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng: Một số hãng xe đặt nắp nhiên liệu ở bên trái, cùng phía với tài xế để người lái dễ dàng dừng xe, quan sát và đổ xăng mà không cần vòng quanh. Trong khi đó, nắp ở bên phải giúp người lái tránh va đập cửa vào cột bơm.
Theo Rislone, việc bình xăng ở bên phải còn có thể an toàn hơn vì nó giúp người lái xe tránh xa luồng giao thông đang di chuyển. Ví dụ, ở Nhật Bản (lái xe bên phải), nắp nhiên liệu thường nằm bên trái để thuận tiện khi đỗ gần lề đường. Ngược lại, ở Mỹ (lái xe bên trái), nắp sẽ thường ở bên phải. Nhìn chung, nhà sản xuất ô tô thường đa dạng hóa vị trí tùy vào dòng xe.
Không có câu trả lời "một cho tất cả"
Cuối cùng, việc đặt vị trí nắp bình xăng ở bên nào thường không phải là ưu tiên hàng đầu của người mua, nên không có một quy chuẩn cố định nào buộc các hãng xe phải tuân theo khi quyết định vị trí nắp nhiên liệu. Thay vào đó, mỗi hãng sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất dựa trên thiết kế tổng thể, cấu trúc khung gầm, và chiến lược sản phẩm của mình.
Mũi tên trên đèn báo nhiên liệu sẽ cho bạn biết nắp bình xăng của xe ở bên nào. Ảnh: DriversEd
Lần tới khi bạn dừng xe tại trạm xăng và quên mất bình xăng nằm bên nào, hãy thử quan sát biểu tượng hình mũi tên nhỏ trên đồng hồ nhiên liệu, đó là cách đơn giản nhất để xác định vị trí cửa tiếp nhiên liệu mà không cần phải… xuống xe kiểm tra!
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Ngô Minh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/vi-sao-nap-binh-xang-cua-o-to-lai-nam-o-cac-vi-tri-khac-nhau-2402431.html