Trứng vịt lộn – một món ăn dân dã nhưng lại giàu dinh dưỡng, quen thuộc với người dân Việt Nam từ Bắc vào Nam. Món ăn này thường được dùng kèm với rau răm và một chút muối tiêu chanh, đôi khi thêm vài lát gừng để tăng hương vị. Nhiều người không hiểu vậy vì sao nên ăn trứng vịt lộn với rau răm thay vì dùng các loại rau thơm khác.
Vì sao ăn trứng vịt lộn với rau răm?
Trứng vịt lộn là trứng vịt được ấp dở, phôi thai đã phát triển thành hình nhưng chưa nở thành con. Món ăn này gây nhiều tranh cãi trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, nó được xem là món ăn bổ dưỡng, có tính "bổ khí huyết", thường được khuyên dùng cho người suy nhược, ốm yếu, phụ nữ sau sinh hoặc người mới ốm dậy.
Trứng vịt lộn có tính hàn (lạnh), vị ngọt, giúp bổ huyết, ích trí, dưỡng âm, tăng cường sinh lực. (Ảnh: Cookbeo)
Theo Đông y, trứng vịt lộn có tính hàn (lạnh), vị ngọt, giúp bổ huyết, ích trí, dưỡng âm, tăng cường sinh lực. Trong khi đó, theo nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại, mỗi quả trứng vịt lộn có thể cung cấp khoảng 180 – 200 kcal, chứa nhiều protein, lipid, canxi, sắt, vitamin A, B1, B2, C cùng nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, do tính hàn, việc ăn trứng vịt lộn quá nhiều hoặc không đúng cách có thể gây đầy bụng, khó tiêu, lạnh bụng, nhất là với người có cơ địa yếu, hệ tiêu hóa kém. Đây chính là lúc vai trò của rau răm được phát huy.
Rau răm có tính ấm, vị cay, có tác dụng tán hàn, kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn, trừ phong thấp, tiêu độc. (Ảnh: Techz)
Theo Đông y, rau răm có tính ấm, vị cay, có tác dụng tán hàn, kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn, trừ phong thấp, tiêu độc. Y học cổ truyền cũng cho rằng rau răm giúp làm ấm bụng, giảm đầy hơi, chống lạnh bụng, rất thích hợp khi ăn cùng với các món có tính hàn như trứng vịt lộn, thịt vịt, hải sản…
Từ góc nhìn Đông y, mỗi món ăn đều mang trong mình chất âm hoặc dương. Một chế độ ăn lành mạnh không chỉ nằm ở hàm lượng dinh dưỡng mà còn phụ thuộc vào sự cân bằng giữa các yếu tố này. Trong trường hợp của trứng vịt lộn và rau răm, đây là một ví dụ điển hình của sự kết hợp hài hòa giữa âm và dương trong ẩm thực.
Vì sao nên ăn trứng vịt lộn với rau răm? (Ảnh: Cookist)
Trứng vịt lộn có tính âm (hàn), nếu ăn nhiều sẽ gây lạnh bụng, đầy hơi, tiêu hóa kém. Rau răm có tính dương (nhiệt), giúp trung hòa tính hàn của trứng, vì vậy việc ăn trứng vịt lộn với rau răm giúp món ăn trở nên dễ tiêu hóa hơn, hạn chế các tác dụng phụ, đồng thời kích thích vị giác, làm món ăn ngon miệng hơn.
Sự kết hợp này không chỉ hợp lý về mặt y học cổ truyền mà còn được khoa học hiện đại ủng hộ. Việc ăn kèm thực phẩm giàu đạm như trứng vịt lộn với các loại rau thơm, đặc biệt là rau có tính ấm như rau răm, có thể giúp cơ thể tiêu hóa protein dễ dàng hơn, giảm nguy cơ bị đầy bụng, ợ hơi, khó chịu sau ăn.
Lưu ý khi ăn trứng vịt lộn với rau răm
Mặc dù sự kết hợp giữa trứng vịt lộn và rau răm mang lại nhiều lợi ích, bạn cũng cần lưu ý một số điểm để đảm bảo sức khỏe:
- Không nên ăn quá nhiều: Mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn 1–2 quả trứng vịt lộn mỗi lần, không nên ăn liên tục hằng ngày để tránh tăng cholesterol trong máu.
- Phụ nữ mang thai nên hạn chế rau răm: Rau răm được cho là có thể gây co bóp tử cung nếu ăn quá nhiều, do đó, phụ nữ đang mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu, nên hạn chế ăn rau răm hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Trẻ nhỏ nên ăn theo chỉ định: Trứng vịt lộn tuy bổ dưỡng nhưng không thích hợp cho trẻ em dưới 5 tuổi do hệ tiêu hóa còn yếu, dễ bị đầy bụng, khó tiêu.
- Ăn kèm muối tiêu chanh và gừng: Gừng cũng là một vị thuốc có tính ấm, giúp tăng cường tiêu hóa. Một chút gừng thái sợi hoặc ăn kèm với muối tiêu chanh sẽ càng làm tăng tác dụng của rau răm trong việc cân bằng món ăn.
Ăn trứng vịt lộn với rau răm không chỉ là thói quen ẩm thực mà còn là sự lựa chọn thông minh của ông bà ta từ xa xưa. Rau răm với tính ấm, vị cay nồng không chỉ làm dậy hương vị món ăn mà còn đóng vai trò như một vị thuốc điều hòa âm dương, hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe người dùng. Vì vậy, khi thưởng thức món trứng vịt lộn, bạn đừng quên một nhúm rau răm tươi.
NGUYỆT ÁNH