Vì sao ngân hàng thương mại được vay đặc biệt dù không có tài sản bảo đảm?

Vì sao ngân hàng thương mại được vay đặc biệt dù không có tài sản bảo đảm?
14 giờ trướcBài gốc
Luật số 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được quyền cho các tổ chức tín dụng vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trong trường hợp cần thiết.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, về những điểm mới của cơ chế cho vay đặc biệt này.
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Giải pháp tránh khủng hoảng dây chuyền
- Ông đánh giá như thế nào về việc trao thẩm quyền hoàn toàn cho NHNN trong việc cho tổ chức tín dụng vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm ngay cả khi không có tài sản bảo đảm?
- Trước đây, khi cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm, NHNN phải xin ý kiến của Thủ tướng, Thủ tướng xin ý kiến Bộ Chính trị. Luật số 96 sửa đổi lần này trao quyền này cho NHNN bằng việc được quyết định cho vay đặc biệt khi tổ chức tín dụng không có tài sản bảo đảm.
Việc bổ sung quy định về cho vay đặc biệt trong Luật sửa đổi này nhằm mục đích để NHNN chủ động giải quyết các vấn đề liên quan cho vay đặc biệt. Ví dụ, một ngân hàng thương mại mất khả năng thanh khoản, khi thấy NHNN can thiệp kịp thời, người dân thấy tiền gửi vẫn được bảo đảm thì không xảy ra phản ứng dây chuyền.
Nhưng nếu thời điểm đó, nếu không có đủ nguồn tiền để cung cấp cho việc rút tiền của người dân thì thông tin này sẽ lan truyền rất nhanh. Khách hàng có thể kéo đến ào ào, rất dễ xảy ra khủng hoảng.
Thời gian để xử lý trong những tình huống như thế này là vô cùng cấp bách. Do đó, việc trao quyền cho vay đặc biệt để NHNN xử lý thanh khoản cho các ngân hàng thương mại gặp khủng hoảng sẽ giúp lấy lại lòng tin của người gửi tiền.
- Đọc Luật số 96, có người thắc mắc tại sao tổ chức tín dụng không có tài sản bảo đảm vẫn được vay đặc biệt với mức lãi suất 0%/năm?
- Trong trường hợp các tổ chức tín dụng vay đặc biệt, nếu có tài sản bảo đảm thì phải là trái phiếu Chính phủ. NHNN không lấy tài sản bảo đảm là bất động sản. Trường hợp không có tài sản bảo đảm, ngân hàng thương mại phải cầm cố bằng hồ sơ tín dụng.
Tuy nhiên cũng cần hiểu về tài sản bảo đảm, NHNN chỉ lấy trái phiếu Chính phủ. Bản chất hồ sơ tín dụng không phải là tài sản bảo đảm. Đó chỉ là sự ghi nhận, ngân hàng thương mại đang có hoạt động tín dụng và tài sản nằm ở nơi khác, đáng tin cậy.
Do đó, trong trường hợp không có tài sản bảo đảm và tình huống ngân hàng thương mại gặp tình trạng khẩn cấp, cần được can thiệp xử lý thì NHNN buộc phải cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm.
- Như vậy, cơ chế này gắn với trách nhiệm của NHNN trong việc cấp khoản vay đáp ứng thanh khoản của ngân hàng thương mại khi khủng hoảng xảy ra?
- Ở các nước, khi xảy ra tình huống ngân hàng thương mại mất khả năng thanh khoản, thông thường ngân hàng trung ương sẽ không "giải cứu" mà công ty bảo hiểm tiền gửi đứng ra cho vay.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tổ chức bảo hiểm tiền gửi quá nhỏ bé, không thể đủ nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại vay. Do đó, bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam chỉ xử lý các tình huống thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng nhỏ như ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân… Các khoản vay đáp ứng thanh khoản của ngân hàng thương mại thường rất lớn, chỉ có NHNN mới có thể xử lý.
Trường hợp ngân hàng thương mại vay không có tài sản bảo đảm thì NHNN vẫn phải cho vay nhằm để “cứu” tiền gửi của người dân. Không có sự can thiệp đó sẽ tạo ra khủng hoảng rút tiền dây chuyền. Nếu lòng tin của người gửi tiền không còn, rất dễ xảy ra sụp đổ hệ thống.
Do đó, đây là một biện pháp “cấp cứu” nhằm tránh khủng hoảng dây chuyền.
Lý do chưa áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi
- Ở một số nước, nếu ngân hàng thương mại mất thanh khoản, cơ chế bảo hiểm tiền gửi sẽ được áp dụng. Theo ông, tại sao chúng ta chưa thực hiện theo hình thức này?
- Tại Mỹ, việc bảo vệ người gửi tiền được thực hiện thông qua một tổ chức độc lập, gọi là FDIC (Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang). Theo quy định hiện nay, FDIC chỉ chi bảo hiểm tối đa 250.000 USD trên mỗi người gửi tiền, tại mỗi ngân hàng, theo mỗi loại sở hữu tài khoản.
Nếu một ngân hàng phá sản, khoản tiền gửi vượt mức này có thể bị mất hoặc chỉ được hoàn trả một phần, tùy thuộc vào kết quả thanh lý tài sản ngân hàng đó. Điều đó buộc khách hàng phải lựa chọn ngân hàng tin cậy để gửi tiền, thay vì chạy theo mức hấp dẫn của lãi suất.
Cho vay đặc biệt là biện pháp cấp bách nhằm tránh khủng hoảng dây chuyền.
Việc giới hạn bảo hiểm ở mức này có mục đích rất rõ ràng. Thứ nhất là để khuyến khích người gửi tiền phân tán rủi ro, không tập trung hết tài sản vào một ngân hàng. Thứ hai, tránh tạo ra rủi ro đạo đức – tức là khiến ngân hàng và người dân chủ quan, vì nghĩ rằng Nhà nước sẽ luôn "ứng cứu".
Thứ ba, cơ chế này giúp tăng tính kỷ luật thị trường, buộc ngân hàng phải minh bạch và người dân cân nhắc kỹ trước khi gửi tiền.
Trong khi đó, ở Việt Nam, khung bảo hiểm tiền gửi hiện nay là tối đa 125 triệu đồng/người/ngân hàng, theo quy định của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi có ngân hàng gặp khó khăn, Nhà nước thường can thiệp mạnh mẽ bằng việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, tái cơ cấu toàn diện, đồng thời bảo đảm người gửi tiền không bị mất mát.
Lý do là Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển hệ thống tài chính và niềm tin của người dân vào ngân hàng là yếu tố sống còn. Nếu để một ngân hàng lớn sụp đổ và người dân mất tiền, có thể gây hiệu ứng dây chuyền, làm cả hệ thống rúng động. Đồng thời, kiến thức tài chính phổ thông còn hạn chế, người dân chưa quen với việc đánh giá rủi ro ngân hàng, nên Nhà nước phải đóng vai trò bảo hộ mạnh hơn.
Ngoài ra, vì gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư phổ biến nhất của đại đa số người dân Việt Nam nên việc bảo vệ toàn bộ tiền gửi cũng là biện pháp ổn định xã hội.
- Việc cho ngân hàng thương mại vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm có tạo ra sự ỷ lại? Và theo ông, cần có cơ chế kiểm soát nào để tránh điều đó xảy ra?
- Điều này có thể tạo ra sự ỷ lại nhưng không phải từ ngân hàng thương mại mà từ người gửi tiền. Bởi có người sẽ tìm ngân hàng thương mại huy động vốn với lãi suất cao để gửi tiền và tin rằng khi rủi ro xảy ra đã có NHNN cho vay đặc biệt. Người gửi tiền không quan tâm ngân hàng đó có uy tín và chất lượng hay không? Đó gọi là rủi ro đạo đức.
Để khắc phục rủi ro này, chúng ta phải nâng cao năng lực tài chính của bảo hiểm tiền gửi. Thực tế, tất cả các ngân hàng đều phải đóng tiền về bảo hiểm tiền gửi, nhưng lượng tiền đóng không nhiều, không đủ để giải quyết những trường khẩn cấp như rút tiền hàng loạt.
- Vậy trong tương lai, Việt Nam có nên hướng tới mô hình như Mỹ, đó là chỉ chi bảo hiểm một phần tiền gửi, thưa ông?
- Về lâu dài là có. Khi thị trường tài chính ngân hàng phát triển hơn, khi niềm tin của người dân đã vững và khung pháp lý đủ mạnh, việc giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước và áp dụng cơ chế bảo hiểm có giới hạn sẽ hợp lý.
Điều đó không chỉ giúp thị trường vận hành hiệu quả hơn mà còn khuyến khích người dân chủ động hơn trong quản lý tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam vẫn cần cơ chế đặc biệt để bảo vệ hệ thống, tránh rủi ro lan truyền và duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
Bảo Trâm
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/vi-sao-ngan-hang-thuong-mai-duoc-vay-dac-biet-du-khong-co-tai-san-bao-dam-post187751.html