Vì sao năm mới bắt đầu vào ngày 1/1?
Lần đầu tiên ngày 1/1 được coi là ngày bắt đầu Năm mới là vào năm 45 trước Công nguyên. Trước đó, lịch La Mã bắt đầu vào tháng 3 và kéo dài 355 ngày. Sau khi lên nắm quyền, Hoàng đế La Mã Julius Caesar đã ban quyết định thay đổi cách tích lịch. Hoàng đế muốn tôn vinh thánh Janus của tháng 1 - vị thần đại diện cho sự khởi đầu của người La Mã, có hai khuôn mặt, cho phép ông nhìn về tương lai cũng như quá khứ nên đã chọn ngày 1/1 làm ngày đầu tiên của năm.
Tuy nhiên, ngày này không được hưởng ứng rộng rãi ở châu Âu cho đến tận giữa thế kỷ 16. Sau khi Kitô giáo du nhập, ngày 25/12 - ngày sinh của Chúa Giêsu - được đón nhận và ngày 1/1 - ngày bắt đầu năm mới bị coi là ngoại đạo. Mãi cho đến khi Giáo hoàng Gregory thay đổi lịch Julian để biến ngày 1/1 thành ngày chính thức bắt đầu một năm thì nó mới được chấp nhận.
Ngoài ra, người ta cho rằng con người đã bắt đầu tổ chức đón Năm mới từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, hay hơn 4.000 năm trước ở Babylon cổ đại. Vào ngày trăng non đầu tiên sau ngày xuân phân, thường là vào cuối tháng 3, người Babylon ăn mừng Năm mới bằng lễ kỷ niệm kéo dài 11 ngày gọi là Akitu, với mỗi ngày một buổi lễ riêng biệt.
Ảnh minh họa/Nguồn: Canva
Ngày nay, mặc dù nhiều nơi ăn mừng Ngày đầu năm mới vào ngày 1 tháng 1, một số nền văn hóa và tôn giáo lại có những ngày năm mới khác nhau.
Ngày 3/10 là ngày đầu tiên của năm mới của người Do Thái. Tết của người Do Thái, hay còn được gọi là Lễ Rosh Hashanah là dịp để họ nhớ về lịch sử của dân tộc và cầu nguyện cho đất nước quê hương.
Ngoài ra còn có Tết Nguyên đán nổi tiếng của các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam thường diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 trong năm. Đây là dịp để mọi người quây quần cùng nhau, sum vầy sau một năm để đón chào thời khắc giao thừa.
Ngày 1/1 không phải lúc nào cũng là ngày đầu năm mới. Trong quá khứ, một số lễ mừng năm mới diễn ra vào ngày xuân phân, một ngày khi mặt trời ở trên đường xích đạo của trái đất và ngày và đêm bằng nhau.
Trong nhiều nền văn hóa, ngày xuân phân đánh dấu thời điểm chuyển tiếp và khởi đầu mới, vì vậy lễ mừng năm mới theo văn hóa là điều tự nhiên đối với ngày xuân phân đó. Ngày xuân phân hay thu phân cũng có những người ủng hộ cho sự khởi đầu của một năm mới.
Ví dụ, lịch Cộng hòa Pháp, được triển khai trong thời kỳ cách mạng Pháp và được sử dụng trong khoảng 12 năm từ cuối năm 1793 - 1805, bắt đầu năm của nó vào ngày xuân phân. Người Hy Lạp ăn mừng năm mới vào ngày đông chí, ngày ngắn nhất trong năm.
T. Linh