Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tiền gửi khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tính tới hết tháng 2-2025 đạt hơn 7,366 triệu tỉ đồng, tăng 4,26% so với cuối năm ngoái.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, đã có hơn 301.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư hiện vượt tiền gửi của tổ chức kinh tế (hơn 7,362 triệu tỉ đồng).
Dòng tiền nhàn rỗi chảy nhiều vào ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác cũng diễn biến khá sôi động.
Với chứng khoán, chỉ số VN-Index tăng vọt từ vùng 1.200 điểm lên lên hơn 1.300 điểm. Rất nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh so với đầu năm, đáng kể có các cổ phiếu thuộc nhóm VinGroup tăng gần gấp đôi so chỉ trong thời gian ngắn. Giá trị giao dịch mỗi phiên đều vượt 20.000 tỉ đồng, thậm chí có ngày lên tới hơn 40.000 tỉ đồng.
Tương tự, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn liên tục lập mốc cao kỷ lục. Trong đó, giá vàng miếng SJC đang dao động quanh 120 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng giữ trên 115,5 triệu đồng/lượng khi giá thế giới tăng trở lại lên 3.330 USD/ounce.
Dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng các kênh đầu tư khác sôi động nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng, nguyên nhân chính đến từ áp lực gia tăng lãi suất huy động.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ leo thang do tác động từ làn sóng thuế quan mới, xu hướng lãi suất quốc tế đảo chiều tăng đã tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất trong nước, khiến nhiều ngân hàng thương mại buộc phải nâng lãi suất huy động trong những tuần gần đây. Qua đó, thu hút sự quan tâm trở lại từ nhà đầu tư.
Ở chiều ngược lại, kênh đầu tư vàng dù giá tăng nhưng lại dần đánh mất sức hấp dẫn vì giá nhiều lần thất bại khi chinh phục ngưỡng 3.400 USD/ounce. Nếu tính từ mốc đỉnh kỷ lục 3.500 USD/ounce, giá vàng hiện tại đã giảm khoảng 5,1%. Điều này khiến biên lợi nhuận trong ngắn hạn bị thu hẹp, làm giảm mạnh hoạt động đầu cơ.
Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng vượt hơn 301.000 tỉ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay
"Dù VN-Index đã hồi phục về vùng trên 1.300 điểm, tương đương thời điểm trước khi áp thuế đầu tháng 4 nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng. Việc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ có tiến triển nhưng chưa đạt được thỏa thuận cụ thể, khiến dòng tiền mới dè dặt hơn, qua đó làm suy yếu phần nào sức hút của kênh cổ phiếu" – ông Đinh Minh Trí nhận xét.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 5, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra là 16%. Tính đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 3,93% so với cuối năm ngoái, cao gấp 2,5 lần so với mức tăng tháng 3, cho thấy nhu cầu vốn đang dần phục hồi.
"Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17% - 18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5,5% - 6% trong năm nay" – chuyên gia của MBS nhận định.
Thái Phương