Vì sao người gầy vẫn mắc mỡ máu cao?

Vì sao người gầy vẫn mắc mỡ máu cao?
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ những người thừa cân mới có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến mỡ máu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trong ngưỡng bình thường, đặc biệt là dân văn phòng, cũng có thể gặp phải tình trạng rối loạn lipid máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh lý nguy hiểm khác.
Để cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu, bác sĩ thường khuyến nghị áp dụng một kế hoạch điều trị kết hợp 3 yếu tố gồm chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động và sử dụng thuốc (nếu cần).
Chị Bùi Thị Mến (32 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị có vóc dáng cân đối với trọng lượng 53kg, chiều cao 1,55m, và BMI là 22,1, thuộc phạm vi bình thường.
Do công việc văn phòng bận rộn, chị Mến ít có thời gian để vận động, dẫn đến vòng bụng tăng lên 82cm. Mặc dù đã thử nhiều phương pháp ăn kiêng, chị không thể giảm mỡ bụng, và nghĩ rằng việc tích mỡ này là do tuổi tác.
Tuy nhiên, khi khám sức khỏe tại tại Bệnh viện, chị bất ngờ khi phát hiện mức cholesterol trong máu cao vượt ngưỡng an toàn. Chỉ số cholesterol tổng cộng của chị là 6,92 mmol/L, cao hơn mức bình thường (dưới 5,2 mmol/L).
Đặc biệt, chỉ số LDL-C (cholesterol xấu) là 4,87 mmol/L, vượt quá mức an toàn (dưới 3,4 mmol/L). Đây là những dấu hiệu của tình trạng máu nhiễm mỡ, khiến chị đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Chị Vân (28 tuổi, Hà Nội), một nhân viên văn phòng khác, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sau khi sinh con, chị tăng 12kg trong thai kỳ và dù đã bắt đầu ăn kiêng kết hợp với vận động cường độ cao, chị vẫn tích tụ mỡ vùng bụng (vòng eo 85cm) và đùi, cân nặng dừng ở 60kg.
Chị cũng có mức cholesterol và acid uric cao, đồng thời phải đối mặt với chấn thương lưng do tập luyện cường độ cao tại nhà, dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Dù BMI của chị vẫn nằm trong mức bình thường, nhưng tình trạng mỡ máu và sức khỏe của chị lại đang có vấn đề nghiêm trọng.
Cả hai trường hợp trên là ví dụ tiêu biểu cho nhóm bệnh nhân "skinny fat" (gầy nhưng có mỡ bụng), vốn rất phổ biến trong cộng đồng dân văn phòng. Bác sỹ chuyên khoa II Vũ Thùy Thanh giải thích, mặc dù cơ thể có vẻ gầy, nhưng tình trạng tích tụ mỡ nội tạng (mỡ bụng) lại gây nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, và tiểu đường.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều người gầy nhưng vẫn mắc rối loạn lipid máu do một số nguyên nhân phổ biến như yếu tố di truyền: Rối loạn lipid máu nguyên phát có thể xuất phát từ yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ mắc các vấn đề về mỡ máu, khả năng cao con cái cũng sẽ gặp phải tình trạng này, bất kể thể trạng cơ thể.
Ít vận động: Những người ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng, có nguy cơ bị rối loạn lipid máu cao hơn. Lối sống ít vận động dẫn đến sự gia tăng cholesterol xấu (LDL-C) trong cơ thể.
Chế độ ăn uống không khoa học: Thói quen ăn uống nhiều thực phẩm chứa cholesterol xấu, chẳng hạn như bơ thực vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, và tôm, có thể khiến mỡ máu tăng lên. Một chế độ ăn không lành mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn lipid máu, ngay cả ở những người gầy.
Lạm dụng rượu bia: Mặc dù không bị thừa cân, nhưng việc lạm dụng rượu bia có thể làm tăng mức cholesterol xấu (LDL-C) trong máu.
Mặc dù BMI là một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá mức độ béo của cơ thể, nhưng bác sỹ Vũ Thùy Thanh nhấn mạnh rằng số đo vòng bụng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện nguy cơ mỡ nội tạng, một yếu tố quyết định đến nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và tiểu đường.
Theo bác sỹ này, vòng bụng lớn (trên 80cm đối với phụ nữ và trên 90cm đối với nam giới) là dấu hiệu cảnh báo tích tụ mỡ trong các cơ quan nội tạng, điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với mỡ dưới da. Mỡ nội tạng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, và bệnh tim mạch.
Để cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu, bác sỹ thường khuyến nghị áp dụng một kế hoạch điều trị kết hợp 3 yếu tố gồm chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động và sử dụng thuốc (nếu cần).
Bên cạnh việc thay đổi lối sống, nhiều người lựa chọn sử dụng công nghệ cao để hỗ trợ giảm mỡ. Một trong những phương pháp được ưa chuộng hiện nay là công nghệ đông hủy mỡ, đã được FDA công nhận.
Phương pháp này hoạt động bằng cách sử dụng nhiệt lạnh từ -5 đến -10 độ C để làm đông và phá hủy các tế bào mỡ, sau đó cơ thể tự động đào thải chúng ra ngoài mà không gây tác động tiêu cực đến mỡ máu hay hệ tuần hoàn.
Với chị Mến, sau khi áp dụng phương pháp đông hủy mỡ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị đã giảm 1.8kg và vòng eo giảm từ 82cm xuống còn 75cm chỉ sau 5 tuần điều trị. Tương tự, chị Vân cũng giảm cân và giảm mỡ bụng sau một lần can thiệp.
Dân văn phòng thường xuyên ngồi lâu, ít vận động, và có chế độ ăn uống không cân đối, khiến nguy cơ rối loạn lipid máu và các bệnh lý về tim mạch tăng cao. Mặc dù BMI có thể ở mức bình thường, nhưng nếu vòng bụng quá lớn hoặc chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng an toàn, bạn vẫn có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng mỡ máu cao, bác sĩ khuyến nghị người dân cần tăng cường vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh, tránh thực phẩm chứa nhiều cholesterol xấu và axit béo bão hòa. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi chỉ số mỡ máu và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Rối loạn lipid máu không chỉ gặp ở người béo phì mà còn là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của nhiều người có cân nặng bình thường, đặc biệt là dân văn phòng. Do đó, việc kiểm soát mỡ máu và vòng bụng là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/vi-sao-nguoi-gay-van-mac-mo-mau-cao-d240126.html