Chúng tôi có mặt tại vườn đào Nhật Tân vào sáng 15/12, đây là thời điểm đào vừa tuốt lá, nên cả cánh đồng một màu xám xịt. Anh Hưng, chủ vườn đào Quang Hưng có 300 gốc đào huyền cho biết, vườn nhà anh cao nên bão số 3 chỉ quật mất ngọn nhiều cây đào huyền, những cây còn lại thì xây xước, gãy cành, chảy nhựa. Vì vậy, hoa năm nay không đẹp như mọi năm.
Ông chủ vườn đào huyền Quang Hưng mong ngóng thời tiết thuận lợi để hoa nở trúng dịp Tết.
Theo chủ vườn đào Quang Hưng, những hộ trồng đào ngoài bãi đều mất trắng do bão số 3, nước ngập đến đầu người, làm đào chết hết. Năm nay, đào phai hiếm hơn do đa số trồng ngoài bãi và bị ngập nước chết. Anh Hưng hy vọng từ nay đến Tết, thời tiết thuận lợi để 300 gốc đào huyền và vài chục cây đào chum nở trúng Tết. “Thị trường mấy năm nay chuộng đào huyền, nhưng do bão nên phân bón, công chăm sóc đều tăng hơn. Tôi đã đầu tư tiền tỷ vào đây, còn trúng vụ Tết hay không đều phụ thuộc vào thời tiết hết”, anh Hưng chia sẻ.
Một trong những ông chủ trồng đào lớn nhất ở Nhật Tân là anh Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân cho hay, anh đã đầu tư 4 tỷ đồng vào vụ đào Tết năm nay, nhưng đến thời điểm này, anh vẫn nín thở. “Bão số 3 khiến cả vườn đào xơ xác, nhà tôi bị hỏng tới 50-60%, hỏng rất nhiều cây đào to”, anh Việt kể.
Mọi năm, vườn đào Tuấn Việt có từ 500-600 cây đào thế, đào thông, có những cây đào bán giá 60-70 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ còn 300 cây đào lớn nhỏ, trong đó chỉ có khoảng 100 cây chất lượng. Đặc biệt, mọi năm vườn có hơn 100 cây đào thông, nhưng năm nay chỉ còn gần 70 cây, vài đơn vị đến mua là hết. Ông chủ vườn đào Tuấn Việt cũng chia sẻ thêm, do mất trắng hàng trăm gốc đào nên anh vừa phải đầu tư 500 triệu mua gốc mới về trồng để kịp vào vụ Tết.
Đào Nhật Tân vừa tuốt lá, năm nay không có nhiều đào to, đào đẹp.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân, làng nghề có có hơn 800 hộ làm nông nghiệp, trong đó hơn 400 hộ trồng đào. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều đã làm hỏng một diện tích trồng đào không nhỏ, cộng thêm bão lụt, khiến cả làng nghề hỏng tới 50%. Điển hình, những hộ trồng đào ngoài bãi mất trắng, có gia đình đầu tư vài trăm triệu đến một vài tỷ đồng đã mất sạch. Để vớt vát cho vụ Tết, nhiều nhà đã phải mua gốc đào nhỏ ở Thường Tín, Mê Linh, Hà Đông (Hà Nội) về trồng và chăm bón. Nhưng đây chỉ là đào nhỏ, lấy công làm lãi, có tiền tiêu Tết.
Còn hơn 1 tháng nữa mới Tết Nguyên đán, song lác đác đã có những cơ quan, đơn vị lên vườn đào Nhật Tân đặt mua sớm. Sáng 15/12, anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội), một khách hàng thường xuyên mua đào cho cơ quan sau một hồi chọn lựa mới mua được 9 cây đào. Anh Hùng cho biết: “Mọi năm lên đây rất nhiều đào đẹp, chọn một lúc là đủ, nhìn cây nào cũng muốn mua. Nhưng năm nay đào xấu hơn, cây nhỏ hơn, không có nhiều để lựa chọn”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân Trần Tuấn Việt, bà con làng nghề Nhật Tân trúng hay trượt vụ Tết phải từ mùng 10 tháng 12 âm lịch mới biết. “Do khan hiếm nguồn cung nên các vùng lân cận phải hỗ trợ, nếu chỉ riêng Nhật Tân thì không đủ cho thị trường”, anh Việt nhận định.
Còn nhớ, năm 2023, bà con tuốt lá sớm, đến gần Tết, thời tiết nắng ấm kéo dài, đào Nhật Tân bung nở sớm. Năm nay, bà con lùi tuốt lá từ 1 tuần đến 10 ngày, theo anh Việt, nếu từ nay tới Tết có vài vụ rét đậm, thì đào sẽ non, không nở trúng Tết. Đây là lo lắng chung của người trồng đào khi năm nay họ “đánh cược” tuốt lá muộn, cộng thêm vốn liếng và công sức bỏ ra gấp đôi mọi năm, nếu trượt vụ Tết sẽ thua lỗ nặng.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân, tuy chất lượng đào năm nay giảm, nhưng dự kiến giá bán đào Tết sẽ tăng chung khoảng 10-15%, tùy theo nhóm; đào cung ứng cho cơ quan công sở khan hiếm, có thể tăng 30% so với năm ngoái.
“Thời điểm này chưa nói trước được gì, nếu nắng và rét đan xen, đào sẽ đẹp và nở vào đúng Tết. Còn vài trận rét kéo dài hay nắng vài trận mà có gió Đông thì chúng tôi thất thu. Ông trời thương cho thời tiết thuận lợi thì bà con mới có Tết”, anh Trần Tuấn Việt mong mỏi.
Trần Hằng