Vì sao nhiều ĐBQH nhất trí duy trì mức phí công đoàn 2%?

Vì sao nhiều ĐBQH nhất trí duy trì mức phí công đoàn 2%?
4 giờ trướcBài gốc
Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Cho ý kiến để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật, nhiều ĐBQH quan tâm đến quy định mức đóng kinh phí công đoàn.
Tại Báo cáo giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) nêu rõ, trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%. Việc duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 24/10.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí này cũng giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động; đặc biệt là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Thảo luận ở hội trường, ĐBQH Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật. Theo đại biểu, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao.
ĐBQH Trần Nhật Minh - – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn, nên khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên, khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ và bảo vệ duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở thuộc trường hợp tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn.
Đại biểu Trần Nhật Minh phân tích: "Do đó việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như quy định trong dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động, trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần ổn định phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp".
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ nhất trí cao với việc duy trì kinh phí công đoàn 2%, cho rằng qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp công đoàn xây dựng đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động, tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa công đoàn người lao động, công đoàn và người lao động ngày càng tốt hơn.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, cần quy định cụ thể, doanh nghiệp dưới 500 lao động thì đóng mức 2%, từ 500 đến 3.000 lao động là 1,5%, trên 3.000 lao động chỉ 1% nhằm bảo đảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Liên quan đến mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở rất thấp, gây khó khăn cho việc hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia tổ chức Công đoàn cấp cơ sở.
Theo đại biểu, tuy dự thảo luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính công đoàn nhưng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, nâng mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở để phù hợp với trách nhiệm và tình hình hiện tại.
Lê Bảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-nhieu-dbqh-nhat-tri-duy-tri-muc-phi-cong-doan-2-169241024112302398.htm