Vì sao nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh hễ mưa là ngập?

Vì sao nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh hễ mưa là ngập?
4 giờ trướcBài gốc
Và lần nào cũng vậy, những người có trách nhiệm luôn có những cam đoan, cam kết sẽ hết ngập nước nơi này, nơi nọ trong một thời gian nhất định. Nhưng rồi vấn đề ngập nước vẫn cứ tiếp diễn hết năm này qua năm nọ, hết ngập chỗ này thì chuyển sang chỗ khác và hơn 2 thập kỷ qua, ngập nước vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…
Kết thúc mùa mưa năm 2024, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổng hợp lại, TP Hồ Chí Minh còn 30 tuyến đường ngập trong mưa, thời gian nước rút trước 30 phút. Quận 1 có 11 tuyến đường gồm: Calmette, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Trương Định, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Phạm Viết Chánh, Lê Thị Riêng. Gò Vấp có 4 tuyến: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích. Bình Thạnh có tuyến Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Bình Quới.
Quận Bình Tân có 3 đường gồm: Tân Hòa Đông, Phan Anh, An Dương Vương. Quận 12 là đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá. Huyện Hóc Môn có 2 đường là Song hành quốc lộ 22 và Bà Triệu… Đó chỉ là những tuyến đường thời gian rút trước 30 phút, còn rút sau 30 phút thì vẫn còn nhiều mà khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) là một điển hình.
Ngập nước ở TP Thủ Đức sau cơn mưa ngày 10/5/2025.
Cơn mưa lớn hơn 150mm vào sáng ngày 10/5/2025 đã phản ánh rất rõ, nội ngoại thành TP Hồ Chí Minh nhiều nơi ngập sâu, nhiều người phải bỏ làm vì không di chuyển được qua các tuyến đường ngập nặng. Tất nhiên, địa điểm ngập vẫn là các tuyến đường được Sở Xây dựng chỉ ra.
Có nơi, như đường Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh) bị ngập nặng trên đoạn dài hơn 1km, nước sâu gần 1m, xe máy phải dẫn bộ. Các tuyến đường quanh chợ Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Lê Văn Ninh, Đặng Thị Rành bị ngập sâu, xe gắn máy không qua được. Do áp lực nước mạnh, nhiều nắp cống bị bung lên tạo cảm giác hết sức lo sợ cho người đi đường.
Theo ông Nguyễn Quang Chi, Phó Trưởng phòng Giao thông công chánh (UBND TP Thủ Đức), khu vực chợ Thủ Đức thuộc vùng chuyển tiếp từ vùng gò đồi giáp ranh tỉnh Bình Dương hướng về vùng ven sông Sài Gòn, cao độ địa hình biến thiên từ +30.0m giảm xuống đến +0.50m, có độ dốc lớn, trong đó khu vực chợ Thủ Đức có cao độ thấp từ +0,6m đến +1m.
Thực trạng hệ thống thoát nước của khu vực chợ Thủ Đức chủ yếu là hệ thống cống tròn nhỏ đã được đầu tư lâu năm, khả năng tiêu thoát nước kém; các tuyến kênh, rạch, mương xung quanh khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên bị cát, đất bồi lắng và tình trạng xả rác, chất thải rắn xuống lòng kênh, rạch, mương vẫn tồn tại, làm khả năng trữ nước kém, hạn chế khả năng tiêu thoát nước.
Qua kiểm tra, rà soát, hiện trạng ngập của các tuyến đường thuộc khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Lê Văn Ninh, Kha Vạn Cân) sau các cơn mưa với vũ lượng từ 60mm trở lên kết hợp triều cường có chiều sâu ngập khoảng từ 20-50cm.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Chi, do địa hình trũng, thấp nên khu vực chợ Thủ Đức là khu vực lòng chảo, đón nhận nước đổ về từ các hướng để thoát ra rạch cầu Ngang và rạch Thủ Đức. Tuy nhiên, tại Cầu Ngang (trên đường Kha Vạn Cân giao với rạch Cầu Ngang) có chiều rộng hẹp, khoảng 5,3m, là vị trí “thắt cổ chai”, nước thoát ra rạch Thủ Đức không kịp nên gây ngập.
Đồng thời, do quá trình đô thị hóa và bê tông hóa cao làm thay đổi căn bản lớp phủ của lưu vực hứng nước mưa từ tự nhiên (dễ thấm nước) đến nay hầu hết đã bị mất khả năng thấm nước dẫn đến lưu lượng đỉnh mưa tăng lên làm cho hệ thống thoát nước xung quanh khu vực chợ Thủ Đức trở nên quá tải.
Để khắc phục thực trạng này, UBND TP Thủ Đức đã triển khai thực hiện khá nhiều hạng mục công trình như việc nạo vét hệ thống thoát nước tuyến đường Lê Văn Ninh, nạo vét thông thoáng lòng rạch Cầu Ngang, vận hành tất cả các van ngăn triều trên rạch Cầu Ngang để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh cho tuyến đường Dương Văn Cam, phường Linh Tây (đặc biệt tại van ngăn triều tự động cuối hẻm 91 đường Dương Văn Cam). Kiểm tra, nạo vét, thanh thải hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân để việc thu nước, tiêu thoát nước được đảm bảo theo thiết kế được duyệt. Duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, đoạn đường Kha Vạn Cân…
Đồng thời tiếp tục triển khai Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân và Hồ Văn Tư) đang thực hiện công tác đấu thầu, dự kiến thi công trong quý IV/2025; dự án Xây dựng mới Cống Rạch Cầu Ngang; nâng cấp mặt đường Tâm Tâm Xã, hẻm 14 Tâm Tâm Xã và hẻm 57 đường Dương Văn Cam; nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2025…
Tuy nhiên, người dân quanh khu vực chợ Thủ Đức vẫn chưa tin nhà của họ sẽ không bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Bởi trước đây, khi dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân với kinh phí 248 tỷ đồng hoàn thành, được cho sẽ giải quyết căn cơ vấn đề ngập nước ở khu vực chợ Thủ Đức, nhưng cuối cùng chỉ một cơn mưa đầu mùa (năm 2024) thì chợ Thủ Đức vẫn biến thành sông…
Có lẽ một nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ sẽ trả lời rõ câu hỏi này. Theo nhóm tác giả nói trên, về nguyên nhân khách quan, ngập nước ở TP Hồ Chí Minh là mưa với cường độ lớn, thủy triều biển Đông cao. Bên cạnh đó là lún đất do khai thác nước ngầm quá mức đã làm hạ thấp các nền đất của TP Hồ Chí Minh dẫn đến độ ngập tăng lên.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu đo đạc, lũy kế từ tính từ năm 1990 đến 2022 TP Hồ Chí Minh đã sụt lún khoảng 1m. Trong đó, 10 quận có mức độ sụt lún đáng kể là 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và TP Thủ Đức. Riêng quận Tân Bình và quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất…
Về nguyên nhân chủ quan là do đô thị hóa làm mất đi mặt phủ thấm nước một cách đáng kể. Đô thị hóa còn làm biến mất các dòng chảy tự nhiên, lưu vực bị chia cắt hình thành các lưu vực mới. Một điều khá quan trọng là đô thị hóa tạo ra dòng chảy tràn lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Thay thế kênh rạch bằng cách cống hóa là một trong những nguyên nhân hủy hoại dòng chảy tự nhiên lớn, gây tác động đến nước.
Hệ thống sông, kênh, rạch tại TP Hồ Chí Minh đang dần bị thu hẹp, phần lớn đã bị bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập. Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy được các tuyến kênh, rạch còn rất nhiều hạn chế. Tình trạng xả rác ra kênh rạch, cửa xả hệ thống cống thoát nước vẫn còn rất phổ biến làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hố ga, cửa xả. Nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép làm thu hẹp dòng chảy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của khu vực đặc biệt có nhiều đoạn sông, kênh, rạch bị khai tử.
Hệ thống cống thoát nước quá tải cho nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước đặc biệt khi có mưa to và thời gian mưa kéo dài. Công tác quy hoạch còn hạn chế, việc chống ngập cần phải tìm nguyên nhân từng điểm ngập từ đó xây dựng quy hoạch phải đồng bộ nhiều ngành, kế hoạch quản lý xử lý lâu dài đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Nhiều quy hoạch được phê duyệt hiện đã không còn phù hợp, nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh… Đặc biệt đó chính là tiến độ triển khai các dự án quá chậm dẫn đến chất lượng, điều kiện triển khai các giải pháp chống ngập không đáp ứng yêu cầu thực tế…
Mã Hải
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/vi-sao-nhieu-tuyen-duong-o-tp-ho-chi-minh-he-mua-la-ngap--i768883/