Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường tới Ả rập Xê út, bắt đầu chuyến công du quốc tế đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Sau Ả rập Xê út, ông Trump sẽ tới Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Qatar. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng đã đến thăm Ả rập Xê út trước bất kỳ quốc gia nào khác, phá vỡ truyền thống của các Tổng thống Mỹ là thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Vương quốc Anh.
Sự lựa chọn Ả rập Xê út cho thấy tầm quan trọng chiến lược mà ông Trump dành cho Trung Đông, cả về mặt ngoại giao và kinh tế. Trong khi các chính quyền khác tập trung vào liên minh truyền thống châu Âu, chính quyền Trump lại tái khẳng định ưu tiên của mình là thúc đẩy quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh, nơi ông coi là trung tâm của hòa bình, đầu tư và sức mạnh khu vực.
Tròn 80 năm sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt đặt nền móng cho mối quan hệ song phương mang tính chiến lược giữa Riyadh và Washington, trên cơ sở Ả rập Xê út xuất khẩu dầu cho Mỹ, còn siêu cường Mỹ cung cấp an ninh cho Ả rập Xê út.
Mô hình hợp tác dầu mỏ - an ninh giữa Mỹ và Ả rập Xê út đã tồn tại gần một thế kỷ. Ngày 14/2/1945, Tổng thống Roosevelt gặp Quốc vương Ibn Saud trên tàu USS Quincy giữa Kênh đào Suez. Cuộc gặp lịch sử này đặt nền móng cho một thỏa thuận “không thành văn” nhưng vững chắc: Riyadh đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phương Tây, còn Washington bảo đảm an ninh cho vương quốc này giữa một khu vực đầy biến động.
Suốt Chiến tranh Lạnh, thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh và cả sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, mối quan hệ ấy vẫn giữ vai trò then chốt. Dù có lúc căng thẳng, như khi Mỹ điều tra vai trò của công dân Ả rập Xê út trong các vụ khủng bố, hay gần đây là cuộc khủng hoảng dầu mỏ, thì liên minh này vẫn đứng vững nhờ sự phụ thuộc lẫn nhau.
Các nhà quan sát cho rằng, khi ông Donald Trump trở lại chính trường và đến thăm Riyadh, ông làm sống lại mô hình "đổi chác chiến lược", nhưng theo cách riêng của ông: thẳng thắn, thực dụng và đầy tính giao dịch. Ông Trump không che giấu kỳ vọng: nếu Ả rập Xê út muốn có sự bảo trợ quân sự từ Mỹ, họ phải đầu tư mạnh tay vào nền kinh tế Mỹ, mua vũ khí Mỹ và hợp tác trong các ưu tiên an ninh của Washington. Và Riyadh hiểu rõ quy luật này.
Từ khi ông Trump quay lại Nhà Trắng, Riyadh đã nhanh chóng công bố các kế hoạch đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD vào Mỹ, đồng thời khởi động lại các thỏa thuận quốc phòng từng bị đình trệ dưới thời ông Biden. Về phần mình, ông Trump nhìn nhận Ả rập Xê út như một đối tác “có thể mang lại giá trị thực sự” - từ dầu mỏ, hợp đồng quân sự, đến ảnh hưởng khu vực.
Như các bạn đã biết, Ả rập Xê út là một trong những quốc gia mua nhiều sản phẩm của Mỹ nhất, đặc biệt là thiết bị quân sự - và không nghi ngờ gì, chúng tôi sản xuất những vũ khí tốt nhất thế giới. Chúng tôi đánh giá rất cao việc họ làm như vậy. Những hợp đồng mua sắm từ Ả rập Xê út đã tạo ra ít nhất một triệu việc làm cho nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong quá khứ, mối quan hệ Mỹ - Ả rập Xê út gần như xoay quanh dầu mỏ. Nhưng ngày nay, hợp tác đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực chiến lược khác:
Trong lĩnh vực Quốc phòng: Riyadh đang tìm kiếm một hiệp ước an ninh chính thức với Washington - điều chưa từng có tiền lệ. Ả rập Xê út muốn một cam kết rõ ràng rằng Mỹ sẽ bảo vệ vương quốc này trước các mối đe dọa từ Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Trong lĩnh vực Năng lượng hạt nhân: Ả rập Xê út mong muốn phát triển chương trình hạt nhân dân sự với sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, việc Riyadh muốn tự làm giàu uranium khiến Washington và Tel Aviv lo ngại về khả năng phổ biến vũ khí.
Trong lĩnh vực Đầu tư song phương:Ả rập Xê út công bố kế hoạch đầu tư hơn 600 tỷ USD vào Mỹ trong bốn năm, từ các quỹ đầu tư quốc gia đến lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng.
Về giá dầu và chính sách toàn cầu: Ông Trump muốn giá dầu thấp để hỗ trợ kinh tế Mỹ, trong khi Riyadh lại cần giá cao để tài trợ cho các chương trình cải cách đầy tham vọng như Tầm nhìn 2030. Hai bên sẽ phải đạt được sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích ngắn hạn và chiến lược dài hạn.
Dưới thời ông Trump, mối quan hệ Mỹ - Ả rập Xê út không còn đơn thuần là “dầu đổi lấy an ninh”. Thay vào đó, nó đã trở thành một liên minh chiến lược toàn diện, trong đó mỗi bên tìm cách tối ưu hóa lợi ích của mình: Washington muốn Riyadh đầu tư mạnh vào nền kinh tế Mỹ, mua vũ khí, duy trì giá dầu hợp lý và hỗ trợ các ưu tiên an ninh tại Trung Đông; còn Riyadh muốn có sự bảo hộ quân sự, hỗ trợ hạt nhân, công nghệ cao và quan trọng nhất là được công nhận là đối tác hàng đầu của Mỹ.
Từ cái bắt tay giữa Tổng thống Roosevelt và Quốc vương Ibn Saud năm 1945 cho đến thỏa thuận đầu tư - an ninh dưới thời ông Trump, mối quan hệ Mỹ - Ả rập Xê út vẫn là một trong những trục xoay chiến lược bền vững nhất tại Trung Đông. Và chuyến thăm lần này của ông Trump nhằm mục đích làm sâu sắc thêm cấu trúc ngoại giao đã tồn tại 80 năm - nhưng được định hình theo một cách mới, dựa trên các giá trị từ dầu mỏ, vũ khí và quyền lực.
Kỳ vọng mở rộng đầu tư công nghệ cao với UAE
Theo kế hoạch, điểm đến tiếp theo của ông Trump trong chuyến công du đến vùng Vịnh sẽ là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Sở hữu tiềm lực tài chính hùng hậu, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người - đã cam kết rót hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Thủ đô Abu Dhabi thậm chí đã tự định vị mình là “thủ đô của dòng vốn toàn cầu”. Trong số các quốc gia vùng Vịnh, có lẽ không nơi nào theo đuổi chiến lược đầu tư nhằm thắt chặt quan hệ với Mỹ và tối đa hóa lợi ích mạnh mẽ như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Tiến sĩ Ebtesam AlKetbi, Chủ tịch Trung tâm Chính sách Các Tiểu vương quốc tại Abu Dhabi nhận định: “Mở rộng thương mại và đầu tư là phương thức then chốt để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược. Mỹ vẫn là người bảo đảm an ninh quan trọng đối với khu vực vùng Vịnh, đồng thời sở hữu một nền kinh tế năng động, giàu cơ hội và công nghệ - những yếu tố phù hợp với các kế hoạch phát triển dài hạn của vùng Vịnh”.
Tôi nghĩ Dubai, giống như toàn thế giới, chỉ có thể phát triển mạnh mẽ trong một thế giới lành mạnh, an toàn. Điều đó rất rõ ràng và tôi nghĩ mọi người ở vùng Vịnh đều nhận thức rõ điều đó. Tôi nghĩ họ thích nghe thấy ai đó đến và nói: Chúng tôi muốn hòa bình ở Trung Đông. Chúng tôi muốn hòa bình giữa Nga và Ukraine. Chúng tôi muốn sự thịnh vượng toàn cầu. Toàn bộ khu vực này phụ thuộc vào một nước Mỹ nhỏ bé, một nước Mỹ hùng mạnh.
Ông Eric Trump - Con trai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vào tháng 3, UAE đã công bố một kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD trong vòng 10 năm, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghiệp chế tạo và năng lượng. Theo thông tin từ Đại sứ quán UAE tại Washington, tổng giá trị các khoản đầu tư hiện có của UAE tại Mỹ đã lên tới 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, tham vọng của Abu Dhabi không dễ dàng đạt được nếu thiếu sự tiếp cận với các loại vi mạch tiên tiến do Mỹ sản xuất - vốn là nền tảng cốt lõi của công nghệ AI hiện đại.
Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ AI, đặc biệt là vi mạch cao cấp, với mục tiêu ngăn chặn việc công nghệ rơi vào tay các đối thủ như Trung Quốc. Những hạn chế này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/5 và UAE nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng. Điều này đặt ra một trở ngại lớn cho tham vọng công nghệ của nước này, nhất là khi mục tiêu chính thức là trở thành cường quốc AI toàn cầu vào năm 2031.
Ông Trump có xu hướng bỏ qua các rào cản về kiểm soát xuất khẩu nếu hoạt động này mang lại lợi ích kinh tế hoặc quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước đồng minh. Theo truyền thông Mỹ, chính quyền Trump đã cam kết gỡ bỏ một phần các hạn chế này ngay trước chuyến thăm UAE - điều cho thấy khả năng rất thực tế rằng Abu Dhabi sẽ sớm được tiếp cận các dòng chip AI tiên tiến và thiết bị điện toán hiệu năng cao từ Mỹ.
Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông Trump thường yêu cầu các quốc gia đối tác phải có “phần chia cụ thể” dành cho nền kinh tế Mỹ. Đổi lại, ông sẵn sàng khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như NVIDIA, Intel, Microsoft, hoặc OpenAI mở rộng hợp tác, chuyển giao công nghệ hoặc đặt trung tâm nghiên cứu tại các nước “thân thiện và có vốn lớn” như UAE.
Qatar - lá bài chiến lược của Mỹ trong bàn cờ Trung Đông
Qatar sẽ là quốc gia cuối cùng trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới vùng Vịnh từ ngày 13 đến 16/5. Đây là một quốc gia nhỏ bé về diện tích nhưng lại có tầm ảnh hưởng ngoại giao vượt trội tại Trung Đông. Là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, đồng thời giữ vị thế trung gian trong nhiều cuộc xung đột quan trọng, Qatar đã khéo léo xây dựng một chính sách đối ngoại vừa mềm dẻo vừa sắc sảo, khiến quốc gia này trở thành một đối tác không thể thiếu của Washington. Không chỉ dừng lại ở hợp tác quân sự, Qatar còn đóng vai trò cầu nối trong các cuộc đàm phán then chốt tại các điểm nóng - từ Gaza đến Afghanistan và giờ đây là cả Syria đầy phức tạp.
Qatar là quốc gia vùng Vịnh có mối quan hệ an ninh chính thức và chặt chẽ nhất với Mỹ. Nước này hiện đang là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông - một địa điểm mà Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là “không thể thay thế” đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ trong khu vực. Năm ngoái, Mỹ đã âm thầm đạt được thỏa thuận kéo dài sự hiện diện quân sự tại căn cứ này thêm 10 năm. Đồng thời, hai bên cũng sửa đổi thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ năm 1992 nhằm củng cố thêm nền tảng cho quan hệ an ninh song phương.
Từ năm 2022, dưới thời chính quyền của ông Biden, Qatar đã được Mỹ công nhận là đồng minh lớn ngoài NATO - một danh hiệu dành cho những đối tác có quan hệ chiến lược và hoạt động quân sự chặt chẽ với Washington.
Trong lĩnh vực ngoại giao, Qatar đóng vai trò trung gian quan trọng trong nhiều cuộc xung đột lớn, từ chiến sự ở Gaza đến tiến trình đàm phán tại Afghanistan. Giới chuyên gia nhận định rằng, việc tham gia vào các vai trò hòa giải là một phần trong chiến lược của Qatar nhằm duy trì tầm ảnh hưởng và sự hiện diện trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Các quốc gia vùng Vịnh xem vai trò hòa giải xung đột như một công cụ quyền lực mềm và danh tiếng. Họ đã khéo léo dùng vị thế đó để trở thành đối tác không thể thiếu trong chương trình nghị sự chính trị của ông Trump.
Chuyến thăm của ông Trump tới vùng Vịnh, theo các nhà phân tích, không chỉ là chuyến đi ngoại giao đơn thuần, mà là một “thương vụ chính trị”. Mỗi quốc gia trong bộ ba Ả rập Xê út - UAE - Qatar đều kỳ vọng đạt được những thỏa thuận mới có lợi cho cả hai phía.
Với Qatar, những lợi ích đó có thể bao gồm: Tiếp tục duy trì vị thế “đồng minh then chốt” trong các chính sách an ninh khu vực của Mỹ; đảm bảo vai trò hòa giải được tôn trọng và hỗ trợ; tác động lên các quyết sách lớn của Mỹ trong khu vực như việc trừng phạt Syria; củng cố cam kết quân sự lâu dài từ Washington.
Trước chuyến thăm của ông Donald Trump, Qatar bất ngờ thông báo sẽ tặng ông một chiếc máy bay sang trọng Boeing 747 để sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một trong nhiệm kỳ tới. Đây được xem là món quà mang tính biểu tượng cao, thể hiện thiện chí chính trị và kỳ vọng vào mối quan hệ song phương ngày càng bền chặt.
Tôi nghĩ chuyện xảy ra với chiếc máy bay là thế này: Chúng tôi thực sự thất vọng vì Boeing đã mất quá nhiều thời gian để chế tạo chiếc Không lực Một mới. Hiện chúng ta đang sử dụng một chiếc Không lực Một đã 40 năm tuổi. Nhưng tôi nghĩ đó là một cử chỉ tuyệt vời. Và tôi cho rằng đó là một hành động thể hiện thiện chí, vì chúng ta đã và sẽ tiếp tục giúp đỡ các quốc gia đó - Ả rập Xê út, UAE, Qatar và những nước khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ở chiều ngược lại, ông Trump có thể tận dụng sự hợp tác của Qatar như một “lá bài chiến lược” trong bàn cờ Trung Đông để thúc đẩy các ưu tiên của Mỹ tại khu vực, tái định hình vai trò của Washington và đồng thời tạo ra các cơ hội thương mại, đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ.
Chuyến công du ba nước vùng Vịnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn thể hiện rõ chiến lược "ngoại giao thực dụng" mà ông đang theo đuổi. Từ việc củng cố quan hệ an ninh với Ả rập Xê út, mở rộng đầu tư công nghệ cao với UAE cho đến vai trò hòa giải chiến lược của Qatar, mỗi điểm dừng chân đều mang theo kỳ vọng về những thỏa thuận mang tính “đôi bên cùng có lợi”. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc, từ chiến sự ở Gaza và Ukraine, đến cạnh tranh công nghệ toàn cầu, việc Tổng thống Mỹ Trump ưu tiên Trung Đông cho thấy khu vực này vẫn là mắt xích then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Những cam kết được đưa ra trong chuyến đi lần này có thể sẽ định hình lại cấu trúc quyền lực và ảnh hưởng tại vùng Vịnh trong nhiều năm tới.
Hiền Thảo
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/vi-sao-ong-trump-chon-vung-vinh-la-noi-dau-tien-cong-du-329322.htm