Vì sao phải cấm nồng độ cồn khi điều khiển flycam?

Vì sao phải cấm nồng độ cồn khi điều khiển flycam?
một ngày trướcBài gốc
Hiện trường vụ tai nạn ở Kiên Giang. Ảnh: D.T.
Đó là một phần dự thảo Nghị định quy định quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay mà Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định. Dự thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.
Cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu là quy định pháp luật phổ quát ở hầu khắp các quốc gia. Nhưng vì sao phải áp dụng với điều khiển máy bay không người lái?
Công nghệ máy bay không người lái (flycam,drone/UAV) đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng có nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng kéo theo những vấn đề chưa từng có tiền lệ.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận vụ tai nạn liên quan đến drone gây chết người. Cụ thể, sáng 20/11/2024, ông T. (49 tuổi, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) lái xe tới khu vực xã Mỹ Hiệp Sơn thì va chạm với drone do M.V.L. (29 tuổi, người địa phương) điều khiển, đang xịt thuốc gần đó. Ông T. bị cánh quạt drone chém vào đầu và cổ, bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Chưa có thông tin về việc M.V.L có nồng độ cồn trong máu lúc điều khiển drone lúa hay không.
Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã ghi nhận trường hợp bị phạt vì điều khiển drone trong lúc say rượu. Vụ việc xảy ra vào tháng 7/2024, tại một sự kiện trưng bày xe cổ. Khi đó, cảnh sát Thụy Điển đang sử dụng drone để giám sát khu vực thì phát hiện một chiếc drone tư nhân bay trong cùng không phận. Vì không phận sự kiện đã bị hạn chế, cảnh sát đã lần theo dấu vết và tìm ra người điều khiển.
Khi bị phát hiện, người đàn ông 55 tuổi này có nồng độ cồn trong máu 0,69 ml trên 1 ml máu. Mức nồng độ cồn cho phép khi lái xe ở Thụy Điển là 0,2. Theo đài truyền hình SVT, nhà chức trách đã áp dụng thang phạt lái xe khi say rượu để xác định mức phạt trong trường hợp này.
Cơ quan chức năng giải thích, mặc dù drone có thể tự bay nhưng vẫn do con người điều khiển. Do đó có thể rơi từ trên cao và gây thương tích cho người khác.
Người đàn ông phải nộp phạt 32.000 kronor, tương đương 72,3 triệu đồng. Đây được cho là trường hợp đầu tiên thuộc loại này ở Thụy Điển.
Nhật Bản cũng đã có luật cấm điều khiển drone khi say rượu. Mức phạt dành cho những người vi phạm là 300.000 yen (48,5 triệu đồng). Còn tại Mỹ, những người điều khiển drone phải đăng ký với Cục Hàng không Liên bang (FAA) và duy trì nồng độ cồn trong máu dưới 0,04 mg/ml.
Theo các chuyên gia và khuyến cáo của các hãng sản xuất drone/flycam, có những cơ sở để cấm người điều khiển drone uống rượu bia trước đó. Khi có cồn trong người, phản xạ và khả năng điều khiển của người lái drone/flycam bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến mất kiểm soát thiết bị, gây nguy hiểm cho con người và tài sản.
Flycam có thể bay ở tốc độ cao và rơi từ trên không xuống, dễ gây tổn thương cho người bên dưới hoặc làm hư hại tài sản nếu bị điều khiển sai hoặc mất kiểm soát.
Nhiều quốc gia và khu vực có quy định nghiêm ngặt về việc bay flycam để tránh va chạm với các phương tiện bay khác. Nếu người điều khiển bị ảnh hưởng bởi cồn, họ có thể vi phạm quy tắc bay, gây nguy hiểm cho máy bay thương mại hoặc quân sự.
Khi mất kiểm soát ý thức, người điều khiển flycam có thể vô tình (hoặc cố ý) xâm phạm quyền riêng tư, quay phim ở khu vực cấm hoặc bay vào vùng không phận hạn chế, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Khi có sự cố như gió mạnh, nhiễu sóng, hay tình huống khẩn cấp, người điều khiển flycam cần phản ứng nhanh để tránh tai nạn. Nồng độ cồn cao làm chậm quá trình phán đoán và xử lý tình huống.
Việc cấm người điều khiển flycam có nồng độ cồn cũng giống như cấm lái xe khi say rượu – nhằm bảo vệ an toàn cho chính họ và cộng đồng.
Tuy mỗi quốc gia có những quy định, điều luật cụ thể, nhưng về cơ bản, chính quyền có biện pháp để công dân tuân thủ, theo các nguyên tắc kể trên. Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) yêu cầu người điều khiển flycam phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, bao gồm việc duy trì trạng thái tinh thần tỉnh táo và khả năng phán đoán tốt. Mặc dù không có quy định cụ thể về nồng độ cồn, việc sử dụng chất kích thích khi điều khiển flycam là vi phạm quy tắc an toàn.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh(CAA) đã ban hành bộ quy tắc drone code, yêu cầu người điều khiển flycam phải có trách nhiệm và không được hoạt động dưới ảnh hưởng của chất kích thích. Mặc dù không nêu rõ về nồng độ cồn, việc điều khiển flycam khi không tỉnh táo là vi phạm quy tắc an toàn.
Tại Úc, Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng (CASA) quy định người điều khiển flycam không được sử dụng rượu, ma túy hoặc các chất gây ảnh hưởng đến khả năng điều khiển thiết bị.
Theo dự thảo Nghị định quy định quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay mà Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định, người trực tiếp điều khiển phương tiện bay phải đủ 18 tuổi trở lên, trừ người điều khiển phương tiện bay có trọng lượng cất cánh dưới 0,25 kg; trong máu, hơi thở không có nồng độ cồn, ma túy, chất gây ngủ, các chất bị cấm.
Người trực tiếp điều khiển phương tiện bay có trọng lượng cất cánh trên 0,25 kg phải có giấy phép điều khiển bay quan sát bằng trực quan.
Trường hợp điều khiển phương tiện bay có trọng lượng cất cánh tối đa từ 2 kg trở lên; bay ngoài tầm nhìn trực quan, bay theo chương trình cài đặt sẵn thông qua bộ điều khiển trung tâm phải có giấy phép điều khiển bay quan sát bằng thiết bị do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc bằng, chứng chỉ quốc tế được Việt Nam công nhận…
Thủy Nguyễn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/vi-sao-phai-cam-nong-do-con-khi-dieu-khien-flycam-10302705.html