Vì sao phí ship từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn cả giao nội địa

Vì sao phí ship từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn cả giao nội địa
2 giờ trướcBài gốc
Việt Nam chỉ đứng thứ 5 về chỉ số hiệu suất hậu cần trong số 6 nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo Nikkei, xu hướng đầu tư vào robot và hạ tầng đường bộ đang trở thành động lực phát triển của ngành logistics tại Việt Nam.
Mới đây, Viettel Post đã giới thiệu máy bay không người lái giao hàng và robot phân loại có khả năng tăng năng lực xử lý lên 40%. Công ty logistics này cũng đang triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng các cổng biên giới thông minh để phục vụ lĩnh vực hậu cần.
“Ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chi phí logistics chiếm hơn 20% GDP. Quy trình phân loại vẫn thủ công hoặc bán tự động trong khi việc áp dụng tự động hóa chỉ ở mức 10%”, Viettel Post cho biết trong một thông báo.
Trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc thông qua các nền tảng xuyên biên giới như Temu và Shein, năng lực logistics của Việt Nam tiếp tục chịu thêm áp lực và đòi hỏi nhiều sự cải thiện.
Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành cơn sốt mới tại thị trường Việt Nam. Các KOL/KOC bán được nhiều hàng hóa đến mức xung quanh biên giới Việt - Trung mọc lên hàng loạt kho hàng, văn phòng dành riêng cho ngành công nghiệp bán hàng online.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 18% từ năm 2023 đến năm 2024.
Mojo George, Giảng viên cao cấp về logistics từ Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng hoạt động giao vận thương mại điện tử sẽ dễ dàng hơn nếu Việt Nam hoàn thành sớm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
“Việc triển khai một hệ thống hạ tầng như vậy cho phép các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa khắp cả nước trong cùng một ngày, giảm đáng kể phụ thuộc vào sự chậm chạp của vận tải đường bộ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng”, George viết trong một bài phân tích.
John Campbell, Giám đốc dịch vụ công nghiệp của Savills, cho biết các doanh nghiệp vận hành kho hàng lưu trữ là một trong những đơn vị hưởng lợi từ nhu cầu hậu cần tăng cao.
“Đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, cởi mở thương mại và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và tiềm năng của phân khúc kho bãi”, Campbell nhận định.
Trên thực tế, Chính phủ cũng nhìn ra tầm quan trọng chiến lược của logistics.
Vào năm 2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chính thức dành riêng cho lĩnh vực logistics, cam kết phát triển vận tải đa phương thức cũng như các giải pháp kỹ thuật số và xanh cho ngành này.
Ngọc Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-phi-ship-tu-trung-quoc-ve-viet-nam-re-hon-ca-giao-noi-dia-post1512074.html