Vì sao 'phía đông trồng lựu hốt vàng, phía tây trồng hồng hốt bạc'?

Vì sao 'phía đông trồng lựu hốt vàng, phía tây trồng hồng hốt bạc'?
5 giờ trướcBài gốc
Theo quan niệm dân gian, đông và tây là hai phương vị phát tài. Do vậy, người xưa cho rằng nếu trồng cây lựu ở phía đông, cây hồng ở phía tây, gia đình sẽ ngày càng giàu sang, phát đạt.
Phía đông trồng lựu hốt vàng, phía tây trồng hồng hốt bạc.
Vì sao "phía đông trồng lựu hốt vàng"?
Lựu là loại cây thân gỗ, cành rất dẻo dai và có nhiều nhánh nhỏ, dễ tạo thành bụi dày. Cây lựu cảnh ưa ánh sáng tự nhiên, thích hợp với môi trường nhiều ánh nắng, nhưng cũng có thể chịu được bóng râm nhẹ.
Hoa và quả lựu có màu đỏ tươi. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Khi mùa hè đến, những quả lựu sai trĩu trên cây đỏ rực cả góc vườn không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn tạo cảm giác thịnh vượng, là hình ảnh của tài lộc sum suê. Mỗi sáng sớm, ánh sáng ban mai chiếu vào sẽ khiến cây như tỏa ra ánh sáng vàng.
Dân gian có câu "Phía đông trồng lựu hốt vàng" không chỉ nói về vẻ đẹp này, mà còn cho rằng cây lựu sai quả ở hướng đông là dấu hiệu cho thấy gia đình sẽ phát tài, làm ăn thịnh vượng.
Những quả lựu sai trĩu trên cây đỏ rực cả góc vườn khiến cho người ta luôn có cảm giác may mắn đang đến với gia đình. (Ảnh: Wikiohana)
Trong phong thủy, quả lựu, cây lựu luôn gắn với những ý nghĩa tốt đẹp. Theo quan niệm của người xưa, cây lựu tượng trưng cho sự kiên cường, vững chãi. Những chùm hoa lựu đỏ rực được cho là có tác dụng xua đuổi tà khí và điều xui xẻo, mang lại cho gia chủ cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc. Những quả lựu căng đỏ tựa như những chiếc lồng đèn được cho là biểu tượng của may mắn, tài lộc và cuộc sống vui tươi, thịnh vượng.
Bên trong quả lựu có rất nhiều hạt, người xưa coi nó là biểu tượng của sự đông con nhiều cháu. Cây lựu vì thế cũng được gọi là cây vượng tử. Nhiều người tin rằng việc trồng cây lựu phía đông không chỉ thu hút tài lộc mà còn giúp con cháu đầy đàn, tăng thêm sức sống cho căn nhà.
Ngoài ý nghĩa phong thủy, nhiều người còn thích trồng cây lựu vì những lợi ích thực tế khác. Lựu cũng là một loại cây cảnh đẹp, nhất là thời điểm cây ra hoa và có quả.
Quả lựu giàu khoáng chất, vitamin A và trên hết là vitamin C, polyphenol chống ôxy hóa. Đây là loại quả được rất nhiều chị em sử dụng để làm đẹp. Trong y học cổ truyền, hoa và quả lựu đều được dùng làm thuốc. Hoa lựu vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt không đều, viêm tai giữa, đau răng... Quả lựu có tác dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ lâu ngày, đau bụng...
Vì sao "phía tây trồng hồng hốt bạc"?
Cây hồng có tên tiếng Anh là persimmon - một loại cây ăn trái thuộc chi Thị (Diospyros). Thân chính của cây thường rất cao, có thể lên tới 10-14 m. Nhiều gia đình thích trồng hồng ở trong vườn vì những cành hồng già uốn lượn, mang theo những quả hồng đỏ rực lúc lỉu sẽ khiến khu vườn và ngôi nhà trở nên rực rỡ.
Cây hồng phát triển rất nhanh. Sau khi trồng khoảng 3 năm, cây sẽ ra hoa, kết trái. Cây cao, có thể đón được ánh nắng dù trồng ở phía tây. Quả hồng thường chín vào mùa thu đông, khi mặt trời lặn hay sáng sớm, sương muối sẽ vương trên những quả hồng đỏ rực tạo ra những ánh bạc. Hình ảnh này cộng với ý nghĩa phong thủy của nó khiến người xưa nói rằng "phía tây trồng hồng hốt bạc".
Cây hồng có thể khiến ngôi nhà bừng sáng. (Ảnh: Toutiao)
Theo phong thủy, cây hồng sai trĩu, quả có hình tròn, trông giống như những chiếc đèn lồng nhỏ, trồng nó sẽ mang tới tài lộc, bình an và hạnh phúc cho cả gia đình. Không những thế, những quả hồng chín trông giống như những chiếc đèn lồng nhỏ màu đỏ, làm tăng thêm không khí lễ hội.
Người ta kiêng trồng cây hồng giữa sân, vì tán cây quá cao, che mất ánh nắng, có thể khiến sân nhà bị ẩm ướt. Đối với các gia đình, chiếc sân sáng sủa và sạch sẽ có thể thúc đẩy vận may.
Lan Phương
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/vi-sao-phia-dong-trong-luu-hot-vang-phia-tay-trong-hong-hot-bac-ar923466.html