Câu chuyện thứ hai: Vỏ kén về nghề nghiệp
Du học sinh Việt Nam thường chia sẻ với nhau kinh nghiệm vượt qua rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, trong việc kiếm việc làm ở nước ngoài. Sau đây là câu chuyện tìm việc của mình.
Khi là sinh viên, mình có một kỳ thực tập với một công ty startup về AI ở thung lũng Silicon. Vì công ty mình nhỏ, ban giám đốc thân thiện dễ chịu, nên mình được ngồi dự hầu hết các cuộc họp của công ty.
Ảnh minh họa. Nguồn: The Power Moves.
Nhiều cuộc họp trong đó thật sự không liên quan tới việc mình làm đâu, nhưng lần đầu được vô một công ty nhỏ ở Mỹ mình thấy rất là phấn khởi. Khi kết thúc kỳ thực tập, bằng tất cả sự quan tâm, hay là dân gian còn gọi là hay lo chuyện bao đồng, mình gởi cho công ty một báo cáo mình viết những điều mà công ty nên cân nhắc để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.
Hai tuần sau, drama nằm ở chỗ này: mình không nghe một hồi âm nào hết. Mình bèn nhắc anh CEO là anh có gì góp ý với bản báo cáo của tôi không. Sau đó, mình với anh CEO ngồi xuống trao đổi với nhau các điểm mình trình bày. Anh quay sang hỏi mình, “Thế cô nhận làm những việc này được không?”. Câu hỏi đó đã mở ra cho mình trở thành người nữ duy nhất trong ban quản lý công ty mình.
Bài học mình rút ra là: bên cạnh sự may mắn, thì tinh thần quan tâm một vấn đề lớn hơn nội dung công việc được giao, và sự chủ động đặt vấn đề chính là những yếu tố dẫn mình từ chỗ thất nghiệp (mà mình vốn rất sợ) thành có việc làm.
Khi mình làm quản lý, mình từng có một bạn nhân viên nữ mới ra trường, rất nhanh nhẹn, giỏi giang. Mình nghĩ bạn ấy nên được cất nhắc lên một vị trí cao hơn. Khi mình ngỏ lời mời, bạn rất hào hứng vì muốn có một khoản thu nhập tốt hơn, để nâng cao chất lượng cuộc sống, dành dụm cho một số kế hoạch tương lai.
Sau đó, bạn về nhà cân nhắc tới lui, bạn quay lại bảo có lẽ bạn sẽ từ chối lời mời này vì trong tương lai, bạn sẽ dành thời gian cho gia đình. Mình mới hỏi bạn là: “Thế bây giờ mình có thể tạo một cơ hội thăng tiến cho bạn từ đây cho đến lúc bạn sẽ dừng lại để dành thời gian cho gia đình được không?”. Bạn cười, bảo: “À, thật ra em chưa có bạn trai!”. Mình nghĩ thế thì không biết có lo hơi sớm không...
Mình không dám nói việc đi làm là cần thiết cho mọi phụ nữ. Nếu bạn nữ thích đi làm, hoặc cho rằng đi làm là sự lựa chọn cần thiết, thì sau đây là lời động viên của mình. Mình nghĩ là việc phụ nữ đi làm có những cái hay về góc độ xã hội và cả góc độ cá nhân.
Ở góc độ xã hội: Một tập thể có sự đa dạng về giới, tức là nếu có thêm phụ nữ, thì sẽ giúp tập thể đó có được nhiều góc nhìn đa chiều hơn. Góc nhìn đa chiều hơn giúp tập thể có được văn hóa doanh nghiệp, chất lượng hiệu quả hoạt động của tập thể tốt hơn.
Ở góc độ cá nhân: Khi một người nữ, hay một người ở bất kỳ giới tính nào, hoàn thành một việc được giao ở chỗ làm, họ sẽ thấy mình có ích. Theo nhà tâm lý học Victor Frankl, cảm giác có ích mang đến cho mình cảm giác cuộc sống này có ý nghĩa. Cảm giác cuộc sống này có ý nghĩa sẽ làm ta thấy hạnh phúc.
Một người phụ nữ hạnh phúc thì người phụ nữ đó có thể đem được năng lượng tích cực về cho gia đình. Một phụ nữ đi làm thì cô ta có được góc nhìn đa chiều hơn và sự linh hoạt về tài chính để có thể chủ động hơn trong lựa chọn dinh dưỡng, y tế, giáo dục cho em bé.
Vậy cho nên mình nghĩ nếu một bạn nữ đứng trước một sự lựa chọn là “Có lẽ tôi phải từ chối cơ hội nghề nghiệp này vì sớm thôi tôi sẽ dành thời gian cho gia đình”. Thì, mình khuyến khích các bạn đặt một câu hỏi khác hơn, đó là, “Sớm muộn thôi, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình, vậy thì bây giờ nên thử?”. Nếu bạn đặt câu hỏi đó, bạn sẽ gặt hái một số trải nghiệm sống thú vị và những mối quan hệ xã hội có ý nghĩa, hơn nữa, là một cảm giác của tuổi trẻ sống hết mình.
Để kết lại bài nói này, mình xin chia sẻ về ngày Rosh Hashanah, tức là ngày tết Do Thái. Mình gặp ban tổ chức TEDx cho chủ đề "Bước ra khỏi vỏ kén" vào một ngày cuối tháng 9, gần vào ngày Rosh Hashanah. Trước thềm năm mới, người Do Thái có phong tục suy nghĩ về những điều họ muốn thay đổi trong năm mới.
Ngay ngày đầu tiên của năm mới, cộng đồng người Do Thái ở Thung lũng Silicon nơi mình sống sẽ tập trung lại và có nghi thức thả bươm bướm lên trời. Những con bươm bướm được thả bay lên trời mang tính biểu tượng của sự thay đổi từ bên trong, một sự lột xác (inner transformation).
Ai Huynh/NXB Trẻ